Họa sĩ Bách Vũ: Những giới hạn của bản thân do chính mình tự đặt ra
Đầu tháng 11 vừa qua, sự kiện chiếc xe ô tô biến thành một tác phẩm nghệ thuật dưới sự tư vấn và trực tiếp thực hiện bởi họa sĩ Bách Vũ đã tạo nên tác phẩm nghệ thuật 'Into the Forest' sống động, truyền tải một thông điệp mạnh mẽ về một đời sống tinh thần trọn vẹn và hòa hợp với thiên nhiên.
Niềm tin vào việc bản thân có khả năng thích nghi và tự học
PV: Bạn từng chia sẻ rằng việc mình thực hành nghệ thuật và thưởng thức nghệ thuật xuất phát từ nhu cầu cá nhân. Vốn liếng giúp bạn tự tin bước vào lĩnh vực này là từ đâu? Từ khi nào bạn nhận ra rằng mình nhất định phải lựa chọn hội họa?
Họa sĩ BÁCH VŨ: Điều đầu tiên là năng khiếu, để làm tốt được một lĩnh vực gì thì ta cần có năng khiếu trong lĩnh vực đấy, đặc biệt là nghệ thuật. Tôi may mắn khi có khả năng vận dụng tốt cả hai bán cầu não: vừa nhạy bén trong logic, vừa nhạy cảm với nghệ thuật. Ngoài tình yêu và năng khiếu với nghệ thuật, “vốn liếng” giúp tôi vững tâm theo đuổi con đường này chính là niềm tin vào việc bản thân có khả năng thích nghi và tự học. Ngay cả ở chặng trước của mình, tôi cũng không ít lần phải đi ra khỏi vùng an toàn, trong một thời gian ngắn phải tự trang bị những bộ kỹ năng và kiến thức mới để có thể phục vụ cho những thay đổi liên tục trong công việc.
Có lần do nhu cầu cấp thiết của một dự án nên tôi được di dời qua bộ phận tư vấn công nghệ. Trước đó kiến thức và kinh nghiệm của tôi chỉ giới hạn trong phạm vi tài chính và kế toán. Trong vai trò mới tôi đã phải nhanh chóng cập nhật cho mình cách sử dụng ngôn ngữ lập trình và nắm được kiến thức tin học để từ đó kiểm tra và tư vấn cho khách về sự tin cậy của những hệ thống phần mềm phức tạp trong ngân hàng. Trải nghiệm này giúp tôi nhận ra những giới hạn của bản thân đều là do chính mình tự đặt ra. Ở thời đại ta sống, vận tốc của thay đổi là không tưởng. Vì vậy sẽ là điều hết sức bình thường với bất kì một ai khi phải hoàn toàn thay đổi ngành nghề một vài lần để thích nghi với những biến đổi của kinh tế và công nghệ. Có lẽ tôi may mắn khi có được sự chủ động trong việc thay đổi công việc mình yêu thích.
Tôi đến với hội họa hết sức tự nhiên, không có nhiều tính toán hay kế hoạch. Tôi được bố dạy vẽ từ hồi còn bé, rồi cứ thế duy trì được sở thích.
Tôi nhận thấy trong nhiều tác phẩm khác của bạn cũng thể hiện sự quan tâm rất lớn đối với thiên nhiên, môi trường sống. Bạn có thể lý giải rõ hơn về sự lựa chọn này của mình?
- Xuyên suốt lịch sử, thiên nhiên là chủ đề luôn được khai thác bởi rất nhiều nghệ sĩ. Thiên nhiên là hiện thân của tạo hóa, và chúng ta là một phần ở trong đó. Thiên nhiên giờ đây được coi là tài nguyên, tồn tại là để phục vụ cho đời sống tiện nghi của con người. Góc nhìn này làm cho thiên nhiên bị tàn phá. Theo thống kê của WWF chỉ trong 50 năm trở lại đây số lượng động vật đã giảm 70%.
Một trong những chức năng chính của nghệ thuật là truyền tải tiếng nói của thời đại. Ở thời điểm hiện tại đối với tôi có lẽ không có mối quan tâm nào lớn hơn việc hành động của chúng ta trong tương lai gần sẽ quyết định sự sống của trái đất.
Hứng thú và tò mò trước những công việc mới mẻ
Bạn từng tâm sự về việc mình muốn bứt phá mạnh mẽ ra khỏi những thực hành truyền thống. Vậy điều bạn mong mỏi là gì?
- Bứt phá đối với tôi không có nghĩa là đoạn tuyệt với thực hành truyền thống. Việc thay đổi bề mặt để thể hiện một bức tranh, sử dụng chất liệu mới hay cải tiến về kỹ thuật đều là những thay đổi chậm và nhỏ mang tính thử nghiệm trong quá trình thực hành nghệ thuật. Tôi nghĩ bứt phá thật sự thường đến từ sự thay đổi mang tính giác ngộ trong cách người nghệ sĩ nhìn nhận thế giới và công việc cô ta hoặc anh ta đang làm.
Là tên tuổi còn rất mới mẻ trong thị trường hội họa, việc bạn đồng thời đảm nhận vai trò giám tuyển của nhiều dự án có khiến bạn cảm thấy bị áp lực?
- Mỗi chúng ta đều có năng lực và hạn chế nhất định. Điều quan trọng nhất đó là mình cố gắng hết sức trong khả năng để hoàn thành. Áp lực là điều không thể tránh khỏi, nhưng đứng trước những công việc mới mẻ tôi thường thấy có cảm hứng và tò mò nhiều hơn. Ngoài ra, nghệ thuật dù sao cũng là một lĩnh vực có đường biên linh động và tính đa chiều, nếu mình làm chưa hay chưa thú vị thì rút ra kinh nghiệm cho những lần sau.
Bạn có nhận xét gì về nhu cầu thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật của công chúng ở Việt Nam hiện nay trong bối cảnh hội nhập quốc tế về văn hóa đang diễn ra ngày càng sôi động?
- Trong bối cảnh hội nhập văn hóa diễn ra ngày càng sôi động đến từ sự bùng nổ của mạng xã hội, chúng ta đều trông đợi những tác động tích cực từ quốc tế lên nhận thức và khả năng cảm thụ văn hóa nghệ thuật lên người dân Việt Nam. Tuy nhiên theo tôi nghĩ do đặc tính mở của mạng internet, tất cả nội dung đều có thể được đăng tải và truy cập bất kể đúng sai hay dở mà không qua biên tập chọn lọc. Vì thế những nội dung văn hóa nghệ thuật vẫn cần sự giới thiệu và biên tập của giám tuyển.
Ngoài ra, giáo dục phổ quát cũng hết sức quan trọng. Ở các nước phát triển việc trang bị kiến thức cơ bản về văn hóa nghệ thuật được chú trọng. Trẻ em được khuyến khích đi bảo tàng, nhà hát, luôn được khích lệ nói ra những cảm nhận của bản thân trước những tác phẩm. Ở Việt Nam để cải thiện điều này chúng ta có thể bắt đầu từ việc củng cố nguồn lực cho giáo dục nghệ thuật ngay từ mẫu giáo và kéo dài đến 1-2 năm đầu của bậc trung học cơ sở.
Theo bạn để thị trường nghệ thuật được vận hành theo hướng chuyên nghiệp cần những điều kiện gì?
- Thị trường nghệ thuật ở Việt Nam chưa có tính minh bạch, ở thời điểm hiện tại chúng ta chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu tin cậy. Thông tin giao dịch trên thị trường được lan truyền chủ yếu qua hình thức rỉ tai và đồn thổi dẫn đến sự hoài nghi và thiếu niềm tin, khó định giá, làm giảm khối lượng giao dịch. Vì vậy điều đầu tiên chúng ta có thể xem xét đó là xây dựng một hệ thống dữ liệu đáng tin cậy cho thị trường.
Xin cảm ơn bạn!
Họa sĩ Bách Vũ sinh năm 1993 tại Hà Nội. Từng học và làm việc trong lĩnh vực tài chính ngân hàng tại Anh, hiện anh đang sống và làm việc tại Hà Nội. Bách Vũ mở không gian nghệ thuật (M Space Gallery), thực hành nghệ thuật (vẽ tranh, sản xuất âm nhạc điện tử), làm giám tuyển cho nhiều triển lãm nghệ thuật gây được ấn tượng với công chúng.
Sử dụng ngôn ngữ hình ảnh giao thoa giữa trừu tượng và tượng hình, tranh Bạch Vũ tìm cách khám phá một cõi mộng mơ, thường khắc họa những khu rừng nguyên sinh, những nhân vật huyền bí và khung cảnh thiên nhiên rộng lớn, gợi lên cảm giác thoải mái lạc vào cả thế giới vật chất và siêu hình rộng lớn.