Học đường nhiều nỗi băn khoăn
Học sinh tới trường ngoài tiếp thu kiến thức, kỹ năng còn có nhiều mối quan hệ xã hội khác. Đặc biệt ở giai đoạn dậy thì, các em có nhiều thay đổi về tâm sinh lý, rất cần được quan tâm, đồng thời cũng có nhu cầu được tư vấn, chia sẻ với những người mà các em tin tưởng. Vấn đề tư vấn tâm lý học đường vì thế rất quan trọng, nếu không được quan tâm đúng mức sẽ để lại hậu quả xấu và lâu dài đến học sinh cả về sức khỏe, tinh thần và nhân cách.
“Trách phạt học sinh khi có lỗi là điều cần thiết, nhưng phải làm sao đạt hiệu quả mà không làm tổn thương thể xác và tinh thần của các em. Các trường cần áp dụng nguyên tác giáo dục kỷ luật tích cực. Nghĩa là trên cơ sở nắm rõ tâm lý và vấn đề, phân tích để học sinh nhận thức lỗi lầm, từ đó có trách nhiệm và tự thay đổi hành vi của mình” - PGS.TS Phùng Thị Hằng, Khoa Tâm lý - Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên.
Vụ việc một nữ sinh Trường THPT Vĩnh Xương (An Giang) uống thuốc tự tử mới đây để minh chứng bản thân không mắc lỗi như quyết định xử lý của trường khiến dư luận không khỏi bàng hoàng. Đi kèm với đó là nhiều câu hỏi về cách giáo dục, xử lý vi phạm và nhất là nắm bắt tâm lý học sinh.
Hơn chục năm đứng trên bục giảng, trong đó phần lớn làm công tác chủ nhiệm, cô giáo Trương Thị Thúy (Trường THPT Phú Lương) nhiều lần bị đặt vào tình huống khó xử từ phía học sinh. Đó là chuyện tình cảm nam nữ, áp lực học tập, gây sự mất đoàn kết, thậm chí nhắn tin hỏi ý kiến cô giáo về việc bị xúc phạm trên mạng xã hội… Những trường hợp như vậy, nếu không kiên nhẫn lắng nghe, tư vấn và phân tích thấu đáo thì không thể giải quyết triệt để, ảnh hưởng tâm lý rất lâu dài. Cô giáo Thúy chia sẻ: Tôi từng thực hiện một đề tài nghiên cứu khoa học về trầm cảm học đường và thấy rằng, học sinh chịu áp lực học tập từ kỳ vọng của bố mẹ, do chính bản thân đặt ra hoặc không xác định được mục đích, phương hướng. Tâm lý của các em còn bị chi phối bởi mối quan hệ bạn bè và ngoài xã hội. Muốn các em mở lòng, giáo viên trước hết cần gần gũi, quan tâm và tạo được sự tin tưởng. Còn để giải quyết thấu đáo, ngoài kinh nghiệm bản thân thì rất cần có kỹ năng và phương pháp phù hợp.
Với đặc thù 100% học sinh là người dân tộc thiểu số và học nội trú, vấn đề tư vấn tâm lý học đường cũng được Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc đặc biệt quan tâm. Từ năm 2018, Nhà trường thành lập tổ tư vấn tâm lý học sinh do các giáo viên kiêm nhiệm. Thành viên trong tổ có nhiệm vụ nắm bắt và giải đáp những băn khoăn, vướng mắc về tâm lý; tổ chức các hoạt động, rèn luyện kỹ năng sống theo chủ đề, chủ điểm hằng tháng. Cô giáo Cao Thị Thu Hà, Phó Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính cho biết: Kinh nghiệm để tư vấn tâm lý học đường tốt là tìm hiểu kỹ hoàn cảnh gia đình, phong tục tập quán, năng lực học tập và hạnh kiểm, từ đó phân loại học sinh ngay từ khi nhập học. Thực tế ở trường cũng có trường hợp học sinh vi phạm kỷ luật như trèo tường ra ngoài đi chơi, đánh điện tử… Khi đó, giáo viên chủ nhiệm cần phải phối hợp để có biện pháp giáo dục, điều chỉnh hành vi của các em; biện pháp cuối cùng mới là xử phạt, nhưng cũng trên tinh thần định hướng, giáo dục.
Tháng 12-2017, Bộ Giáo dục - Đào tạo ban hành Thông tư số 31/2017/TTBGDĐT hướng dẫn công tác tư vấn tâm lý cho học sinh THPT. Hoạt động này không chỉ hướng đến học sinh mà cả phụ huynh, giáo viên; giúp học sinh tháo những nút thắt trong các mối quan hệ bạn bè, gia đình. Đồng thời giúp phụ huynh, giáo viên thay đổi nhận thức, gần gũi gắn bó với các em, thấu hiểu để từ đó không gây áp lực, không kỳ vọng quá khả năng của con em mình.
Theo các chuyên gia tâm lý, trong bối cảnh giáo dục có nhiều thay đổi, nhất là sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội thì vấn đề tư vấn tâm lý cho học sinh càng cần được quan tâm. Đó là những vấn đề áp lực về học tập, tình cảm tuổi mới lớn, sức khỏe sinh sản vị thành niên, định hướng nghề nghiệp, nghiện game, nghiện internet, bất ổn các mối quan hệ trong xã hội… Nhiều học sinh do không được người lớn chia sẻ và định hướng dẫn đến rơi vào tình trạng bế tắc, mất phương hướng, mất niềm tin và rất dễ có hành động tiêu cực. Từng tham gia chia sẻ ở nhiều trường học trên địa bàn tỉnh, PGS.TS Phùng Thị Hằng, Khoa Tâm lý - Giáo dục (Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên) cho rằng: Dù đã thành lập các tổ tư vấn, hỗ trợ học sinh nhưng ở một số nơi hoạt động của mô hình này chưa thực sự hiệu quả. Điều này xuất phát từ nhiều khía cạnh. Bản thân học sinh còn tâm lý e ngại, thiếu niềm tin vào người làm công tác tư vấn; giáo viên còn thiếu kỹ năng, sự tâm huyết cần thiết và nhà trường chưa tạo điều kiện về cơ chế, cơ sở vật chất để xây dựng các phòng tư vấn riêng. Do vậy, giải pháp đầu tiên và căn bản cho vấn đề này là thay đổi tư duy, coi hoạt động tư vấn tâm lý học đường là nhiệm vụ quan trọng. Từ đó đầu tư đúng mức, nhất là bồi dưỡng chuyên môn, năng lực tâm lý cho giáo viên.
Trao đổi về vấn đề này, ông Đào Quang Thành, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục - Đào tạo cho biết: Từ năm 2018, Sở Giáo dục - Đào tạo có văn bản gửi Phòng Giáo dục - Đào tạo các huyện, thành, thị và đơn vị trực thuộc về việc thành lập thành lập, kiện toàn tổ tư vấn tâm lý, hỗ trợ học sinh; tổ chức khảo sát, xây dựng dữ liệu tâm lý ban đầu đối với học sinh đầu cấp học; phân loại, theo dõi, cập nhật thường xuyên đặc điểm, diễn biến tâm lý của học sinh. Đến nay, Thái Nguyên là một trong những tỉnh sớm hoàn thành bồi dưỡng năng lực cho giáo viên phổ thông làm công tác tư vấn cho học sinh. Sở cũng đã và đang tiến hành kiểm tra; đôn đốc các trường tổ chức dạy và học bộ tài liệu “Thực hành tâm lý học đường”; xây dựng chuyên đề tư vấn tâm lý học sinh và bố trí thành các bài giảng riêng hoặc lồng ghép trong các tiết dạy học tích hợp môn chính khóa trên lớp và hoạt động trải nghiệm, hoạt động giáo dục ngoài giờ.