Hóa chất Đức Giang (DGC): Đẩy mạnh xuất khẩu P4 sang Đông Á, lãi ròng kỳ vọng tăng 13%
Trong bối cảnh nhu cầu sử dụng phốt pho vàng tại khu vực Đông Á đang phục hồi cùng với việc giá DAP neo cao, lãi ròng năm nay của Công ty Cổ phần Hóa chất Đức Giang (cổ phiếu DGC) có thể tăng trưởng hơn 13%.

Hoạt động sản xuất chất bán dẫn và thiết bị điện tử tại khu vực Đông Á dần tăng tốc đã thúc đẩy sản lượng tiêu thụ lẫn giá bán P4 của Hóa chất Đức Giang.
Kết thúc quý 1/2025, Công ty Cổ phần Hóa chất Đức Giang (cổ phiếu DGC - sàn HoSE) ghi nhận hơn 2.800 tỷ đồng doanh tthu và 837 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương ứng mức tăng lần lượt 16% và 19% so với cùng kỳ năm 2024, duy trì đà tăng tích cực của các quý trước đó.
Đáng chú ý, biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp trong quý 1/2025 đã được cải thiện lên mức 34,9%. Theo chia sẻ của ban lãnh đạo Hóa chất Đức Giang các kết quả tích cực đến từ giá bán photphat công nghiệp có xu hướng tăng nhẹ, đạt trung bình khoảng 4.170 USD/tấn.
Trong đó, giá bán phốt pho vàng (P4) của doanh nghiệp tại khu vực Đông Á đạt trung bình khoảng 4.300 USD/tấn và tại Ấn Độ là khoảng 4.100 USD/tấn, lần lượt tăng 3% và 5% so với quý 4/2024. Đồng thời, sản lượng bán P4 của Hóa chất Đức Giang trong quý 1/2025 đã tăng gần 29% so với cùng kỳ năm 2024, khi nhu cầu tại thị trường Đông Á cải thiện tích cực.
Ngoài ra, ban lãnh đạo Hóa chất Đức Giang cho biết, công ty tiếp tục chuyển 100% axit phosphoric trích ly (WPA) thành phân bón nhằm tận dụng nhu cầu trong nước tăng mạnh. Giá phân bón DAP/MAP tại Việt Nam trong quý 1/2025 đã tăng khoảng 10% so với quý 4/2024 khi Trung Quốc cấm xuất khẩu hai mặt hàng này.
Theo đánh giá mới đây của Chứng khoán MB, Hóa chất Đức Giang đang dần lấy lại đà tăng trưởng khi nhu cầu P4 đang tăng trở lại và giá phân bón DAP/MAP dự kiến tiếp tục neo cao.

Giá xuất khẩu P4 của Hóa chất Đức Giang trong quý 1/2025 đã tăng trung bình 2% so với quý 4/2024, đạt 4.171 USD/tấn. (Nguồn: Chứng khoán MB)
Cụ thể, đối với mảng photphat công nghiệp, Chứng khoán MB dự báo giá bán P4 sẽ tiếp tục tăng trong giai đoạn 2025 - 2026 trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy các chính sách hạn chế xuất khẩu các sản phẩm có đầu vào là quặng apatit khi nguồn quặng chất lượng cao đang dần cạn kiệt; đồng thời, nhu cầu sản xuất chip tại nước này đang tăng lên. Ngoài ra, các chính sách tiết kiệm năng lượng của Trung Quốc cũng sẽ hạn chế khả năng mở rộng công suất của các nhà sản xuất P4 nước này.
Đáng chú ý, Hóa chất Đức Giang đang đẩy mạnh xuất khẩu sang Hàn Quốc và Nhật Bản. Đây là hai trung tâm sản xuất chất bán dẫn và thiết bị điện tử công nghệ cao hàng đầu thế giới và thường có mức giá nhập khẩu P4 cao, có thể đạt tới 4.300 USD/tấn, so với mức 3.800 USD/tấn của thị trường Ấn Độ. Ngành bán dẫn tại Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đang dần lấy lại nhịp độ sản xuất.
Theo dự báo của SEMI Equipment Market Data Subsciption (EMDS), doanh số bán thiết bị sản xuất chất bán dẫn trên toàn cầu trong năm nay sẽ tăng trưởng 7,7%, trước khi tăng vọt 14,7% trong năm 2026.
Qua đó, Chứng khoán MB dự báo sản lượng P4 của Hóa chất Đức Giang có thể đạt 50.000 tấn trong năm nay, tăng gần 11% so với năm 2024, giúp đem về khoản doanh thu 4.860 tỷ đồng, tăng 16,4% so với năm 2024.

Diễn biến giá DAP tại Việt Nam và giá DAP xuất khẩu của Trung Quốc. (Nguồn: Bloomberg, Chứng khoán MB)
Đối với mảng photphat nông nghiệp, giá bán phân bón của Hóa chất Đức Giang được kỳ vọng tiếp tục neo cao, thậm chí nhích tăng trong thời gian tới khi Trung Quốc và Nga đang hạn chế xuất khẩu nhiều loại phân bón.
Dữ liệu công bố của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) cho thấy hạn ngạch xuất khẩu DAP trong năm 2025 sẽ chỉ từ 2,5 - 3 triệu tấn, giảm 35 - 46% so với hạn ngạch trong năm 2024; hạn ngạch xuất khẩu MAP sẽ chỉ từ 1 - 1,5 triệu tấn, giảm 25 - 50% so với hạn ngạch trong năm 2024.
Nga cũng quyết định gia hạn việc áp dụng hạn ngạch xuất khẩu phân bón đến tháng 11/2025 nhằm kiểm soát giá nông sản nội địa vốn đang chịu áp lực tăng mạnh do giá phân bón neo cao.
Dựa trên điều kiện thị trường hiện tại, Chứng khoán MB dự báo Hóa chất Đức Giang có thể thu về khoản doanh thu gần 800 tỷ đồng từ mảng DAP, tăng 23% so với năm 2024.
Theo đó, Hóa chất Đức Giang được kỳ vọng sẽ thu về 11.771 tỷ đồng doanh thu và 3.516 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong năm 2025, lần lượt tăng 19,3% và tăng 13,1% so với năm 2024.