Hoàn thiện hành lang pháp lý cho công nghiệp công nghệ số, phát triển bán dẫn
Luật Công nghiệp công nghệ số sẽ tạo hành lang pháp lý để phù hợp với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, đồng thời bảo đảm quyền lợi của doanh nghiệp công nghệ số, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số trở thành ngành kinh tế đóng góp lớn vào kinh tế đất nước...
Bộ Thông tin và Truyền thông vừa làm việc với các bộ, ngành có liên quan nhằm lấy ý kiến để hoàn thiện dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số trước khi trình lên Chính phủ, Quốc hội. Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số dự kiến được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).
Hội nghị là một bước quan trọng trong quá trình xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số, góp phần định hình hành lang pháp lý cho sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp này tại Việt Nam.
Trước đó, Bộ Thông tin và Truyền thông được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Dự án luật đang được tổ chức lấy ý kiến và hoàn thiện.
Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số dự kiến được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).
Dự thảo luật có nhiều điểm quan trọng trong đó có quy định về sản phẩm ứng dụng AI; quy định cơ chế thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ công nghệ số; quy định thúc đẩy ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn.
Các ý kiến thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng về các vấn đề như ưu đãi hỗ trợ đầu tư đặc biệt cho công nghiệp bán dẫn; chính sách thuế, quản lý công nghệ mới và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.
Để phát triển lĩnh vực công nghiệp công nghệ số, các chuyên gia cho rằng quan trọng nhất là vấn đề ưu đãi đầu tư, thủ tục đầu tư, chính sách, ưu đãi thuế, các chính sách liên quan,...
Đặc biệt, các ý kiến đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc hoàn thiện khung pháp lý để phù hợp với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, đồng thời bảo đảm quyền lợi của doanh nghiệp công nghệ số, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số trở thành ngành kinh tế đóng góp lớn vào kinh tế đất nước. Các Bộ, ban, ngành cũng đề xuất một số điều chỉnh cụ thể nhằm tăng tính khả thi và hiệu quả của luật khi đi vào thực tiễn.
THÚC ĐẨY NGÀNH CÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ SỐ VÀ BÁN DẪN
Theo dự thảo tờ trình của Bộ Thông tin và Truyền thông, việc xây dựng dự án Luật công nghiệp công nghệ số nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số trở thành ngành kinh tế đóng góp lớn vào kinh tế đất nước; Việt Nam trở thành môi trường thuận lợi nhất để nuôi dưỡng và phát triển doanh nghiệp công nghệ số.
Phát triển ngành công nghiệp công nghệ số với trọng tâm là các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang sáng tạo, thiết kế, sản xuất tại Việt Nam; góp phần xây dựng chính phủ số, động lực phát triển kinh tế số, xã hội số.
Điều này cũng khẳng định giá trị pháp lý của công nghiệp công nghệ số; hình thành các quy định, chính sách để thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số. Thay thế các nội dung về công nghiệp công nghệ thông tin và dịch vụ công nghệ thông tin trong Luật Công nghệ thông tin bằng các nội dung của Luật Công nghiệp công nghệ số.
Luật cũng sẽ thúc đẩy thông minh hóa các ngành công nghiệp qua việc đưa công nghệ số thâm nhập, hội tụ vào các ngành, lĩnh vực thay đổi phương thức làm việc, mang lại các giá trị mới, tạo ra cuộc cách mạng về thông minh hóa.
Theo dự thảo tờ trình, Luật công nghiệp công nghệ số ra đời sẽ giải quyết tồn tại, bất cập trong thi hành quy định về công nghiệp công nghệ thông tin trong Luật Công nghệ thông tin; đề xuất chính sách đột phá nhằm thúc đẩy phát triển đồng thời hạn chế những rủi ro nếu có trong các hoạt động công nghiệp công nghệ số.
Quy định pháp luật về công nghiệp công nghệ thông tin được ban hành hơn 17 năm qua, tại thời điểm ngành này mới bắt đầu phát triển tại Việt Nam. Những quy định này chưa điều chỉnh được những vấn đề phát sinh trong thực tiễn phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin. Việt Nam chưa có khung pháp lý định hình khái niệm công nghệ số, công nghiệp công nghệ số.
Đặc biệt, một lĩnh vực đặc thù đang có sự phát triển mạnh mẽ thời gian qua là vi mạch bán dẫn. Vi mạch bán dẫn là một sản phẩm phần cứng điện tử, thuộc ngành công nghiệp công nghệ số, là hạt nhân của các công nghệ số của tương lai như AI, 5G/6G, ứng dụng trong nhiều sản phẩm kỹ thuật số như điện thoại thông minh, ô tô.
Nhu cầu về vi mạch bán dẫn dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong một thập kỷ tới. Các quốc gia lớn trên thế giới và khu vực đều có chính sách riêng cho ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, phù hợp với đặc thù và vị trí quốc gia đó trong chuỗi giá trị vi mạch toàn cầu.
Do đó, Việt Nam cũng cần có quy định riêng để thúc đẩy lĩnh vực quan trọng này.
Việc ban hành luật cũng nhằm tạo hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số thành một ngành kinh tế có đóng góp lớn cho kinh tế đất nước.
Theo dự thảo, ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng nhanh trong nền kinh tế, với tốc độ tăng trưởng doanh thu hàng năm gấp 2 lần tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước; tỷ lệ đóng góp vào GDP đạt từ 6-6,5%, doanh thu năm 2022 ước đạt 148 tỷ USD, tăng trưởng 8,7% so với năm 2021; là lĩnh vực có thế mạnh xuất khẩu, phù hợp với năng lực, đặc thù của Việt Nam.
Không những thế, điều này cũng góp phần chuyển dịch các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam chủ yếu từ lắp ráp, gia công sang sáng tạo, thiết kế, tích hợp, sản xuất và làm chủ công nghệ lõi; Đồng thời tạo thị trường cho công nghiệp công nghệ số và thúc đẩy phát triển sản phẩm công nghệ số thiết kế và sản xuất trong nước.