Học sinh nông thôn ở Hậu Giang gian nan học trực tuyến
Giống như nhiều địa phương khác ở vùng ĐBSCL, do dịch bệnh Covid 19, ngành giáo dục tỉnh Hậu Giang phải tổ chức dạy học trực tuyến. Tuy nhiên, giải pháp tạm này không hiệu quả đối với học sinh nghèo vùng nông thôn sâu do các em không có đủ thiết bị, điều kiện để học tập
Hơn 2 tháng qua từ khi bắt đầu nhập học qua hình thức trực tuyến cho đến nay, em Nguyễn Văn Đậm, học sinh lớp 6 trường THCS Trường Long A, thuộc xã vùng sâu Trường Long A, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang chưa học ngày nào.
Em Nguyễn Văn Đậm là một trong số hàng chục ngàn học sinh, từ cấp tiểu học đến THPT thông ở vùng sâu tỉnh Hậu Giang không tiếp cận được hình thức học trực tuyến, do hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn, không có điều kiện mua sắm thiết bị để học tập theo hình thức này.
Anh Lê Văn Lỳ, phụ huynh một học sinh ở xã Trường Long A, huyện Châu Thành A cho biết: Hàng ngày anh đi làm mướn được từ 200.000- 300.000 đồng để nuôi vợ con. Từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay ít có người thuê mướn nên cuộc sống gia đình anh càng khó khăn hơn. Chính vì vậy anh không có khả năng trang bị thiết bị, phương tiện để cho con mình học tập theo hình thức này.
"Tôi nghèo, nghèo đi làm mướn không có tiền mua gạo ăn, tiền đâu mua điện thoại cho con đi học”- anh Lỳ nói.
Thực tế đang diễn ra tại Hậu Giang, việc thiếu thiết bị, đường truyền yếu… khiến việc dạy học trực tuyến cho học sinh ở vùng nông thôn sâu không đảm bảo chất lượng. Mặc dù các địa phương đã cố gắng đề ra một số giải pháp khắc phục thực trạng này như vận động phụ huynh có điều kiện chia sẻ, hỗ trợ cho các em có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức cho các em học nhóm…tuy nhiên, hiệu quả vẫn chưa cao.
Ông Trần Văn Dũng- Phó Chủ tịch UBND xã Trường Long A, huyện Châu Thành A cho biết: “Đối với địa phương có tạo điều kiện vận động, cho các em học nhóm, 1- 2 em đến điểm để học nhưng thấy rằng, thực chất đối với địa phương còn nhiều khó khăn, bất cập”.
Theo bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng- Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hậu Giang, thời gian qua, bên cạnh việc chủ động xây dựng các phương thức tổ chức dạy học để đảm bảo đạt yêu cầu, chất lượng, Ngành giáo dục tại các địa phương còn yêu cầu các trường, thầy cô giáo quan tâm, hỗ trợ bằng nhiều cách, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các em học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa để các em không bỏ học, trong đó có việc tổ chức học nhóm nhưng phải tập trung tuyên truyền để các em học sinh thực hiện tốt các qui định phòng chống dịch Covid-19.
Sở GD-ĐT tỉnh cũng đã thống kê có khoảng 60.000 học sinh không có điều kiện mua sắm trang thiết bị học trực tuyến. Để giải quyết khó khăn này, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đã có văn bản chỉ đạo thống nhất toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn tỉnh đóng góp một ngày lương ủng hộ Chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Thủ tướng Chính phủ phát động, để hỗ trợ trang thiết bị cho các em, bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục.
Bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng cho biết thêm: “Trong thời gian tới, trước mắt làm sao đầu tư, nâng cấp được đường truyền và hỗ trợ các thiết bị cho vấn đề dạy và học trực tuyến của giáo viên,học sinh. Bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên kỹ năng khai thác, sử dụng. ứng dụng hiệu quả các phần mềm để làm sao giảng dạy tốt các tiết dạy học trực tuyến. Nhà trường, thầy cô giáo cần phối hợp tốt với phụ huynh học sinh hỗ trợ, giám sát các em trong quá trình dạy học trực tuyến, lúc đó tiết học mới đạt hiệu quả”.
Trong thời điểm dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, học sinh không thể đến trường học trực tiếp mà phải chọn giải pháp tình thế là học trực tuyến, học qua truyền hình. Tuy nhiên, việc dạy học theo hình thức này đã làm tăng chi phí giáo dục lên rất nhiều. Bên cạnh nỗi lo khi không có điều kiện cho con em học trực tuyến, nhiều phụ huynh ở nông thôn, nhất là phụ huynh có con đang học mầm non, tiểu học, cũng cảm thấy bất an khi con không đến trường nhưng không biết gửi ở đâu để mình được thuận lợi công tác, mưu sinh. Chính vì vậy, mong muốn của phụ huynh vùng nông thôn sâu vẫn là làm sao để con em mình được an toàn trở lại trường lớp ./.