Hỗ trợ tổng cầu thông qua chi tiêu vốn để kích thích tăng trưởng

Với diễn biến tích cực trong những tháng đầu năm 2024, giới chuyên gia cho rằng, kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm sẽ tiếp tục ghi nhận kết quả khả quan. Dù vậy, nền kinh tế nước ta vẫn phải đối mặt với không ít rủi ro, biến động phức tạp từ bên ngoài và nội tại. Phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với TS. Dorsati Madani - Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam xung quanh vấn đề này.

 Xuất khẩu phục hồi là điểm sáng cho tăng trưởng kinh tế năm 2024. Ảnh tư liệu

Xuất khẩu phục hồi là điểm sáng cho tăng trưởng kinh tế năm 2024. Ảnh tư liệu

PV: Việt Nam đã đi qua gần nửa chặng đường của năm 2024 với nhiều khó khăn và thách thức, nhưng nền kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Bà có thể đánh giá khái quát về tình hình kinh tế Việt Nam trong những tháng đầu năm?

Bà Dorsati Madani: Những tháng đầu năm 2024 cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế sau giai đoạn tăng trưởng chậm năm 2023, với hoạt động sản xuất bắt đầu được cải thiện nhờ nhu cầu xuất khẩu tăng và nguồn vốn FDI ổn định. Mặt khác, cả đầu tư tư nhân và tiêu dùng vẫn đang tụt hậu so với mức trung bình trước Covid, do niềm tin của người tiêu dùng và nhà đầu tư vẫn chưa phục hồi.

PV: Vậy theo bà, đâu là động lực cũng như thách thức cho tăng trưởng của Việt Nam trong nửa cuối năm?

Bà Dorsati Madani: Nền kinh tế Việt Nam có hai động lực tăng trưởng chính - xuất khẩu và nhu cầu trong nước. Như đã giải thích, xuất khẩu đang được cải thiện và phân tích gần đây của Ngân hàng Thế giới và các tổ chức khác cho thấy, thương mại quốc tế dự kiến sẽ tăng hơn nữa trong nửa cuối năm nay. Điều này dự kiến sẽ tác động tích cực đến xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, rủi ro bên ngoài vẫn còn hiện hữu, với những bất ổn chính trị và kinh tế toàn cầu vẫn còn cao.

Triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong những năm tới là tích cực

Theo bà Dorsati Madani, triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong những năm tới là tích cực, trong đó rủi ro và cơ hội đối với viễn cảnh dự báo nhìn chung ở thế cân bằng. Nền kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng 5,5% trong năm 2024 và sẽ tăng lên 6% trong năm 2025.

Dự báo này dựa trên giả định xuất khẩu các mặt hàng chế tạo sẽ tiếp tục phục hồi trong năm 2024 (tăng 3,5% theo giá so sánh, so cùng kỳ năm trước), khi nhu cầu trên toàn cầu từng bước được cải thiện. Thị trường bất động sản được dự báo sẽ xoay chiều vào cuối năm 2024 và trong năm 2025, khi tình trạng đóng băng ở thị trường trái phiếu có dấu hiệu được giải tỏa.

Trong nước, cả tiêu dùng và đầu tư tư nhân vẫn còn một số điểm yếu và còn phải nỗ lực để phục hồi hoàn toàn về mức tăng trưởng trước đại dịch. Những điểm yếu này một phần là do niềm tin của người tiêu dùng giảm sút, người dân tiết kiệm nhiều hơn và trì hoãn các khoản mua sắm lớn như xe máy, ô tô, đồ gia dụng cỡ lớn và nhà.

Về đầu tư, thị trường bất động sản bắt đầu có dấu hiệu phục hồi vào nửa đầu năm 2024 sẽ giúp khôi phục niềm tin cho các nhà đầu tư trong nước. Còn về rủi ro trong nước đối với tăng trưởng, bao gồm những điểm yếu tiềm tàng của khu vực hoạt động tài chính, bao gồm nợ xấu gia tăng, năng lực giám sát và khung xử lý ngân hàng yếu kém.

PV: Với kết quả tăng trưởng đầu năm như vậy, bà đánh giá ra sao về khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2024. Việt Nam cần làm gì để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, thưa bà?

Bà Dorsati Madani: Bước sang nửa cuối năm, chúng tôi kỳ vọng xuất khẩu sẽ tăng hơn nữa trong khi nhu cầu trong nước (tiêu dùng và đầu tư tư nhân) dự kiến sẽ tăng mạnh. Vì vậy, chúng tôi dự báo mức tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam là 5,5%. Rủi ro với triển vọng này là cân bằng, như đã thảo luận ở trên. Có thể tăng trưởng cao nếu có hỗ trợ chính sách mạnh mẽ hơn, đặc biệt củng cố sự phục hồi nhu cầu trong nước.

Để đạt được mức tăng trưởng cao hơn và bền vững, điều quan trọng là Chính phủ phải thực hiện chính sách đầu tư vào nguồn nhân lực và xanh hóa các dịch vụ xương sống (như cơ sở hạ tầng giao thông, điện, số hóa nền kinh tế và hậu cần). Tăng cường quản lý và giải ngân đầu tư công sẽ là chìa khóa mang lại kết quả thành công cho các khoản đầu tư này.

Việc nới lỏng các rào cản trong kinh doanh, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ giúp các doanh nghiệp này năng động và tăng trưởng, góp phần tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm. Ngoài ra, việc cải thiện khuôn khổ giám sát và xử lý các ngân hàng yếu kém sẽ là bước tiến quan trọng nhằm thúc đẩy sự ổn định của ngành Ngân hàng.

PV: Bà có đề xuất giải pháp gì để Việt Nam có thể áp dụng trong những tháng cuối năm 2024, góp phần duy trì và lấy lại đà tăng trưởng kinh tế?

Bà Dorsati Madani: Chính phủ đã công bố một loạt các biện pháp nhằm hỗ trợ nền kinh tế trong nước, bao gồm việc kéo dài thời gian giảm thuế VAT từ tháng 6 đến hết năm 2024, giảm lãi suất cho vay và đẩy nhanh việc thực hiện các luật sửa đổi liên quan đến thị trường bất động sản. Tuy nhiên, nỗ lực đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư công có vẻ chưa có kết quả như mong muốn, khi chỉ thực hiện được khoảng 20% tổng vốn kế hoạch đến cuối tháng 5/2024.

Chúng tôi khuyến nghị tiếp tục hỗ trợ tổng cầu thông qua chi tiêu vốn, rõ ràng cải cách kế hoạch và thực hiện ngân sách đầu tư là ưu tiên hàng đầu, bao gồm cả yêu cầu cần áp dụng quan điểm chiến lược và có tính khu vực hơn đối với các dự án quan trọng quốc gia.

Trên thực tế, Chính phủ có thể tận dụng nguồn lực hiện có để giải quyết khoảng trống về cơ sở hạ tầng. Các nhà chức trách cũng cần cân nhắc sức mạnh của USD, việc giảm lãi suất để hỗ trợ phục hồi đầu tư tư nhân có thể làm tăng thêm áp lực lên tỷ giá hối đoái.

PV: Xin cảm ơn bà!

Hồng Quyên

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/ho-tro-tong-cau-thong-qua-chi-tieu-von-de-kich-thich-tang-truong-153030.html