Hỗ trợ, giới thiệu việc làm cho người lao động nghỉ việc sau sáp nhập, tinh gọn bộ máy Nhà nước

Trên cơ sở đánh giá sát tình hình và đúng đối tượng, các cơ quan chức năng sẽ triển khai thực hiện các chính sách để hỗ trợ, giới thiệu việc làm cho người lao động bị ảnh hưởng do quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy sắp tới...

Tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động tại Hà Nội. Ảnh: N.Dương.

Tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động tại Hà Nội. Ảnh: N.Dương.

Theo dự báo của Bộ Nội vụ, sau phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy Nhà nước và tại các địa phương, sẽ có một lực lượng lớn lao động trong khu vực công tham gia vào thị trường lao động. Điều này có thể tạo áp lực đến vấn đề kết nối việc làm cho các đối tượng này, song cũng là cơ hội để người lao động thay đổi nhằm thích nghi với thị trường.

KHÔNG GÂY XÁO TRỘN ĐẾN THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG

Thông tin về việc các cán bộ, công chức, viên chức bị tác động do sắp xếp bộ máy, số người đã ra khỏi bộ máy Nhà nước và tình hình giải quyết việc làm cho nhóm đối tượng này, ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Nội vụ) cho biết, trong đợt 1 tinh gọn bộ máy các Bộ, ngành, địa phương, dự kiến có khoảng 100.000 cán bộ, công chức, viên chức bị ảnh hưởng.

Xét về mặt lực lượng lao động, đây là những người có kinh nghiệm, là nguồn bổ sung nhân lực đáng kể cho thị trường lao động khi đang rất cần nhân lực có kinh nghiệm, có quản trị.

Cục Việc làm đã chỉ đạo hệ thống các Trung tâm dịch vụ việc làm và một số địa phương đã triển khai tổ chức giới thiệu việc làm, kết nối việc làm giữa doanh nghiệp với đối tượng này. Cục Việc làm cũng đang nghiên cứu, báo cáo đề xuất cơ chế chính sách, vấn đề đào tạo, thông tin thị trường lao động, cho vay vốn giải quyết việc làm.

Đối với việc sắp xếp, sáp nhập tỉnh sắp tới, ông Bình cho hay Cục Việc làm đang phối hợp các đơn vị trong Bộ Nội vụ để nắm chắc dữ liệu. “Đến thời điểm hiện nay chúng tôi chưa có dữ liệu để đánh giá đúng tình hình. Một là bao nhiêu lao động rời khỏi khu vực công, trình độ chuyên môn như thế nào, ở trên địa bàn nào và trên cơ sở đó chúng ta phân nhóm, phân loại để kết nối giữa doanh nghiệp và người lao động”, ông Bình nói.

Theo ông Bình, trên cơ sở đánh giá được đúng đối tượng mới có thể kết nối, hỗ trợ được, Cục Việc làm sẽ triển khai thực hiện những cơ chế, chính sách cung cấp thông tin, giới thiệu việc làm, cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm cho người lao động.

Thực tế, có nhiều nhóm lao động khác nhau, có nhóm lao động trẻ, có nhóm lao động trên 50 tuổi, vì thế ông Bình cho rằng cần có cách ứng xử khác nhau trong cơ chế chính sách đối với từng nhóm đối tượng này.

Lãnh đạo Cục Việc làm cho biết nước ta hiện có khoảng 54 triệu lao động, trong đó có gần 53 triệu lao động đang tham gia vào thị trường. Vì thế, với đợt sắp xếp bộ máy đầu tiên, số người bị ảnh hưởng khoảng 100.000 người, nếu nhìn dưới góc độ người lao động là rất cần quan tâm để có chính sách hỗ trợ.

Song nhìn dưới góc độ thị trường lao động, số lượng 100.000 người này phân bổ ở nhiều ngành, nghề khác nhau, trải đều trên 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đây là nguồn bổ sung vào thị trường lao động, thì có thể nói rằng không tạo ra biến động lớn.

“Với đợt sắp xếp thứ 2, chúng tôi sẽ tiếp tục đánh giá số người lao động bị ảnh hưởng, bao gồm về số lượng, ảnh hưởng về cá nhân của công chức, viên chức rời khỏi khu vực công và ảnh hưởng về vấn đề cung cấp nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, xét đến ảnh hưởng chung về số lượng, chúng tôi dự báo như với đợt đầu tiên là 100.000 người, thì đợt này cũng không gây xáo trộn đến thị trường lao động”, Cục trưởng Cục Việc làm thông tin thêm.

KẾT NỐI VIỆC LÀM PHÙ HỢP VỚI TRÌNH ĐỘ, KỸ NĂNG CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG

Từ góc độ đơn vị kết nối việc làm, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, cho biết thị trường lao động không thể tránh khỏi các tác động của những biến động bên ngoài, kể cả bối cảnh thế giới, trong nước. Tuy nhiên theo quan sát, ông Thành nhận định riêng với thị trường Hà Nội hiện là tương đối ổn định.

Kết nối tuyển dụng giữa doanh nghiệp và người lao động. Ảnh: N.Dương.

Kết nối tuyển dụng giữa doanh nghiệp và người lao động. Ảnh: N.Dương.

Theo ông Thành, thực hiện chỉ đạo của Sở Nội vụ Hà Nội, trong thời gian hiện nay và giai đoạn tiếp theo, với lực lượng lao động nói chung và nhóm dôi dư do quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy, nếu họ có mong muốn tìm kiếm việc làm để tiếp tục tham gia thị trường lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội sẽ phối hợp với tất cả các cơ quan, đơn vị liên quan để thống kê qua các kênh giúp tiếp cận với nguồn lao động này.

Từ đó có định hướng tư vấn, trao đổi cụ thể, nắm tình hình nhằm giúp người lao động sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động tốt hơn, tìm được việc làm phù hợp với trình độ kiến thức và kỹ năng của họ trước khi thất nghiệp.

Với những lao động đến thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, họ cũng có thể tham gia các hoạt động cung cấp thông tin thị trường lao động, giao dịch việc làm để nhanh chóng kết nối với doanh nghiệp.

Lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cũng đánh giá, số lao động sắp tới nghỉ việc, thôi việc do quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy là lực lượng lao động có trình độ cao, nhiều kinh nghiệm thực tiễn, là nguồn nhân lực dồi dào, các doanh nghiệp trong nước có thể tận dụng.

Song việc đào tạo lại nhóm này để phù hợp với yêu cầu thực tiễn của doanh nghiệp cần dựa trên đánh giá và khảo sát cụ thể.

“Sau khi tiếp nhận nguồn lao động nghỉ việc do sắp xếp tổ chức bộ máy, chúng tôi sẽ tiến hành đánh giá trình độ, kỹ năng nghề nghiệp để có phương án phù hợp. Việc đào tạo lại sẽ phụ thuộc vào vị trí việc làm, yêu cầu công việc và trình độ sẵn có của người lao động. Để kết nối lao động với việc làm một cách hiệu quả, cần có đánh giá rõ ràng về năng lực, kỹ năng của họ so với yêu cầu tuyển dụng”, ông Vũ Quang Thành nhấn mạnh.

Nhật Dương

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/ho-tro-gioi-thieu-viec-lam-cho-nguoi-lao-dong-nghi-viec-sau-sap-nhap-tinh-gon-bo-may-nha-nuoc.htm