Hỗ trợ học nghề cho người thất nghiệp

Từ đầu năm đến hết tháng 11-2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tư vấn, giới thiệu cho hơn 63,5 ngàn người. Đáng chú ý, có 1.138 người được trung tâm hỗ trợ học nghề miễn phí sau khi thất nghiệp.

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai đào tạo may mặc cho lao động thất nghiệp

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai đào tạo may mặc cho lao động thất nghiệp

Ngoài ra, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh còn là nơi kết nối giữa người tìm việc và doanh nghiệp.

* Tận dụng cơ hội học miễn phí

Có thâm niên 19 năm làm công nhân giày da, chị Nguyễn Thùy Trang, ngụ tại P.Tân Phong, TP.Biên Hòa phải nghỉ việc do công ty thiếu đơn hàng, phải cắt giảm nhân sự. Vừa nhận được chế độ bảo hiểm thất nghiệp, chị Trang đăng ký ngay lớp học nghề may - lớp hỗ trợ dành cho những người mất việc.

Và đây là dịp chị thực hiện ước mơ ấp ủ từ nhiều năm. Đó là mở tiệm may riêng tại nhà. Chị Trang cho biết, nhờ chính sách bảo hiểm thất nghiệp, chị đã tiết kiệm được một khoản kha khá dành cho học nghề. “Khi đi làm chế độ bảo hiểm thất nghiệp, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tư vấn có chương trình hỗ trợ học nghề miễn phí. Tôi đã tận dụng cơ hội đó để đi học. Thất nghiệp đồng nghĩa với không có thu nhập nên được miễn tiền học rất có ý nghĩa” - chị Trang bày tỏ.

Chính sách hỗ trợ học nghề cho lao động thất nghiệp ngày càng thể hiện tính hiệu quả và ngày càng được nhiều lao động tham gia. Thống kê cho thấy, năm 2010 chỉ có 1 người được hỗ trợ học nghề sau khi làm trợ cấp thất nghiệp; con số đó của năm 2015 là 1.387 người và năm 2020 có 1.876 người được hỗ trợ học nghề và 11 tháng năm 2023 là 1.138 người. Hiện có 3 kênh đào tạo nghề sơ cấp gồm: tại Trung tâm Dịch vụ việc làm t; các cơ sở đào tạo nghề và đào tạo nghề tại doanh nghiệp

Thực tế, nhiều người cũng có sự lựa chọn như chị Trang, tận dụng cơ hội học nghề để trở lại thị trường lao động khi có cơ hội. Bởi, bất cứ công việc nào thì có tay nghề vẫn hơn là không có gì trong tay.

Theo chính sách của Nhà nước thì trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động được tư vấn và giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề miễn phí. Một số ngành nghề được đào tạo miễn phí như: kế toán, may, sửa máy may, tin học, ẩm thực, kỹ thuật thẩm mỹ…

Trong đó, một số nghề sẽ do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tự đào tạo. Ngoài ra, trung tâm sẽ phối hợp với các đơn vị có đủ năng lực khác đào tạo miễn phí cho học viên. Như vậy, người lao động sẽ được hỗ trợ tối đa 1,5 triệu đồng/người/tháng. Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng và thời gian học thực tế của từng nghề hoặc từng khóa học nhưng không quá 6 tháng. Số tiền này sẽ chi trả trực tiếp cho cơ sở đào tạo nghề.

Bà Trần Thị Thùy Trâm, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai cho hay, ngoài đào tạo nghề cho người thất nghiệp, trung tâm còn phối hợp với doanh nghiệp đào tạo nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp, đào tạo theo đơn đặt hàng của công ty. “Trong tương lai, chúng tôi sẽ phát triển hướng này để đào tạo nghề, người lao động học xong là đáp ứng được nhu cầu của công ty luôn” - bà Trâm chia sẻ.

* Kết nối doanh nghiệp và người lao động

Ngoài hỗ trợ học nghề, ngày 10 và ngày 25 hàng tháng, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai còn đều đặn tổ chức sàn giao dịch việc làm để kết nối nhu cầu “người tìm việc, việc tìm người” của doanh nghiệp và người lao động.

Kết nối tìm việc làm cho người lao động và nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp luôn được trung tâm xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Những năm qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai đã phối hợp chặt chẽ với Phòng Chính sách lao động của Sở LĐ-TBXH; Phòng LĐ- TBXH và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên các huyện, thành phố; chủ động liên hệ với các doanh nghiệp để tổ chức sàn giao dịch việc làm tại trung tâm và sàn giao dịch việc làm lưu động tại các địa phương.

Giáo viên hướng dẫn học viên cắt may tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai

Giáo viên hướng dẫn học viên cắt may tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai

Những năm gần đây, trung tâm còn phối hợp với các tỉnh trong khu vực để kết nối nhu cầu “người tìm việc, việc tìm người” giữa các địa phương. Hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm ngày càng được Trung tâm Dịch vụ việc làm chú trọng, đa dạng hóa hình thức và cải tiến quy trình. Số người được tư vấn, giới thiệu việc làm có xu hướng tăng theo từng năm và chiếm tỷ lệ khá cao so với số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Từ đầu năm đến giữa tháng 12-2023, trung tâm đã tổ chức 15 sàn giao dịch việc làm trực tiếp, đạt 100% kế hoạch năm. Trong đó, số đơn vị đăng ký tham gia là 322 lượt doanh nghiệp, đạt 107,3% kế hoạch năm, với nhu cầu tuyển dụng 16.966 lao động.

Sàn giao dịch việc làm thu hút nhiều đơn vị có nhu cầu tuyển dụng lao động lớn trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh như: may mặc, giày da, xuất khẩu lao động, bảo hiểm nhân thọ, dịch vụ tài chính, viễn thông, bảo vệ… tuyển dụng nhiều vị trí việc làm. Việc tổ chức sàn giao dịch việc làm đã giúp cho nhiều lao động yếu thế, người lao động thất nghiệp, học sinh... có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, học nghề và đặc biệt là tham gia đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; góp phần đáng kể vào việc thực hiện hoàn thành chỉ tiêu tư vấn và giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn.

Thông qua việc tổ chức sàn giao dịch việc làm đã thúc đẩy phát triển thị trường lao động, kết nối cung - cầu lao động và nhận thức của người lao động và thân nhân của họ về học nghề, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động cũng đã chuyển biến theo chiều hướng tích cực.

Ngoài trụ sở chính của trung tâm ở TP.Biên Hòa, trung tâm còn có 5 văn phòng đại diện được đặt tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên các huyện, thành phố: Trảng Bom, Long Khánh, Định Quán, Long Thành và Nhơn Trạch để tạo điều kiện cho người lao động kết nối với thị trường lao động và giải quyết thủ tục hành chính về bảo hiểm thất nghiệp.

P.V

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202312/ho-tro-hoc-nghe-cho-nguoi-that-nghiep-72822d0/