Hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu sản phẩm trên nền tảng số

Với sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng số, Hội Nông dân (HND) tỉnh Bắc Kạn đã và đang tích cực triển khai nhiều hoạt động thiết thực, giúp hội viên xây dựng thương hiệu, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm trên không gian mạng, chủ động tiếp cận thị trường một cách hiện đại, hiệu quả hơn.

Trong tháng 4/2025, HND tỉnh đã tổ chức 08 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho giám đốc hợp tác xã, tổ trưởng tổ hợp tác do HND hỗ trợ thành lập tại các huyện, thành phố với gần 300 học viên tham gia.

Có mặt tại lớp tập huấn hỗ trợ nâng cao năng lực cho các tổ hợp tác, hợp tác xã tại thành phố Bắc Kạn, chúng tôi ghi nhận không khí lớp học sôi nổi bởi có nhiều nội dung hấp dẫn xoay quanh xây dựng thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm trên nền tảng số; hướng dẫn trực tiếp livestream; làm video ngắn… Đây là nội dung được quan tâm khi bán hàng trên không gian mạng phát triển, chi phí đầu tư thấp mà có thể lan tỏa đến nhiều khách hàng khắp mọi nơi, "gỡ khó" cho hội viên nông dân khi sử dụng nền tảng số.

 Học viên tham gia lớp tập huấn được thực hành trực tiếp.

Học viên tham gia lớp tập huấn được thực hành trực tiếp.

Là một người trẻ nên việc tiếp cận công nghệ số với chị Lộc Thị Chanh, Giám đốc HTX sản xuất bánh gio xã Nông Thượng (TP. Bắc Kạn) dễ dàng hơn. Ban đầu chị Chanh chủ yếu đăng bài bán trên trang facebook cá nhân để giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Khi các nền tảng số khác như Tiktok, Shopee… phát triển, chị mạnh dạn mày mò, tiếp cận. Khi có các lớp tập huấn do Hội Nông dân tổ chức, chị Chanh đều tham gia. Chị Chanh chia sẻ: "Qua lớp học, tôi được hướng dẫn rất cụ thể cách bán hàng online, cách làm video sản phẩm, kỹ năng livestream để thu hút khách hàng, các kỹ năng trong xây dựng kênh bán hàng trực tuyến, ý tưởng mở rộng quy mô sản xuất, thị trường.

 Nhiều hợp tác xã đã chú trọng việc chụp hình ảnh đẹp về sản phẩm để đăng trên các nền tảng số.

Nhiều hợp tác xã đã chú trọng việc chụp hình ảnh đẹp về sản phẩm để đăng trên các nền tảng số.

Từ giữa năm 2024, bà La Thị Tám, Chủ cơ sở ở tổ 1, phường Sông Cầu (TP. Bắc Kạn) cũng bắt đầu chú trọng đến xây kênh trên các nền tảng số để mở rộng khách hàng. Tuy nhiên, việc tự mày mò, nghiên cứu gặp nhiều khó khăn cùng với việc thiếu tự tin khi nói chuyện cùng với chiếc điện thoại. Bà Tám cho biết: "Lúc đầu tôi thấy rất lo vì nhiều tuổi nhất lớp tập huấn, mới tiếp cận công nghệ. Nhưng nhờ giảng viên nhiệt tình hướng dẫn tôi có thêm tự tin, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội có điểm nhấn, thu hút khách hàng quan tâm. Hiện, hằng ngày tôi vừa sản xuất, vừa tự quay và dựng video hoặc có lúc sẽ phát trực tiếp quá trình sản xuất lạp sườn, thịt hun khói để tạo niềm tin cho khách hàng về sản phẩm trên facebook, tiktok cá nhân".

 Quy trình sản xuất được các hợp tác xã, chủ cơ sở livestream và quay video đăng trên các trang cá nhân.

Quy trình sản xuất được các hợp tác xã, chủ cơ sở livestream và quay video đăng trên các trang cá nhân.

Chị Đặng Thị Huyền, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Huyền Hân Thái Nguyên, người trực tiếp hỗ trợ các lớp tập huấn do HND tỉnh tổ chức chia sẻ: "Qua tìm hiểu thì người dân thiếu kỹ năng, hạn chế về công nghệ, cùng tâm lý e ngại khi tiếp cận hình thức kinh doanh mới khiến họ gặp không ít rào cản trong việc xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường. Qua đồng hành 8 lớp tập huấn tại các huyện, thành phố trong tháng 4 vừa qua, tôi mong rằng sẽ lan tỏa, tạo động lực giúp chủ các cơ sở sản xuất tự tin, có thêm kỹ năng, phát huy hiệu quả các nền tảng số mở rộng thị trường, khách hàng để tăng doanh số".

 Hội Nông dân tỉnh đồng hành, hỗ trợ hội viên nâng cao kỹ năng xây dựng, quảng bá thương hiệu trên các nền tảng số. (Trong ảnh: Quang cảnh lớp tập huấn)

Hội Nông dân tỉnh đồng hành, hỗ trợ hội viên nâng cao kỹ năng xây dựng, quảng bá thương hiệu trên các nền tảng số. (Trong ảnh: Quang cảnh lớp tập huấn)

Không chỉ giúp nông dân tiếp cận với công nghệ số quảng bá sản phẩm thông qua các lớp tập huấn, các cấp HND hỗ trợ về xây dựng bao bì, nhãn mác, truy xuất sản phẩm, tích cực tham gia xúc tiến các hoạt động liên kết với doanh nghiệp, các hội chợ, triển lãm nông nghiệp, thương mại… để hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản cho hội viên nông dân. Đến nay, các cấp HND đã hỗ trợ hơn 5.400 hộ nông dân có tài khoản trên sàn thương mại điện tử, nâng tổng số hộ nông dân có tài khoản gần 16.000 hộ; có trên 6.600 cán bộ, hội viên cài đặt, kích hoạt và sử dụng App Nông dân Việt Nam; lựa chọn hơn 300 sản phẩm lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn. Qua đó, đã giúp hội viên nông dân tìm kiếm, mở rộng được thị trường tiêu thụ cho sản phẩm.

 Chị Đặng Thị Huyền, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Huyền Hân Thái Nguyên (áo đỏ) hỗ trợ học viên các kỹ năng bán hàng trên mạng xã hội.

Chị Đặng Thị Huyền, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Huyền Hân Thái Nguyên (áo đỏ) hỗ trợ học viên các kỹ năng bán hàng trên mạng xã hội.

Bà Ngô Thị Hoanh, Phó Chủ tịch HND tỉnh cho biết: Xác định chuyển đổi số là động lực, là khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, HND tỉnh tiếp tục phối hợp với các địa phương đẩy nhanh quá trình ứng dụng công nghệ kỹ thuật số từ sản xuất đến chế biến, phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Từ đó, làm thay đổi cách thức quản lý, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập cho hội viên nông dân.

Với sự chủ động hội viên nông dân trong sản xuất, chế biến nông sản và sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành, việc chuyển đổi số trong sản xuất, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến rõ nét, góp phần xây dựng nền nông nghiệp sạch, bền vững./.

Hà Nhung

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/ho-tro-nong-dan-xay-dung-thuong-hieu-san-pham-tren-nen-tang-so-post70705.html