Hòa Bình - vùng đất sử thi, địa chiến lược: Bài 3 - Đồng hành với lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước
Hòa cùng dòng chảy lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc, đồng bào các dân tộc ở Hòa Bình đã sắt son một lòng, đoàn kết, gắn bó keo sơn, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đồng hành cùng cả dân tộc Việt Nam trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước...
Hòa cùng dòng chảy lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc, đồng bào các dân tộc ở Hòa Bình đã sắt son một lòng, đoàn kết, gắn bó keo sơn, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đồng hành cùng cả dân tộc Việt Nam trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước...

Hòa cùng dòng chảy lịch sử, đồng bào các dân tộc ở Hòa Bình sắt son một lòng đồng hành cùng cả dân tộc trong đấu tranh dựng nước và giữ nước. Ảnh tại Lễ ra quân huấn luyện năm 2025.
Nhân kiệt thời nào cũng có
Mặc dù không phải là chiến địa, nơi diễn ra các trận đánh lớn trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước. Tuy nhiên, theo Giáo sư sử học Lê Văn Lan, qua những nghiên cứu, ghi chép lịch sử cho thấy, đời nào, thời nào, đồng bào các dân tộc sinh sống trên vùng đất Hòa Bình cũng có những đóng góp xứng đáng trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Một trong số đó là ông Đinh Quý Khiêm, con trai trưởng của quan lang vùng Mường Động. Theo sử sách và gia phả dòng họ Đinh Công ở vùng Mường Động (Kim Bôi) phụng soạn, vào năm Cảnh Hưng thứ 25 (1724), cụ tổ của dòng họ Đinh ở Mường Động là Đinh Như Lệnh (1365 - ?) vào khoảng cuối đời vua Trần Dụ Tông (1341 - 1369) sinh được 2 người con là Đinh Quý Khiêm và Đinh Văn Hưng. Ông Đinh Quý Khiêm là con trưởng được nối nghiệp cha làm thổ tù Mường Động. Gặp thời Lê Lợi khởi nghĩa ở Lam Sơn năm 1426 mang quân ra Bắc đánh đuổi giặc Minh xâm lược, ông Khiêm đã đưa quân "sơn dõng” ra phò vua đánh giặc và lập được nhiều chiến công. Quân "sơn dõng” của Đinh Quý Khiêm đã tham gia các trận đánh và lập được nhiều chiến công ở Tốt Động, Chúc Động, Cổ Lãm - Ninh Kiều và vây hãm thành Đông Quan (Hà Nội ngày nay)... buộc quân Minh phải đầu hàng rút về nước. Sau khi dẹp giặc, Lê Lợi lên ngôi đã phong cho Đinh Quý Khiêm chức "Phụ quốc tướng quân Khiêm nghĩa hầu”, cho quản suốt các vùng xứ Sơn Tây.
Tiếp sau ông Khiêm, đến đời ông Đinh Như Cương (sinh vào khoảng giữa thế kỷ XVI, thời kỳ Lê - Mạc phân tranh). Sau khi tiết chế Trịnh Tùng diệt được Mạc Mậu Hợp, tháng 3 năm Quý Tỵ (1593), vua Lê Thế Tông từ Thọ Xuân - Thanh Hóa ra Bắc. Khi đến vùng núi hoang vu thì bị nhóm thích khách âm mưu hãm hại, quân lính hộ vệ không chống trả nổi. Tính mạng nhà vua nguy cấp, thấy vậy Đinh Như Cương đã xông vào hộ giá, cứu vua thoát nạn. Ông được vua phong chức "Tiền quân hộ úy”. Sau khi xa giá về đến Thăng Long, ông được vua Lê cho đi theo Tiết chế Trịnh Tùng đánh giặc lập công. Lập nhiều chiến công, ông được sắc phong "Phụ quốc Thượng tướng quân tước Uy lộc hầu” trấn giữ ở đạo Kinh Bắc (Bắc Ninh).
Sau ông Cương, con trai Đinh Công Kỷđời thứ 8 (sinh năm 1582) nối nghiệp cha, cầm quân chiến đấu dưới thời của vua Lê Thần Tông. Ông lập được nhiều chiến công và cũng là người có công giúp vua Lê Trung Hưng xây dựng triều chính, trở thành rường cột của triều đình nên được sắc phong chức "Đô đốc oai lộc hầu”. Do có công với nước nên khi chết, Đô đốc Uy lộc hầu Đinh Công Kỷ được mai táng theo tước hầu, quan tài làm bằng gỗ trám đen, ngoài sơn son thếp vàng. Vua Lê đã cho chuyển nhiều phiến đá xanh từ Thanh Hóa ra làm cột mộ. Khu mộ đá Đống Thếch, xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi) mà chủ nhân là Đô đốc Uy lộc hầu Đinh Công Kỷ vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Năm 1996, khu mộ cổ Đống Thếch được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Ba anh em nhà lang in bạc giả, mua súng đánh Pháp
Thêm một điều đặc biệt, ở đời thứ 19 dòng họ Đinh Công, anh em nhà ông Đinh Công Huy, Đinh Công Niết, Đinh Công Nhiếp sau khi giác ngộ lý tưởng cách mạng đã từ bỏ tước vị quan lang để trở thành những chí sĩ yêu nước. Thậm chí 3 anh em còn bí mật in tiền giả, mua súng về để tổ chức đánh Pháp.
Theo đó, vào năm 1933, trước sự tàn ác của giặc Pháp, ông Đinh Công Huy cùng 2 em là Đinh Công Niết, Đinh Công Nhiếp (bấy giờ đang làm Tri phủ châu Lương Sơn) và thân tín tìm đường sang Trung Quốc mua súng về "dựng cờ” đánh đuổi giặc Pháp. Vì tiền ít, không đủ mua nhiều súng nên 3 anh em tìm mua 2 chiếc máy in để in tiền giả mua súng. Sự việc bị bại lộ, quân Pháp tịch thu máy móc, súng và tài sản, kết án ông Huy 10 năm tù giam ở Hỏa Lò (Hà Nội); ông Đinh Công Niết bị kết án 8 năm tù, giam ở trại giam Bá Vân (Thái Nguyên).
Ông Huy bị giặc Pháp giam từ Hỏa Lò lên Bắc Mê (Hà Giang), Nghĩa Lộ (Yên Bái) rồi về Sa Pa (Lào Cai). Ở trong tù, ông gặp các nhà cộng sản như Trần Huy Liệu, Hà Kế Tấn, Đào Gia Lựu, Vương Thừa Vũ, Bùi Lâm... và được giác ngộ lý tưởng cách mạng. Năm 1942 ra tù, về Lương Sơn, ông vận động dân chúng trong vùng phản đối chính sách nhổ lúa, trồng đayvà những hành động tàn nhẫn trong cai trị của phát xít Nhật. Vì thế ông lại bị bắt vào tù, tiếp tục bị đày lên Nghĩa Lộ (Yên Bái). Bị giam cùng hơn 300 tù chính trị, được giác ngộ thêm, ông Huy cùng nhiều nhà cách mạng lão thành bóp cổ tên phó sứ và tên đồn trưởng, giết lính canh, vượt ngục về lại Lương Sơn tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng. Sau này tham gia giành chính quyền, lập nhiều chiến công, ông được Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư khen.
Còn ông Đinh Công Niết em trai ông Huy, sau lần bị bắt đi tù vì làm bạc giả, được giác ngộ, ông tham gia hoạt động cách mạng được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính huyện Lương Sơn. Các đơn vị vệ quốc đoàn tiến lên Tây Bắc hồi đó đều được ông Niết và các chiến binh dũng mãnh người Mường dốc sức bảo vệ, tiếp tế lương thảo. Dưới sự chỉ huy can trường, mưu trí của ông Đinh Công Niết, không ngày nào quân Pháp và ngụy binh đi lại trên đường 6 mà không bị đánh mìn hoặc bị phục kích.
Một sự kiện quan trọng, có ý nghĩa động viên lớn với dòng họ Đinh Công và tầng lớp lang đạo xứ Mường là tháng 9/1949, ông Đinh Công Niết vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Đông Dương. Trước đó, ông Niết đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư động viên; được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng giấy khen. Tháng 3/1949, Khu ủy và Bộ Tư lệnh Liên khu 3 quyết định thành lập Tiểu đoàn mang tên Đinh Công Niết và chỉ định ông Đinh Công Niết làm Tiểu đoàn trưởng. Cán bộ, chiến sĩ trong tiểu đoàn hầu hết là những người dân tộc Mường thông thạo địa hình rừng núi; họ thoắt ẩn, thoắt hiện, án ngữ cả vùng cửa ngõ Tây Bắc khiến giặc Pháp bạt vía kinh hồn. Sau này, ông Đinh Công Niết được đề bạt làm Trung đoàn phó Trung đoàn 12, phụ trách tác chiến, tham gia chỉ huy giải phóng Hòa Bình, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ...
Những cái tên nêu trên chỉ là số ít trong rất nhiều người con của vùng đất Hòa Bình sẵn sàng từ bỏ mọi danh vọng, địa vị, bổng lộc để đánh giặc cứu nước. Đó chính là những đại diện tiêu biểu cho người Hòa Bình đồng hành cùng với lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc.
(Còn nữa)