Hoàn thiện bệ phóng thể chế để Hà Nội tăng tốc phát triển

Ngày 25-7, Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức tọa đàm với chủ đề 'Luật Thủ đô 2024 - bệ phóng thể chế để Hà Nội bứt phá'.

Các diễn giả tham gia tọa đàm. Ảnh: PV

Các diễn giả tham gia tọa đàm. Ảnh: PV

Các diễn giả tham gia tọa đàm, gồm ông Nguyễn Công Anh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội; Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng; Thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, đã phân tích các điểm mới, đề xuất thêm các ý kiến liên quan trong quá trình xây dựng hệ thống văn bản để cụ thể hóa các quy định trong Luật theo hướng đồng bộ, chặt chẽ, bảo đảm tính khả thi, đặc biệt là các chính sách mới liên quan đến phát triển đô thị, chuyển đổi số, đổi mới, sáng tạo, để đáp ứng yêu cầu trong thực tiễn theo mục tiêu đã đặt ra.

Theo ông Nguyễn Công Anh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội, với nhiều điểm mới và tiến bộ, Luật Thủ đô 2024, có hiệu lực thi hành từ 1-1-2025, được đánh giá là hành lang pháp lý quan trọng để Hà Nội trở thành đầu tàu phát triển của cả nước. Việc Luật Thủ đô 2024 được thông qua không chỉ là tin vui lớn với chính quyền và nhân dân Thủ đô, mà còn mang đến những kỳ vọng, mong mỏi về sự thay đổi mạnh mẽ trong tương lai, đáp ứng kỳ vọng của cả nước về một Thủ đô phát triển xứng tầm trong tương lai.

Ông Nguyễn Công Anh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội. Ảnh: PV

Ông Nguyễn Công Anh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội. Ảnh: PV

Bởi những cơ chế đột phá, đặc thù, vượt trội trong Luật sẽ góp phần khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập về thể chế phát sinh trong thực tiễn, để tạo cơ sở xây dựng, phát triển Thủ đô với vị trí, vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, hướng tới đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.

Đáng lưu ý nữa, trong Luật Thủ đô có rất nhiều nội dung phân quyền của các cơ quan Trung ương cho thành phố Hà Nội. Ví dụ như: Cơ chế đầu tư, xây dựng đường sắt đô thị theo định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng (TOD), phát triển nông thôn. Trong khi, Luật Thủ đô năm 2012 không có nội dung phát triển nông thôn.

Cùng đó, Luật Thủ đô quy định cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mà pháp luật chưa có quy định, chưa cho phép thực hiện hoặc cấp phép có thời hạn. Đây là quy định mới hệ thống luật pháp hiện hành chưa đề cập đến, chỉ Luật Thủ đô 2024 có.

Hơn nữa, Luật cho phép Thủ đô được phê duyệt chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư công, dự án PPP (không sử dụng vốn Trung ương) mà không giới hạn tổng mức vốn đầu tư; quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công, dự án PPP đã được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư và giao UBND thành phố làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án trong trường hợp không làm tăng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương, nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nước ngoài.

Nhằm hoàn thiện bệ phóng thể chế để Hà Nội tăng tốc phát triển, UBND thành phố đang đẩy mạnh phối hợp các bộ, ngành tham mưu dự thảo các nghị định, nghị quyết, quyết định hướng dẫn thực hiện để luật sớm đi vào cuộc sống.

Thành phố Hà Nội cũng sẽ ban hành quyết định hoặc trình HĐND thành phố ban hành nghị quyết quy định phân cấp được quy định trong Luật Thủ đô 2024 của từng ngành, lĩnh vực bảo đảm đồng bộ, đầy đủ theo chuyên ngành và đồng bộ, đầy đủ cho cấp huyện, cấp xã theo quy định.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/hoan-thien-be-phong-the-che-de-ha-noi-tang-toc-phat-trien-672993.html