Hoa bù xít trắng trời Đông Tiến
Đến bất cứ đâu ở Đông Tiến, xã vùng cao Hàm Thuận Bắc vào mùa này cũng thấy hoa bù xít trắng tinh khôi như nàng công chúa ngủ trong rừng chưa được hoàng tử đánh thức.
123456789
Từ chân núi đến sông, suối, ven đường đi, nương rẫy, vườn nhà… đâu đâu của Đông Tiến cũng thấy hoa bù xít. Khác với hoa dã quỳ dại nở khắp Tây Nguyên vào đầu đông, bù xít cũng thuộc loài hoa dại, nhưng bắt đầu nở vào cuối đông, đầu xuân.
Theo nguồn từ sách, báo, bù xít còn có nhiều tên gọi khác như cỏ lào, bớp bớp, tên khoa học Chromolaena odorata (L.), thuộc họ cúc phổ biến ở nhiều châu lục. Tại Việt Nam, cây thường được tìm thấy ở các vùng núi, trung du và ở đồng bằng. Trong đó, Bình Thuận được biết đến nhiều nhất ở vùng cao huyện Hàm Thuận Bắc, đặc biệt xã Đông Tiến.
Người đồng bào Đông Tiến gọi nó với tên bù xít và xem nó là cây cỏ hữu ích trong việc điều trị các vết thương. “Nếu ai đứt tay chỉ cần hái lá của nó, vò đắp vào vết thương là cầm máu”, K’ Văn Riêng, trong số nhiều người vùng cao Đông Tiến nói vậy.
Bù xít mọc cả trong bờ rào vườn nhà
Những chia sẻ của Riêng và một số người khác như một động lực thôi thúc tôi, người thích khám phá những bài thuốc nam gia truyền, nhất là của người đồng bào dân tộc thiểu số, tìm hiểu thêm về bù xít trên các trang mạng. Qua đó cho thấy bù xít còn có nhiều công dụng khác, ngoài cầm máu thì còn trị táo bón, chữa vết thương mắt do xước hoặc loét giác mạc. Cụ thể là trong bài viết “Cỏ lào - thuốc kháng khuẩn” của tác giả BS.Hoàng Xuân Đại đăng trên báo Nông nghiệp Việt Nam nêu rất rõ.
Có thể nói, bù xít là dược liệu quý, nhưng ở bài viết này tôi quan tâm đến hoa của nó vì sắc trắng tinh khôi – đại diện cho ánh sáng, tự do, hòa bình, thanh lọc và một khởi đầu mới. Phủ trắng khắp vùng cao Đông Tiến trên nền xanh của núi rừng tạo nên vẻ đẹp nên thơ cho vùng đất.
Vẻ đẹp ấy chưa được người địa phương quan tâm… Nếu quan tâm nó sẽ là một điểm đến tự sướng lý tưởng góp phần thêm sản phẩm du lịch tỉnh nhà. Bởi loài hoa nào cũng có vẻ đẹp riêng và mỗi người có mỗi cảm thụ. Làm được như vậy không chỉ bảo tồn dược liệu quý mà giải quyết việc làm cho người dân đồng bào trong lúc nông nhàn giữa mùa hoa nở. Ở các tỉnh, thành khác như: Gia Lai họ biết cách làm du lịch, biến bất cứ xã, thôn nào cũng trở thành điểm đến. Chính vì vậy, họ đã có những lễ hội: hoa dã quỳ, hoa muồng vàng, cỏ hồng...
Bù xít ở Đông Tiến trắng tinh khôi với dáng vẻ mềm mại yểu điệu như thiếu nữ. Vẫn đang là loài hoa dại trong nhiều loài hoa dại khác bị lãng quên như công chúa ngủ trong rừng chưa được hoàng tử đánh thức.
Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/hoa-bu-xit-trang-troi-dong-tien-104823.html