Hoằng Hóa phát huy giá trị các thiết chế văn hóa cơ sở gắn với nâng cao đời sống người dân

Thiết chế văn hóa cơ sở đóng vai trò quan trọng gắn kết cộng đồng dân cư, phát triển phong trào rèn luyện TDTT. Ở huyện NTM Hoằng Hóa, các thiết chế văn hóa tại cơ sở đã được phát huy đúng nghĩa, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân địa phương.

Nhà văn hóa thôn Châu Phong, xã Hoằng Châu.

Quê tôi ở một xã vùng Đông Nam của huyện Hoằng Hóa. Chiều nào cũng vậy, cứ vào khoảng 17h30 hằng ngày, bố mẹ tôi lại tới nhà văn hóa thôn để tập văn nghệ hoặc chơi bóng chuyền cùng các thành viên trong thôn. Với một người xa quê như tôi, mỗi dịp về quê chơi cảm nhận rõ không khí làng quê rộn ràng, các phong trào của thôn sôi nổi, đoàn kết, gắn bó hơn từ khi có nhà văn hóa. Những ngày lễ như Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, Tết Trung thu..., nhà văn hóa trở thành nơi giao lưu văn hóa, văn nghệ, gặp gỡ sẻ chia và liên hoan thân mật, đoàn kết. Thế mới thấy, nếu như trước đây, nhắc đến nhà văn hóa, nhiều người chỉ nghĩ đến hội họp, sinh hoạt đoàn thể. Những năm gần đây, nhờ việc quan tâm nâng cao thiết chế văn hóa ở cơ sở, nhà văn hóa đã thực sự trở thành nơi gắn kết cộng đồng dân cư với không gian vui chơi, văn hóa, văn nghệ, TDTT...

Thôn Phú Quang, xã Hoằng Châu là một trong những thôn có khu nhà văn hóa được xây dựng mới khang trang và rộng rãi. Ông Nguyễn Văn Phương, Bí thư Chi bộ thôn Phú Quang, phấn khởi: Từ khi nhà văn hóa và khuôn viên được xây dựng khang trang, sạch đẹp, cứ vào chiều tối sân nhà văn hóa lúc nào cũng rộn ràng tiếng nói cười của mọi người, trẻ con thì nô đùa, người lớn thì tập trung tập luyện thể thao.

"Để xây dựng được khu nhà văn hóa thôn Phú Quang trên tổng diện tích đất rộng hơn 3.800m2, khi thực hiện đổi điền, dồn thửa lần 3, Nhân dân trong thôn đã đồng thuận hiến mỗi khẩu 6m2 đất nông nghiệp, một số hộ còn hiến nhiều hơn hạn mức đề ra. Khi khởi công xây dựng, ngân sách Nhà nước hỗ trợ kích cầu 120 triệu đồng; Nhân dân trong thôn đồng thuận đóng góp gần 700 triệu đồng để xây dựng mới nhà văn hóa, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cộng đồng của Nhân dân trong thôn" - ông Nguyễn Văn Phương nói.

Xã Hoằng Châu có 10 thôn thì cả 10/10 thôn đều có nhà văn hóa, khu thể thao. Các nhà văn hóa, khu thể thao các thôn đều được bố trí trang thiết bị, bàn ghế và các dụng cụ tập luyện TDTT đơn giản, dụng cụ vui chơi cho trẻ em, như lưới bóng chuyền, bóng chuyền hơi, xà đơn, xà kép, đu quay, bập bênh... Năm 2023, xã Hoằng Châu được công nhận là xã NTM nâng cao.

Ở thôn kiểu mẫu Kim Sơn, xã Hoằng Tiến, khu vực nhà văn hóa mặc dù không xây dựng mới song được chỉnh trang lại gọn gàng, đẹp mắt; công viên mini kế bên được thiết kế hợp lý với hoa và cây xanh. Với tổng diện tích 1.600m2, đây là nơi sinh hoạt cộng đồng của Nhân dân. Ông Lê Văn Tư, Trưởng thôn Kim Sơn cho biết: Thôn Kim Sơn có diện tích tự nhiên 94,32ha, dân số chỉ có hơn 210 hộ với hơn 900 nhân khẩu. Để có được khu nhà văn hóa, công viên mini thoáng đãng như thế, cùng với số tiền hỗ trợ của cấp trên, Nhân dân trong thôn đã đóng góp hơn 1 tỷ đồng để chỉnh trang lại nhà văn hóa, xây dựng công viên mini, đường điện chiếu sáng... Phong trào chung tay kiến thiết làng quê, giúp người dân được thụ hưởng những công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ngày một tốt hơn, trong đó có nhà văn hóa, công viên mini trở thành địa điểm tập trung vui chơi, TDTT của người dân sau một ngày lao động vất vả.

Ở huyện Hoằng Hóa, từ khi thực hiện chương trình XDNTM đến NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, huyện đã quan tâm dành nguồn lực đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa ở cơ sở. Toàn huyện có 243 thôn, tổ dân phố thuộc 37 xã, thị trấn. Đa số các thôn đều có nhà văn hóa, khu thể thao đạt chuẩn theo quy định. Quy mô các nhà văn hóa thôn được xây dựng với diện tích trên 300m2 và từ 120 - 150 chỗ ngồi, sân khấu trên 30m2, với đầy đủ các thiết chế và trang thiết bị phục vụ hoạt động. Các khu thể thao thôn cơ bản được trang bị đầy đủ các trang thiết bị, dụng cụ TDTT phổ thông đảm bảo phục vụ nhu cầu tổ chức hoạt động của người dân. Trong đó, có 365 sân cầu lông, 190 sân bóng chuyền, 80 bàn bóng bàn, 280 sân chơi, bãi tập, khu vui chơi, giải trí và hoạt động TDTT... Nhìn chung, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn huyện đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa, rèn luyện thể chất của các tầng lớp Nhân dân; đồng thời làm nhiệm vụ tuyên truyền, cổ động phục vụ các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Song song với nâng cao, phát huy thiết chế văn hóa, các phong trào văn hóa, văn nghệ, TDTT tại cơ sở ngày càng phát triển. Toàn huyện có 16 câu lạc bộ văn hóa văn nghệ của 11 đơn vị xã, thị trấn hoạt động rất tích cực, như: Câu lạc bộ trống hội cung đình xã Hoằng Phú; Câu lạc bộ chèo Phượng Mao xã Hoằng Phượng; Câu lạc bộ nghệ thuật dân gian thị trấn Bút Sơn...

Hoạt động TDTT được duy trì thường xuyên, gắn với thực hiện cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”. Các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia các loại hình văn hóa, văn nghệ, TDTT theo sở trường, sở thích, tạo không khí phấn khởi, sôi nổi, thu hút đông đảo Nhân dân tham gia, góp phần thúc đẩy phong trào thể thao quần chúng phát triển mạnh trên địa bàn huyện.

Việc duy trì hoạt động và phát huy hiệu quả hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT ở cơ sở vừa tạo sân chơi bổ ích, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, vừa là dịp để giao lưu, chia sẻ kỹ năng trong cuộc sống hàng ngày, góp phần đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua ở cơ sở.

Bài và ảnh: Minh Hiền

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/hoang-hoa-phat-huy-gia-tri-cac-thiet-che-van-hoa-co-so-gan-voi-nang-cao-doi-song-nguoi-dan-216871.htm