Hỗ trợ người dân khu tái định cư Hồng Thượng

UBND huyện A Lưới phối hợp với các cơ quan có liên quan tăng cường kêu gọi đầu tư dự án (DA) cụm công nghiệp Cân Tôm - Hồng Thượng. Đồng thời, tiếp tục có chính sách hỗ trợ người dân, nghiên cứu phương án đổi đất lâm nghiệp đối với 15ha đất ở Hồng Thượng thuộc DA đền bù giải phóng mặt bằng thủy điện A Lưới.

Đất cấp đổi tại khu TĐC Hồng Thượng bị lẫn nhiều đá, người dân không sản xuất được

Đất cấp đổi tại khu TĐC Hồng Thượng bị lẫn nhiều đá, người dân không sản xuất được

Việc cấp đổi đất sản xuất lúa nước cho người dân tại khu tái định cư (TĐC) thủy điện A Lưới (xã Hồng Thượng, huyện A Lưới) mới thực hiện 9/24ha, còn 15ha bỏ hoang hoặc sản xuất cầm chừng. Những năm qua, người dân ở Hồng Thượng đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền địa phương về việc 15ha đất ruộng nước cấp đổi cho 63 hộ dân tại khu TĐC này bị lẫn nhiều đá, không có hệ thống thủy lợi, không sản xuất được.

Từ sự kiến nghị của người dân, các ban, ngành, chính quyền địa phương đã nhiều lần họp bàn, đưa ra các phương án như hỗ trợ sản xuất, đầu tư thủy lợi, chuyển đổi cây trồng… nhưng đến nay đều không có hiệu quả, do đất quá cằn cỗi, sỏi cuội, không có tầng đế cày. Diện tích đất cấp đổi có khoảng 9ha người dân sản xuất “nhờ trời”, còn 6ha còn lại bỏ hoang hoàn toàn do không cải tạo được và phương án đầu tư thủy lợi cũng khó khả thi.

Khu TĐC thủy điện A Lưới được thành lập năm 2011, gồm 106 hộ dân với 567 nhân khẩu di dời đến vùng TĐC từ các xã Hồng Thái, Sơn Thủy, Hồng Thượng. Đây là các hộ dân nhượng lại đất do ảnh hưởng khu vực lòng hồ thủy điện A Lưới. Từ 106 hộ dân đầu tiên, đến nay, khu TĐC được chia thành 2 thôn A Đên và A Sáp với 170 hộ dân, hơn 600 nhân khẩu.

Theo UBND xã Hồng Thượng, các hộ dân thuộc diện di dời của DA thủy điện A Lưới được cấp đổi đất ở bình quân mỗi hộ 2.000m2, đất sản xuất 10.500m2. Trong đó, đất trồng lúa nước 2.500m2, đất trồng rừng sản xuất 8.000m2. Diện tích được cấp đổi tại khu TĐC tương ứng với diện tích trước đây các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi DA thủy điện A Lưới.

Trước đó, UBND tỉnh cũng đã thống nhất phương án đầu tư hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu đối với diện tích có khả năng cải tạo sản xuất được lúa nước. Đối với diện tích không thể cải tạo, thực hiện đền bù bằng tiền để người dân nhận chuyển nhượng đất lúa nước ở các địa phương liền kề. UBND tỉnh giao UBND huyện A Lưới tham mưu đề xuất Tổng Công ty thủy điện miền Trung xem xét, hỗ trợ đền bù cho người dân.

Ông Lê Quang Vinh, Chủ tịch UBND xã Hồng Thượng cho biết, hiện khu vực đất 15ha trên đã được quy hoạch cụm công nghiệp Cân Tôm - Hồng Thượng, UBND huyện đang xúc tiến kêu gọi đầu tư. Diện tích đất trên người dân có nguyện vọng được đền bù bằng tiền, tuy nhiên, việc đền bù theo quy định không thể thực hiện được.

Khu TĐC Hồng Thượng, huyện A Lưới gặp khó khăn trong canh tác do đất quá cằn cỗi

Khu TĐC Hồng Thượng, huyện A Lưới gặp khó khăn trong canh tác do đất quá cằn cỗi

Chưa nói việc đền bù, hỗ trợ người dân chuyển đổi nghề, chuyển đổi sản xuất với tổng kinh phí ước chừng khoảng 32 tỷ đồng, là số tiền lớn đối với chính quyền địa phương. Trong khi chờ kêu gọi đầu tư, xã tiếp tục có những chính sách hỗ trợ người dân sản xuất, đồng thời đề xuất huyện tìm phương án giải quyết cho phù hợp.

Theo UBND huyện A Lưới, phần diện tích 15ha thuộc DA đền bù giải phóng mặt bằng Thủy điện A Lưới (thực tế giao cho các hộ dân là hơn 16ha ruộng nước cấp đổi cho 63 hộ dân TĐC xã Hồng Thượng), khu vực này đã quy hoạch cụm công nghiệp Cân Tôm - Hồng Thượng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Qua nhiều năm thực hiện chính sách đền bù thì khu vực này chưa đảm bảo đủ các điều kiện để trồng lúa nước. UBND huyện A Lưới, UBND xã Hồng Thượng đã phối hợp Sở NN&PTNT thực hiện nhiều phương án như cải tạo đất, chuyển đổi cây trồng, canh tác ngoài lúa, đầu tư thủy lợi tưới nước cho 7ha (thuộc diện tích trên) có khả năng canh tác nhưng đều không mang lại hiệu quả mong muốn, khó khả thi để tiếp tục trồng lúa nước như yêu cầu của người dân.

Hiện, người dân kiến nghị được đền bù bằng tiền. Tuy nhiên, theo quy định việc đền bù bằng tiền cho người dân phải có DA đầu tư được duyệt (kêu gọi đầu tư ngoài ngân sách hoặc Nhà nước đầu tư theo quy hoạch hạ tầng cụm công nghiệp) nhưng khó thực hiện được trong thời gian này, do hạ tầng cụm công nghiệp tại địa bàn huyện có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, đồng thời, phương án Nhà nước đầu tư cần nhiều nguồn lực và tính khả thi trong kêu gọi đầu tư thứ cấp.

Vì vậy, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện A Lưới tiếp tục có phương án hỗ trợ người dân, như có văn bản gửi Tổng Công ty thủy điện miền Trung - Chủ đầu tư Thủy điện A Lưới xem xét, hỗ trợ cho người dân, nghiên cứu phương án đổi đất lâm nghiệp... trong thời gian thực hiện xúc tiến đầu tư DA cụm công nghiệp Cân Tôm - Hồng Thượng và phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác kêu gọi đầu tư.

Khởi công năm 2007 trên sông A Sáp, Dự án thủy điện A Lưới ảnh hưởng gần 2.000ha đất của hơn 1.300 hộ dân trên địa bàn huyện. Trong đó, có 205 hộ dân nằm trong lòng hồ phải di dời... Đến nay, việc cấp đổi đất để sản xuất lúa nước cho người dân khu TĐC Hồng Thượng mới chỉ thực hiện được 9/24ha, diện tích 15ha còn lại không sản xuất được do tầng canh tác không đảm bảo.

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/xay-dung-giao-thong/ho-tro-nguoi-dan-khu-tai-dinh-cu-hong-thuong-143651.html