Hoàn thiện hành lang pháp lý về đấu giá tài nguyên khoáng sản
Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam xem xét lại các nội dung giá khởi điểm đối với khu vực đấu giá thuộc thẩm quyền của Bộ và thẩm quyền của UBND cấp tỉnh; việc tính, nộp tiền trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản trong dự thảo Nghị định thay thế nghị định 22/2012/NĐ-CP về đấu giá tài nguyên khoáng sản.
Tại Nghị quyết số 119/NQ-CP ban hành ngày 27/09/2021, Chính phủ đã đồng ý chủ trương tiến hành điều chỉnh kéo dài thời hạn các quy hoạch đã hết thời hạn quy hoạch và giao các bộ, địa phương lập các quy hoạch cần điều chỉnh. Tuy vậy, đến nay các quy hoạch (điều chỉnh) này vẫn chưa được phê duyệt.
Vì vậy, trong Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với doanh nghiệp nhà nước hôm 29/3/2022, lãnh đạo Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam (TKV) đã báo cáo và đề nghị Thủ tướng chỉ đạo để các Bộ ngành sớm thẩm định, phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, làm cơ sở để tập đoàn này triển khai các dự án khai thác, chế biến quặng bauxite ở Tây Nguyên.
Theo báo cáo của TKV, sau hơn 15 năm đầu tư 2 dự án bauxite ở Tây nguyên gồm tổ hợp dự án bauxite - nhôm Lâm Đồng và dự án Nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ (Đắk Nông) với công suất mỗi dự án 650.000 tấn alumin/năm, đến nay cả 2 dự án đạt hiệu quả kinh tế cao, đã được lãnh đạo Bộ Công thương báo cáo Chính phủ và Quốc hội.
Trước đó, hồi đầu tháng 2/2022, Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược ngành công nghiệp khai khoáng đến năm 2045, nêu định hướng: Áp dụng mô hình quản trị tài nguyên khoáng sản minh bạch, hiệu quả của thế giới; tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của địa phương, người dân nơi khai thác khoáng sản; lượng hóa và hạch toán đầy đủ giá trị tài nguyên khoáng sản vào nền kinh tế.
“Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xem xét trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm trong quản lý, sử dụng khoáng sản và các hoạt động liên quan đến địa chất khoáng sản, công nghiệp khai khoáng. Thu hồi giấy phép khai thác, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản, nhất là lợi dụng để đầu cơ, tích trữ, nâng giá, thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước và nhân dân”, trích Nghị quyết Trung ương.
Về hành lang pháp lý cho việc đấu giá khai thác khoáng sản, hôm 14/02/2022, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã họp về việc hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 22/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên yêu cầu Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam xem xét lại các nội dung giá khởi điểm đối với khu vực đấu giá thuộc thẩm quyền của Bộ và thẩm quyền của UBND cấp tỉnh; việc tính, nộp tiền trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Đồng thời, Thứ trưởng cũng yêu cầu Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam tiếp thu giải trình các ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, địa phương, hoàn thiện dự thảo Nghị định, báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, quyết định.
Ông Đào Chí Biền - Phó Cục trưởng điều hành Cục Kinh tế Địa chất và Khoáng sản cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về việc hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã rà soát lại các quy định của Luật Đấu giá tài sản và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Tổng cục Địa chất và Khoáng sản cũng tiếp thu các ý kiến góp ý, sửa đổi dự thảo Nghị định nhằm quy định rõ hơn trong việc tính, nộp tiền trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản khi đấu giá ở khu vực chưa thăm dò khoáng sản hoặc khi đấu giá ở khu vực đã có kết quả thăm dò khoáng sản.
Theo đó, đối với trường hợp trúng đấu giá ở khu vực chưa thăm dò khoáng sản nhưng tính đến thời điểm Nghị định này có hiệu lực chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép khai thác khoáng sản thì việc tính, nộp tiền trúng đấu giá được thực hiện theo quy định của Nghị định.
Đối với trường hợp trúng đấu giá ở khu vực đã có kết quả thăm dò khoáng sản được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt nhưng tính đến thời điểm Nghị định này có hiệu lực chưa được cơ quan thẩm quyền cấp Giấy phép khai thác khoáng sản, việc nộp tiền trúng đấu giá được thực hiện theo quy định của Nghị định.
Theo các chuyên gia, hành lang pháp lý của Nghị định mới thay thế Nghị định 22/2012/NĐ-CP là phải làm rõ, phân biệt giữa phí cấp quyền khai thác và tiền trúng đấu giá để được cấp phép khai thác mỏ. Nghĩa là sau khi trúng đấu giá vẫn phải đóng phí cấp quyền khai thác.
Các doanh nghiệp nhà nước như TKV bỏ ra nguồn lực rất lớn để đi thăm dò khoáng sản từ nhiều năm trước, sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt xong phần trữ lượng, khi được cấp phép mỏ để khai thác với tư cách một doanh nghiệp nhà nước, vẫn sẽ đóng các loại phí theo quy định hiện hành.
Nghị định cần làm rõ sự khác biệt của các đơn vị như TKV với doanh nghiệp không thăm dò, mà chỉ lập dự án đầu tư khai khoáng (thực tế chưa đầu tư gì), sau đó đi xin cấp phép tại các địa điểm có tài nguyên do TKV đã dày công thăm dò từ nhiều năm trước.
Vì vậy, bất kể là doanh nghiệp tư nhân hay công ty nước ngoài muốn xin cấp phép mỏ để vào khai thác phần trữ lượng mà TKV thăm dò, thì phải đấu giá, nhằm tối đa hóa lợi ích từ khoáng sản cho địa phương cũng như ngân sách quốc gia.