Học sinh học thiết kế mạch điện, lập trình miễn phí tại trường đại học
Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TP HCM cho biết khóa hè 'Em là kỹ sư điện - điện tử tương lai' lần 2 vừa khai giảng đã thu hút gần 100 học sinh từ 21 trường THPT, THCS tại TP HCM và các địa bàn lân cận tham dự.
Khóa học diễn ra trong 8 tuần, do các giảng viên và sinh viên Câu lạc bộ Nghiên cứu khoa học - Pay It Forward (PIF) Khoa điện - điện tử-Trường ĐH Bách khoa phụ trách hướng dẫn. Đặc biệt, khóa học hoàn toàn miễn phí.
Khi tham gia, học sinh được tìm hiểu về các linh kiện điện tử cơ bản, nguyên lý hoạt động và thiết kế; thực hành thiết kế sơ đồ nguyên lý mạch điện; thực hành thiết kế bảng mạch điện tử; lập trình hệ thống nhúng (embedded system) sử dụng ngôn ngữ C; xây dựng một ứng dụng Internet Of Things (IoT).
Cuối khóa học, học sinh làm báo cáo theo nhóm, được đánh giá bởi các thầy cô là giảng viên của trường, kỹ sư từ các doanh nghiệp công nghệ lớn.
Thầy Nguyễn Hữu Đông, Tổ trưởng tổ lý-Trường THPT Ngô Quyền (quận 7), cho biết năm ngoái trường cũng có học sinh tham gia. Thông qua các bài giảng và thực hành, học sinh tìm được cảm hứng với ngành điện. Đây cũng là cơ hội tốt để học sinh tiếp thu kiến thức chuyên ngành trước khi đưa ra định hướng nghề nghiệp tương lai.
Em Khúc Thế Hồng Phong, học sinh lớp 11 Trường THPT Ngô Quyền, cho biết đã định hướng đi theo con đường kỹ thuật, tuy nhiên đang phân vân giữa điện - điện tử và công nghệ thông tin.
"Lần đầu tiên được tham gia hoạt động trải nghiệm ngành nghề, em nghĩ đây là dịp để xác định ngành phù hợp nhất với mình, đồng thời giúp em trau dồi thêm các kỹ năng như thuyết trình, làm việc nhóm, có nhiều mối quan hệ bạn bè hơn" – Phong hào hứng nói.
Em Minh Khang, học sinh chuyên lý Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1) đã xác định sẽ theo ngành sư phạm, tuy nhiên vẫn muốn tham gia khóa học vì muốn trải nghiệm thêm. Khang cười nói: "Biết đâu sau khi học xong 8 tuần, em sẽ phát hiện thêm một ngành học nữa phù hợp với mình"
Điểm mới của khóa học năm nay là tăng số lượng kit thực hành để các em thực hành hiệu quả hơn (2 em/1 bộ). Bên cạnh đó, ban tổ chức cũng kết nối với các phòng thí nghiệm, xưởng thực hành để có những buổi học đa dạng; tổ chức các buổi trải nghiệm thực tế tại nhà máy.
Sau mùa một, có 9 bạn học sinh khóa học cũ quay trở lại khóa hè năm nay với vai trò trợ giảng, hỗ trợ tổ chức. Đồng thời, nhiều học sinh đã tổ chức các mô hình tương tự ở trường phổ thông, tạo thêm những câu lạc bộ học sinh cùng học cùng thực hành điện - điện tử.