Hoàn thiện kết cấu hạ tầng kho bãi khu vực miền Trung
Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung là vùng có lợi thế phát triển logistics, do đó, những năm gần đây hệ thống logistic của vùng được quan tâm phát triển. Nhờ đó, cơ sở hạ tầng logistics nói chung và cơ sở hạ tầng kho bãi tại khu vực miền Trung nói riêng đã có nhiều cải thiện cả về số lượng và chất lượng, số doanh nghiệp cung cấp cũng như sử dụng dịch vụ kho bãi logistics. Tuy nhiên, hệ thống logistics tại đây vẫn chưa phát triển như kỳ vọng, tỷ lệ doanh nghiệp logistic còn thấp, chất lượng kho bãi còn kém và lạc hậu. Trên cơ sở phân tích thực trạng của kết cấu hạ tầng kho bãi khu vực miền Trung, tác giả kiến nghị một số giải pháp nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng kho bãi khu vực miền Trung.
Mở đầu
Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) miền Trung là vùng có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển hệ thống logistics. Khu vực miền Trung trải dọc bờ biển dài hơn 600km và sở hữu hệ thống cảng biển quan trọng. Bên cạnh đó, hệ thống sân bay quốc tế, đường sắt xuyên quốc gia, hệ thống đường bộ của miền Trung gắn với nhiều hành lang kinh tế trong vùng. Đây chính là những tiền đề quan trọng cho việc phát triển hệ thống logistics và xây dựng các trung tâm logistics tại khu vực miền Trung.
Vùng KTTĐ Trung bộ (trước gọi là vùng kinh tế trọng điểm miền Trung) được thành lập vào năm 2004 theo Quyết định số 148/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, bao gồm 5 tỉnh và thành phố: Thừa Thiên Huế, TP. Đà Nẵng (hạt nhân), Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định. Vùng KTTĐ Trung bộ có diện tích tự nhiên 27.881,7km2, chiếm 8,45% diện tích cả nước và có chiều dài đường bờ biển khoảng 600km. Là vùng kinh tế lớn thứ 3 tại Việt Nam, đặc trưng của vùng này là các khu kinh tế cảng biển tổng hợp. Các khu vực kinh tế gồm có: khu kinh tế mở Chu Lai, khu kinh tế Dung Quất, khu kinh tế Chân Mây, và khu kinh tế Nhơn Hội. So với hai vùng KTTĐ còn lại, vùng kinh tế này yếu kém hơn về mặt hạ tầng và nhân lực nhưng lại có tiềm năng lớn về cảng biển trung chuyển lớn và phát triển du lịch nghỉ dưỡng (chiếm phần lớn các dự án khu nghỉ mát biển của cả nước) và di sản thế giới (khu vực Trung Bộ chiếm 5/9 di sản thế giới tại Việt Nam). Ngoài ra, còn có 19 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập, chiếm 5,8% số khu công nghiệp được cấp phép cả nước và khoảng 45,2% số khu công nghiệp của 14 tỉnh thành miền Trung.
Hiện nay, hệ thống logistics vùng KTTĐ miền Trung vẫn đang trong quá trình xây dựng và phát triển, từ cơ chế chính sách, cơ sở hạ tầng (CSHT), doanh nghiệp (DN) logistics đến các DN sử dụng dịch vụ logistic… Theo Hồng (2020), vùng KTTĐ miền Trung đến năm 2030 cứ tăng 1% đóng góp của khu vực dịch vụ logistics thì tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng lên 0,2244% và đến năm 2045 tăng 0,239%. Thực tế, vùng KTTĐ miền Trung có nhiều tiềm năng phát triển logistics giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế và làm tăng GRDP của vùng. Bên cạnh đó, tiềm năng và nhu cầu mở cửa, hội nhập với thị trường quốc tế của vùng KTTĐ miền Trung là rất lớn.
Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp và tồn tại nhiều bất lợi trong phát triển, vùng KTTĐ miền Trung đang được xem là “vùng trũng” phát triển so với vùng KTTĐ Bắc Bộ và cùng KTTĐ phía Nam. Bên cạnh đó, khu vực này thường xuyên bị thiên tai, bão, lũ cũng là một trở ngại lớn đối với sự phát triển của Vùng (Hòa, 2022). Do đó, để ngành logistics thật sự phát triển và trở thành động lực thúc đẩy cùng KTTĐ miền Trung phát triển cần nắm bắt rõ thực trạng phát triển logistics hiện nay và thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ từ cơ chế chính sách, CSHT, đào tạo nhân lực… từ đó nâng cao hệ thống logistics của vùng trong tương lai.
Thực trạng kết cấu hạ tầng kho bãi khu vực miền Trung
Cơ sở hạ tầng logistics
Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều coi trọng CSHT nói chung và hạ tầng kho bãi logistics nói riêng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như hoạt động logistics của quốc gia. Tại khu vực miền Trung, CSHT logistics bao gồm đầy đủ các hệ thống cảng biển, hàng không, đường sắt, đường bộ, hệ thống công nghệ thông tin. Trong đó, đường bộ đóng vai trò then chốt trong hoạt động vận tải hàng xuất nhập cảnh và giữa các vùng trong nước.
Năm 2022, trung tâm logistics Vinatrans Đà Nẵng do Công ty Giao nhận Vận tải miền Trung (Vinatrans Đà Nẵng) là chủ đầu tư đã đi vào hoạt động. Dự án có tổng diện tích hơn 1 ha bao gồm hệ thống kho đông lạnh và kho mát lưu trữ hàng hóa thực phẩm lớn và hiện đại nhất khu vực miền Trung ở thời điểm hiện tại, được xây dựng đạt chuẩn ISO, HACCP và các tiêu chuẩn khác theo quy định. Hệ thống kho có chức năng phân phối, lưu trữ hàng thủy sản, hàng hóa thực phẩm tiêu dùng nhanh (FMCG), hàng thực phẩm tươi sống, trái cây nhập khẩu…
Hiện nay, khu vực miền Trung chưa có cảng cạn được công bố khai thác và mục tiêu đến năm 2030, khu vực miền Trung – Tây Nguyên có các cảng cạn, cụm cảng cạn với công suất khoảng 0,24 - 0,37 triệu TEU/năm. Đối tượng phục vụ của Trung tâm logistics Vinatrans Đà Nẵng là các công ty xuất nhập khẩu thủy sản, sản xuất xuất khẩu, kinh doanh thương mại trong lĩnh vực thực phẩm đông lạnh và các chuỗi siêu thị tại Đà Nẵng, khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Cơ sở hạ tầng kho bãi logistic
CSHT đã được cải thiện đáng kể, đáp ứng được cơ bản nhu cầu của các DN. Tuy vậy, thực trạng hạ tầng vẫn còn những hạn chế nhất định điều này được nhận thấy khi đánh giá ở mức thấp chiếm tỷ lệ trung bình trên 17%. Nguyên nhân của vấn đề này xuất phát từ thực tế vùng KTTĐ miền Trung có nhiều cảng biển, sân bay nhưng CSHT chưa được đầu tư hiện đại, chưa đạt các tiêu chuẩn quốc tế khiến khả năng khai thác giảm và lượng hàng hóa lưu thông bị hạn chế, cụ thể lượng hàng container qua 2 cảng lớn là Đà Nẵng và Bình Định chỉ chiếm 3,2%.
Bên cạnh đó, điều kiện tự nhiên, khí hậu tại miền Trung khắc nghiệt cũng là yếu tố quan trọng cản trở sự phát triển số lượng kho bãi so với miền Bắc và miền Nam. Hình 1 cho thấy, trung bình hàng năm miền Trung thiệt hại từ yếu tố thiên nhiên vào khoảng trên 25,6 nghìn tỷ đồng, tương đương với trên 1 tỷ USD. Tại Việt Nam, hàng năm thiệt hại do thiên tai gây ra ước tính khoảng 40 nghìn tỷ đồng, tương đương vào khoảng 0,9% GDP, thì riêng miền Trung đã chiếm khoảng 64% tổng thiệt hại cả nước.
Hình 1: Tổng thiệt hại của miền Trung do bão lũ, thiên tai gây ra, giai đoạn 2015-2021
Tại các địa phương thuộc khu vực miền Trung, đối với TP. Đà Nẵng, hiện thành phố có 02 trung tâm logistics quy mô nhỏ do DN đầu tư, quản lý. Ngoài ra, có hệ thống kho bãi thuộc CTCP Cảng Đà Nẵng tại Xí nghiệp cảng Tiên Sa, CTCP Logistics Cảng Đà Nẵng, Nhà ga hàng hóa hiện hữu tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng. Phần lớn các kho có trang bị máy móc chuyên dụng và phần mềm quản lý hiện đại, hệ thống camera, hệ thống sàn nâng tự động, thiết bị đóng rút hàng hiện đại.
Còn tại Huế, tỉnh cũng đã đăng ký với Bộ Công Thương thực hiện quy hoạch trung tâm logistics hạng I, song thực tế, hạ tầng phục vụ phát triển logistics trên địa bàn Tỉnh còn chưa đồng bộ, thiếu hệ thống kho bãi… Tỉnh Quảng Ngãi cũng đã quan tâm, đầu tư ngành dịch vụ vận tải, kho bãi, cảng biển, logistics đạt nhiều kết quả tích cực. Hiện trên địa bàn tỉnh có một số DN hoạt động liên quan đến lĩnh vực logistics, chủ yếu làm dịch vụ vận chuyển và cho thuê kho bãi.
Doanh nghiệp dịch vụ kho bãi logistics
Hiện nay, DN hoạt động trong lĩnh vực logistics và hệ thống logistic vùng KTTĐ miền Trung ngày càng phát triển, tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng số DN hoạt động. Số lượng DN logistics tại vùng KTTĐ miền Trung tăng theo từng năm. Trong khi năm 2015, số DN hoạt động trong lĩnh vực logistic tại vùng KTTĐ miền Trung là 10.517 DN thì năm 2018 số lượng DN đã tăng lên 14.419 DN, tăng hơn 37% so năm 2015.
Với những lợi thế về phát triển logistic đang sở hữu, khu vực miền Trung đang thu hút được nhiều DN trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào lĩnh vực logistics. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất đang ngày càng có xu hướng chuyển dịch về khu vực miền Trung, kéo theo sự gia tăng trong nguồn cầu về nhà kho xây sẵn và không gian kho vận. Ngoài ra, khu vực miền Trung đang chứng kiến những cải thiện nổi bật về CSHT, tạo điều kiện thuận lợi cho chuỗi cung ứng của các đơn vị sản xuất.
Tuy nhiên, DN trong tại khu vực này còn khá khiêm tốn về số lượng, quy mô và lĩnh vực hoạt động. Thực tế cho thấy, tuy số lượng qua từng năm có sự gia tăng nhưng số lượng DN logistics tại khu vực chỉ chiếm gần 5% trên tổng số DN hoạt động trong lĩnh vực logistics của cả nước. Với tốc độ gia tăng cả về số lượng DN cũng như cơ cấu đầu tư cho DN lĩnh vực logistics, nhưng thực tế hiệu quả cung cấp dịch vụ chưa được đánh giá cao, đồng thời kết cấu CSHT kho bãi khu vực miền Trung còn tồn tại nhiều bất cập.
Có thể kể đến như vấn đề quy hoạch giao thông vận tải, thương mại, kết cấu hạ tầng thương mại khu vực miền Trung còn rời rạc, chưa có tính kết nối, đặc biệt là thông qua các hoạt động logistic, quy hoạch kết nối các đầu mối logistic hay quy hoạch vận tại đa phương con hạn chế. Bên cạnh đó, năng lực các DN hoạt động logistics tại TP. Đà Nẵng, nơi được xem là khu vực trọng tâm trong xây dựng trung tâm logistics vẫn còn yếu, phạm vi hoạt động còn nhỏ hẹp, dịch vụ đơn lẻ, chưa có sự kết nối giữa các hoạt động để tạo thành chuỗi xuyên suốt.
Ngoài ra, phần lớn các DN logistics khu vực miền Trung mới chỉ đóng vai trò vệ tinh cho các công ty logistics nước ngoài, thực hiện những công đoạn hay các khâu đơn giản ở hệ thống kho bãi trong chuỗi. Các DN logistics này yếu về tiềm lực tài chính, thiếu cơ hội kinh doanh, đặc biệt thiếu nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm trong lĩnh vực logistics.
Doanh nghiệp sử dụng dịch vụ kho bãi logistics
Theo khảo sát ý kiến DN sử dụng dịch vụ logistics, chi phí cho hệ thống hạ tầng kho bãi được đánh giá là thấp hơn so với chi phí logistics quốc gia. Đây có thể coi là ưu điểm để thu hút các DN tập trung để đầu tư phát triển cho hệ thống kho bãi khu vực miền Trung. Tuy nhiên, nguồn tài chính và nguồn nhân lực logistics trong các DN chưa được đánh giá cao dù đây là hai yếu quan trọng đối với việc duy trì hoạt động của DN, cụ thể hai yếu tố này lần lượt có mức điểm trung bình là 54,2% và 50%. Rào cản lớn đối với DN trong số các chỉ tiêu được khảo sát chính là những hạn chế về nguồn tài chính và nhân lực.
Hình 2 cho thấy, hiện chưa có nhiều DN sử dụng dịch vụ logistics trong thời gian qua. Nguyên nhân được cho là do chất lượng dịch vụ các DN logistics còn hạn chế và chưa đáp ứng được yêu cầu của bên sử dụng dịch vụ logistic trong đó có nhu cầu về dịch vụ kho bãi. Điều này khiến các DN có xu hướng tự thực hiện và giải quyết các vấn đề liên quan như vận chuyển, kho bãi… thay vì thông qua DN trung gian. Bên cạnh đó, việc đầu tư chưa hợp lý giữa các phương thức vận tải khiến chi phí logistics cao; tính liên kết giữa các DN cung cấp dịch vụ còn hạn chế; thủ tục thông quan hàng hóa còn nhiều bất cập, chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan liên quan… cũng khiến logistics khu vực miền Trung chưa thể phát triển.
Hình 2: Đánh giá của các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ Logistics vùng kinh tế trọng điểm miền Trung
Hầu hết các tỉnh, thành ven biển miền trung đều có cảng biển nước sâu với 6/10 cảng trong khu vực được xếp vào loại cảng lớn của nước ta. Hiện nay, hệ thống cảng biển miền Trung không chỉ phục vụ cho nguồn hàng địa phương từ các khu kinh tế, khu công nghiệp mà còn kết nối luồng hàng hóa tiềm năng trên hành lang kinh tế Đông – Tây phục vụ chuyển tiếp hàng hóa cho Lào và các tỉnh Đông Bắc Thái Lan và Myanma, tuy nhiên lưu lượng vận tải trên tuyến này còn thấp.
Đánh giá thực trạng kết cấu hạ tầng kho bãi khu vực miền Trung
Trong những năm gần đây, các tỉnh thành phố tại miền Trung đã và đang có những bước chuẩn bị quan trọng tạo “bệ phóng” cho ngành logistics bứt tốc mạnh mẽ. Về thể chế chính sách, ngoài các chính sách của Trung ương, một số địa phương trong vùng cũng đã có kế hoạch triển khai Quyết định số 200/QĐ-TTg về kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh ngành logistics Việt Nam đến năm 2025.
Về cơ bản, các địa phương cũng đã tạo dựng được cơ sở pháp lý nhất định để điều chỉnh hoạt động logistics trên thị trường và góp phần hoàn thiện và phát triển hệ thống logistics tại vùng KTTĐ miền Trung. Ngoài ra, CSHT logistics tại Việt Nam nói chung và vùng KTTĐMT đã từng bước cải thiện so với trước đây từ hệ thống đường bộ, cảng biển, sân bay đến một số trung tâm phân phối, cơ sở kho tàng bến bãi… Tuy nhiên, dù có những cải thiện về CSHT kho bãi nhưng vẫn còn nhiều hạn chế trong việc phát triển logistics nói chung và CSHT kho bãi nói chung. Cụ thể:
- Nhận thức về logistics và môi trường logistics còn hạn chế. Thuật ngữ logistics được thay thế cho dịch vụ giao nhận trước kia đã làm cho nhận thức không đầy đủ về logistics. Theo đó, sự quan tâm và mức ủng hộ để xây dựng môi trường logistics quốc gia của các ngành, các cấp từ trung ương đến địa phương thấp. Điều này dẫn đến thực tế là CSHT giao thông, thương mại, các ngành dịch vụ khác được đầu tư xây dựng khai thác hiệu quả thấp. Bên cạnh đó, môi trường logistics Việt Nam kém phát triển đã làm chi phí logistics nói chung và chi phí dịch vụ kho bãi tăng cao so với mặt bằng chung của khu vực.
- Thể chế pháp luật còn nhiều khoảng trống, rào cản cho phát triển thương mại. Quản lý nhà nước về logistics còn nhiều bất cập, chồng chéo, không rõ ràng, nhất là giữa Bộ Công Thương và một số bộ, ngành khác… Nhiều địa phương đến nay vẫn chưa có các biện pháp và chính sách cụ thể mang tính đột phá để phát triển logistics (vẫn còn coi logistics là vấn đề mới, logistics là vấn đề vĩ mô).
- CSHT logistics Việt Nam còn kém. Thực tế, hệ thống CSHT logistics Vieent Nam vẫn thiếu tính đồng bộ, kết nối yếu, chưa tạo thuận lợi cho thương mại và phát triển bền vững. Đối với khu vực miền Trung, hệ thống kho bãi của các tỉnh thành còn lạc hậu, nhiều tỉnh, thành chưa có hệ thống kho bãi. Hiện chủ yếu tại TP. Đà Nẵng được trang bị các thiết bị công nghệ hiện đại tại kho bãi. Điều này khiến việc sử dụng dịch vụ kho bãi của các DN còn hạn chế do chưa đáp ứng được yêu cầu của DN sử dụng dịch vụ.
- Năng lực của DN trong nước còn kém. Hiện nay, các DN trong nước cung cấp dịch vụ logistics nói chung và dịch vụ kho bãi nói riêng vẫn còn yếu kém. Phần lớn các DN logistics khu vực miền Trung chỉ đóng vai trò vệ tinh cho các công ty logistics nước ngoài, thực hiện những công đoạn hay các khâu đơn giản ở hệ thống kho bãi trong chuỗi. Nguyên nhân được cho là do DN logistics này yếu về tiềm lực tài chính, thiếu cơ hội kinh doanh, đặc biệt thiếu nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm trong lĩnh vực logistics.
Khuyến nghị
Để phát triển ngành logistics khu vực miền Trung, tác giả cho rằng cần thực hiện có tính chiến lược, đồng bộ các giải pháp, trong đó, một số vấn đề lưu ý như sau:
Một là, nâng cao nhận thức về logistics. Hiện nay, nhận thức về logistics còn kém, khiến mức độ quan tâm của DN địa phương còn hạn chế. Do đó, cần có định nghĩa một cách chính xác về thuật ngữ “logistics” đến DN. Đối với khu vực miền Trung cần có chính sách khuyến khích sự tham gia của các DN hoạt động trong lĩnh vực logistics.
Hai là, hoàn thiện hệ thống thể chế chính sách. Để có thể phát triển ngành logistics tại Việt Nam, cũng như tại khu vực KTTĐ miền Trung, cần có những chính sách cụ thể, rõ ràng. Theo đó, cần có những quy định của Chính phủ trong công tác thống kê chuyên ngành logistics, số lượng nhân lực, số lượng DN logistics số lượng các DN sử dụng dịch vụ logistics, chi phí logistics, doanh thu từ hoạt động logistics… Từ đó có cái nhìn thực tế và đưa ra những chính sách khắc phục những vấn đề chưa đạt hiệu quả.
Ba là, chú trọng đầu tư CSHT kho bãi, CSHT logistics tại các địa phương. Hiện nay, CSHT khu vực miền Trung còn lạc hậu, số lượng kho bãi còn hạn chế. Do đó, cần chú trọng hơn đến việc đầu tư đến hệ thống kho bãi tại các khu vực miền Trung. Bên cạnh đó, cần đầu từ vào công nghệ phục vụ việc kiểm soát hàng hóa tại các hàng hóa nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như thu hút các DN sử dụng dịch vụ logistics.
Bốn là, hỗ trợ DN trong nước về các vấn đề tài chính và nhân lực. Hiện các DN trong nước còn gặp rào cản về vốn và nguồn nhân lực. Do đó, chất lượng dịch vụ cũng như việc mở rộng đầu tư còn hạn chế. Tuy đã có một số chính sách hỗ trợ các DN trong việc tiếp cận vốn nhưn các DN vẫn gặp khó khăn do quy trình nhận hỗ trợ còn rườm rà. Vì vậy, cần có những chính sách cụ thể, quy trình tiếp cận nguồn vốn ngắn gọn, dễ dàng hơn đối với DN. Ngoài Chính phủ, các địa phương cũng cần có những chính sách hỗ trợ các DN trong việc tiếp cận nguồn vốn.
Tài liệu tham khảo:
Thủ tướng Chính phủ (2014), Quyết định số 1874/QĐ-TTg ngày 13/10/2014 về “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”;Bộ Tài chính (2017), Quyết định số 229/QĐ-BTC ngày 23/01/2017 phê duyệt đề án “Quy hoạch phát triển hệ thống kho hàng hóa tại các cửa khẩu khu vực biên giới Việt Nam – Lào và biên giới Việt Nam – Campuchia đến năm 2025, tầm nhìn 2035”;Nhà xuất bản Công Thương (2022), Báo cáo logistics Việt Nam năm 2022;Huỳnh Huy Hòa (2022), Phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung: Thực trạng và khuyến nghị chính sách. Tạp chí cộng sản, tháng 03/2022;Nguyễn Thị Việt Ngọc và Đinh Thị Minh Tâm (2021), Phát triển hệ thống logistics vùng kinh tế trọng điểm miền Trung – Thực trạng và giải pháp. Tạp chí Công thương, số tháng 5/2021;Nguyễn Quang Hồng (2020), Hệ thống Logistics trong tiến trình phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Tạp chí Con số và Sự kiện, kỳ 1-tháng 11/2020;
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 6/2023
Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/hoan-thien-ket-cau-ha-tang-kho-bai-khu-vuc-mien-trung.html