Học tập Bác Hồ cách sử dụng ngôn ngữ quần chúng trong tác phẩm báo chí

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã khai sinh, đặt nền móng và định hướng cho báo chí cách mạng Việt Nam. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Người đã coi báo chí là vũ khí đấu tranh cách mạng, là công cụ đấu tranh giai cấp sắc bén. Hiểu rõ giá trị và khả năng tiềm tàng của tiếng nói dân tộc, vì vậy, Người đã khai thác và sử dụng một cách triệt để ngôn ngữ của quần chúng nhân dân vào trong bài báo của mình để đạt được mục đích tuyên truyền, giáo dục, có sức thuyết phục và lan tỏa sâu rộng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn dò nữ phóng viên về cách viết tin trong dịp đưa tin về cuộc bầu cử Quốc hội khóa III, ngày 26/4/1964. Ảnh: Tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn dò nữ phóng viên về cách viết tin trong dịp đưa tin về cuộc bầu cử Quốc hội khóa III, ngày 26/4/1964. Ảnh: Tư liệu

Người biết rõ quần chúng nhân dân hay dùng cách nói cụ thể, hay dùng cách ví von, so sánh nên Người đã dựa vào thói quen này để đưa vào bài báo của mình. Chẳng hạn: “Giặc Mỹ bị dồn vào bước đường cùng, vì vậy chúng điên cuồng như chó dại cắn càn” (Báo Nhân dân ngày 7/1/1965), hoặc “Thế địch như lửa, thế ta như nước, nước nhất định thắng lửa” (Báo Nhân dân ngày 9/4/1964), hoặc “Xây dựng chủ nghĩa xã hội cũng như làm ruộng, trước phải khó nhọc cày bừa, chân lấm tay bùn làm cho lúa tốt thì sau mới có gạo ăn” (Báo Nhân dân ngày 10/4/1963), “Có đức mà không có tài thì chỉ giống như ông bụt ngồi trên chùa, không giúp được ai” (Báo Nhân dân ngày 1/8/1959), “Đi theo chủ nghĩa cá nhân thì cuộc đời mình sẽ xuống dốc, mà xuống dốc thì dễ hơn lên dốc” (Báo Nhân dân ngày 2/1/1960).

Ngoài cách dùng lối ví von, so sánh thì các hình thức ngôn ngữ có tính chất dân gian mà quần chúng nhân dân hay dùng như thành ngữ, tục ngữ, ca dao... được Người sử dụng một cách tối đa, có hiệu quả lớn đối với người đọc. Cách dùng của Người rất đa dạng. Có khi Người giữ nguyên thành ngữ, tục ngữ để đưa vào bài báo của mình, dùng phù hợp với từng đối tượng, từng vấn đề, tạo được những ngữ cảnh phù hợp. Chẳng hạn: “Bọn Ngô Đình Diệm chẳng những rước voi giày mả tổ, cõng rắn cắn gà nhà mà còn dựa vào đế quốc Mỹ để càn quét, khủng bố, chặt đầu, mổ bụng, moi gan đồng bào ta ở miền Nam, trẻ chúng không tha, già chúng không từ” (Báo Nhân dân ngày 15/12/1961). Trong câu trên, các thành ngữ "rước voi giày mả tổ", "cõng rắn cắn gà nhà" được Người đặt ra trong hoàn cảnh của câu nói làm cho chúng vừa diễn đạt được cách nói mà quần chúng nhân dân hay dùng, vừa có nghĩa đen, vừa có nghĩa bóng, vừa tỏ rõ thái độ của tác giả là lên án, tố cáo bộ mặt thật của bè lũ Ngô Đình Diệm với lòng căm thù, khinh bỉ, mỉa mai cao độ. Cách dùng này được Người sử dụng nhiều, ví dụ: “Đế quốc Mỹ chết thì chết mà nết không chừa” (Báo Nhân dân ngày 12/4/1964).

Trong nhiều bài báo, các thành ngữ, tục ngữ đã được Người dùng nguyên vẹn, ta gặp rất nhiều như: Giả câm giả điếc, vơ đũa cả nắm, vỏ quýt dày có móng tay nhọn, lửa thử vàng gian nan thử sức... Có khi Người không dùng nguyên vẹn thành ngữ, tục ngữ mà lược bỏ một vế nào đó, chỉ giữ lại vế có liên quan trực tiếp đến nội dung bài báo của mình. Ví dụ: Ở nước Mỹ có chuyện lạ đời là kẻ giàu thì rất giàu, người nghèo thì rất nghèo, thật là kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra (Báo Nhân dân ngày 1/4/1964). Ta cần chú ý trong bản gốc thì có hai câu là:

“Trời sao trời ở bất cân

Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra”.

Khi đưa vào bài báo trên, Người đã bỏ câu lục, chỉ giữ lại câu bát, làm cho nghĩa câu bát gắn cụ thể hơn với trường hợp mình đang diễn đạt. Ngoài việc sử dụng thành ngữ, tục ngữ, trong nhiều bài báo, thỉnh thoảng, Người lại xen ca dao vào tạo nên sắc thái mới cho sự diễn đạt, ví dụ ca dao xưa có câu:

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Người trong một nước phải thương nhau cùng”.

Khi đưa vào bài báo của mình, Người đã sửa chữa chút ít làm cho hai câu ca dao ấy mang một nội dung mới có tính chất cách mạng như trong bức thư gửi binh lính ngụy quyền, Người đã khuyên lính ngụy hãy quay về với dân tộc, với đồng bào mình:

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Con Hồng cháu Lạc phải thương nhau cùng”

(Báo Nhân dân ngày 15/1/1951).

Khi sử dụng cách nói của quần chúng nhân dân vào trong bài báo của mình, Người biết quần chúng nhân dân hay sử dụng việc lẩy Kiều (còn gọi là tập Kiều), tức là lấy cách diễn đạt trong Truyện Kiều của Nguyễn Du để diễn đạt ý mình, vì vậy, Người đã đưa câu Kiều vào bài báo của mình nhưng thêm vào đó nội dung mới, quan điểm mới. Trong Truyện Kiều có hai câu:

“Thương nhau xin nhớ lời nhau

Năm chầy cũng chẳng đi đâu mà chầy”.

Người đã cải biến hai câu thơ trên và Người đưa vào trong bài vận động quần chúng tham gia Mặt trận Việt Minh cứu nước:

“Yêu nhau xin nhớ lời nhau

Việt Minh hội ấy mau mau tìm vào”.

Rõ ràng, hai câu thơ này tuy có dáng dấp câu Kiều nhưng nội dung đã được đổi mới, được cách mạng hóa.

Có khi Người không trình bày câu Kiều thành một dòng riêng mà xen lẫn kết hợp vào trong bài báo của mình một cách tự nhiên, thoải mái, không gây cảm giác đột ngột cho người đọc, người nghe. Chẳng hạn: “Năm 1946, tôi về thăm đồng bào, cách ít tháng sau thì bắt đầu kháng chiến. Từ lần gặp ấy, đến lần gặp này thấm thoắt đã mười lăm năm, trong “mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình”. Rõ ràng, Người đã sử dụng rất linh hoạt, cơ động, sáng tạo cách lẩy Kiều (tập Kiều) vào bài báo của mình để nhằm phục vụ cho mục đích tuyên truyền, giáo dục quần chúng nhân dân.

Trong quá trình viết báo, Người rất chú ý đến việc sử dụng ngôn ngữ cho phù hợp với từng đối tượng cụ thể (công nhân, nông dân, trí thức, công giáo...). Người viết cho tầng lớp nào thì Người dùng cách nói phù hợp với tầng lớp đó, làm cho họ thấy gần gũi, dễ hiểu.

Chẳng hạn, khi viết cho bà con nông dân đọc về vấn đề chống tham ô, lãng phí thì Người đã dùng những chữ họ vốn hay dùng, làm cho họ trở về với những điều họ đã biết, lấy những điều đã biết để hiểu vấn đề mà Người định nói: “Ta muốn lúa tốt thì phải nhổ cỏ cho sạch, nếu không thì dù cày bừa có kỹ, bón phân nhiều, lúa vẫn xấu và lúa bị cỏ át đi. Muốn thành công trong việc tăng gia sản xuất và tiết kiệm thì cũng phải nhổ cỏ cho sạch, nghĩa là phải tẩy sạch nạn tham ô, lãng phí, quan liêu” (Báo Nhân dân, ngày 18/6/1961).

Trên đây, chúng tôi đã nói về vấn đề Bác Hồ sử dụng có hiệu quả ngôn ngữ của quần chúng nhân dân vào tác phẩm báo chí của mình. Đó là điều mà các nhà báo hiện nay cần học tập ở Người và vận dụng sáng tạo vào thực tiễn.

Đoàn Mạnh Tiến

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/hoc-tap-bac-ho-cach-su-dung-ngon-ngu-quan-chung-trong-tac-pham-bao-chi-post477245.html