Học và ứng dụng giới luật Phật giáo trong đời sống tu tập

NSGN - Phật giáo do Đức Phật sáng lập là một tổ chức gồm có ba thành phần tạo nên là Phật, Pháp và Tăng, còn gọi là Tam bảo.

Trong đó, Đức Phật là bậc Thầy vĩ đại và là tấm gương cao thượng để các đệ tử học tập theo, giáo pháp là con đường dẫn đến chân lý thì cần phải học và thực hành cho đúng lời Phật dạy, và Tăng đoàn là tập thể Tăng Ni hòa hợp thanh tịnh cần phải dựa vào sự chỉ dạy trực tiếp từ Đức Phật, và sau này là dựa vào giáo pháp và luật làm bậc thầy hướng dẫn bản thân và tiếp đó hướng dẫn đệ tử.

Theo sử liệu Phật giáo thì trong 12 năm đâù1 Đức Phật chưa chế ra các điều học (giới) như hiện đang sử dụng vì Tăng đoàn thanh tịnh. Cho đến năm thứ 13 khi có vị Tỷ-kheo đầu tiên làm điều phi pháp thì Phật mới bắt đầu chế giới cho đến khi Niết-bàn. Mục đích chế giới được luật ghi có 10 lợi ích,2 hay nói tổng quát là để bảo vệ người đệ tử Phật. Giới luật Phật chế có thể phân làm hai phần chính là không được làm và phải thực hành. Phần không được làm gọi là cấm, từ bỏ như không sát sinh…; và phần phải thực hành như An cư, Bố-tát, Tự tứ… Trong phần không được làm, tức các điều học, có những điều mang tính bản chất phải tuân thủ nhưng cũng có nhiều điều mang tính đối phó với văn hóa tập quán nên tùy nghi ứng dụng, không bắt buộc, và có khi tuân thủ cứng nhắc sẽ trở thành cản trở sự tu học.

Với tinh thần cầu học và chia sẻ quan điểm về việc học và ứng dụng giới luật trong Phật giáo, bài viết này đưa ra những điều học và những nội dung cần học ứng dụng, và những nội dung mang tính tham khảo và có thể cần phải điều chỉnh khi ứng dụng.

Bài viết này sẽ trình bày phần dành cho Sa-di gồm phân tích đối chiếu luật Sa-di Nam truyền và hai quyển luật Bắc truyền. Phần dành cho Tỷ-kheo sẽ trình bày trong bài viết khác.

Khái niệm giới luật Phật giáo

Khái niệm giới luật trong Phật giáo chưa được phân định rõ ràng về giới và luật và thường gộp chung lại thành giới luật. Vậy thì giới và luật khác nhau như thế nào? Khi nào dùng giới và khi nào dùng giới luật?

Giới (tiếng Pāli là Sila, tiếng Anh là virtue, moral conduct) là một trong ba phần cốt lõi tạo thành Bát chánh đạo.3

Giới được chia thành các cấp độ khác nhau là ngũ/5 giới, bát quan trai/8 giới (dành cho cư sĩ), 10 giới (dành cho Sa-di/novice monk), và 227 giới (dành cho Tỷ-kheo Nam truyền) hay 250 giới (dành cho Tỷ-kheo Bắc truyền), 311 giới (danh cho Tỷ-kheo-ni Nam truyền) và 348 giới (dành cho Tỷ-kheo-ni Bắc truyền).

Luật (tiếng Pāli là Vinaya, tiếng Anh là discipline) là một trong ba tạng gồm tạng Luật, tạng Kinh, tạng Luận. Tạng Luật chia làm ba phần.

Phần một gọi là Phân tích giới bổn, gồm có Mahavibhanga hay Bhikkhu vibhanga trình bày 227 hay 250 điều giới/điều học của Tỷ-kheo, và Bhikkhuni vibhanga trình bày 311 hay 348 điều giới của Tỷ-kheo-ni.

Phần hai gọi là hợp phần, nhóm, chương, kiền độ (khandaka), gồm có 22 chương chia làm hai phần là Đại phẩm (mahavagga) có 10 chương và Tiểu phẩm (cullavagga) có 12 chương.

Phần ba gọi là tập yếu (parivara), phân tích giới và luật theo các tiêu đề và trình bày dưới dạng vấn đáp theo quan điểm khác nhau.

Từ tóm tắt về khái niệm giới luật nêu trên, chúng ta có thể kết luận rằng Luật (Vinaya) là một tạng rộng lớn bao gồm các điều giới mà thường hiểu là 227 hay 250 giới Tỷ-kheo, 311 hay 348 giới Tỷ-kheo-ni. Luật chỉ dành riêng cho hàng xuất gia bao gồm Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni, Thức-xoa, Sa-di và Sa-di-ni. Giới tức điều giới hay điều học thì cả xuất gia và tại gia đều thực hành bởi giới đề cập đến hành động của cá nhân còn luật nhằm chỉ đến những hoạt động của Tăng đoàn.4

Giới trong Bát chánh đạo thuộc giới uẩn (silakkhandha), gồm có chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng, có chức năng ngăn ngừa hành động lỗi lầm của thân và khẩu. Giới ở đây không phải là điều giới hay điều học mà mang ý nghĩa thực hành thiện để ngăn ác. Giới trong Bát chánh đạo thì thánh phàm đều phải thực hành và có ngay từ khi Phật giáo hình thành. Giới trong ý nghĩa này thì mỗi hành giả đều phát nguyện hành trì ngay từ đầu bước vào tu học cho đến trọn đời chứ không đợi truyền giới hay xả giới.

Giới trong giới bổn (dịch âm Ba-la-đề-mộc-xoa, Pāli là Patimokkha) có nghĩa là Biệt giải thoát. Chữ biệt giải thoát ở đây lâu nay được giải thích là giữ giới nào giải thoát giới đó. Theo thiển ý cá nhân, biệt giải thoát là giữ giới thuộc phần nào thì giải thoát phần đó chứ không phải giữ điều học nào giải thoát điều học đó, giới thuộc cấp độ nào thì giải thoát cấp độ đó như cấp độ xuất gia, cấp độ tại gia.

Patimokkha có 8 phần/loại là Ba-la-di, Tăng-tàn, Bất định, Xả đọa, Đơn đọa, Ba-la-đề-đề-xá-ni (hướng bỉ hối), Chúng học và Pháp diệt tránh. Nếu giữ phần giới Ba-la-di thì giải thoát phần giới đó.

Nếu cho rằng giữ điều học nào thì giải thoát điều học đó xem ra không thích hợp vì có những điều học không giữ còn giải thoát hơn là giữ do các điều học đó mang tính đối phó với văn hóa tập tục từng thời, từng nơi khác nhau. Ví dụ các giới 12, 13, 14, 15, 16, 18, 19, 20… trong phần 30 pháp xả đọa nếu áp dụng cho thời đại ngày nay thì thật phiền hơn là giải thoát vì không mấy ai làm và cũng không ai xử lý.5

Bài viết đề cập đến khái niệm giới luật nên mở rộng đề cập phần giới luật của Tỷ-kheo để minh họa.

Học giới Sa-di của Nam và Bắc truyền

Theo quyển Giới luật Sa-di - Luật xuất gia tóm tắt của Tỷ-kheo Hộ Tông và Luật nghi Sa-di của Tỷ-kheo Giác Giới,6 Sa-di cần phải học 30 điều học gồm có mười phép học (sikkhāpada), mười phép hành phạt (daṇdạkamma), và mười phép trục xuất (nāsanaṅga), và học thêm 75 ưng học pháp và 14 pháp hành (kiccavatta).

Mười phép học gồm có: 1. Không sát sinh; 2. Không trộm cắp; 3. Không hành dâm/dâm dục; 4. Không vọng ngữ; 5. Không ẩm tửu/uống rượu; 6. Không ăn sái giờ/phi thời; 7. Không múa, hát, đờn kèn; 8. Không trang điểm, thoa vật thơm, dồi phấn và đeo tràng hoa; 9. Không ngồi nơi quá cao và xinh đẹp; 10. Không thọ lãnh và cất giữ vàng bạc, châu báu.

Mười phép hành phạt (daṇdạkamma) gồm có: 1. Ăn sái giờ; 2. Múa hát và xem múa hát; 3. Trang điểm, đeo đồ trang sức; 4. Nằm ngồi nơi cao và xinh đẹp; 5. Thọ lãnh cất giữ vàng bạc; 6. Cố làm cho Tỷ-kheo không có đồ dùng; 7. Cố làm cho Tỷ-kheo mất sự hữu ích; 8. Cố làm cho Tỷ-kheo không có chỗ ở; 9. Mắng chửi Tỷ-kheo; 10. Làm cho Tỷ-kheo bất hòa nhau. Nếu phạm một trong 10 điều này thì bị Tỷ-kheo phạt chấp tác tức làm việc.

Mười phép trục xuất (nāsanaṅga) gồm có 1. Giết loài động vật; 2. Trộm cắp; 3. Hành dâm; 4. Nói dối; 5. Uống rượu; 6. Hủy báng Phật; 7. Hủy báng Pháp; 8. Hủy báng Tăng; 9. Hiểu lầm đúng thành sai, sai thành đúng; 10. Hành dâm với Tỷ-kheo-ni. Nếu phạm một trong 10 điều này thì bị trục xuất. Tuy nhiên, điều học 1, 6, 7, 8, 9 cần phải giải thích cụ thể hơn như giết loài động vật nào mới bị trục xuất; hủy báng Phật, Pháp, Tăng, như thế nào…

Qua 30 điều học, chúng ta có thể gộp lại thành 20 điều học, bởi vì 5 điều học đầu trong phần phép học trùng với 5 điều đầu trong phép trục xuất; còn 5 điều học sau trong phần phép học trùng với 5 điều học đầu của phần phép hành phạt. Nói cách khác, phạm 5 điều học đầu phần phép học thì bị trục xuất, phạm 5 điều sau của phép học thì bị phạt. Còn lại, từ điều 6 đến điều 10 trong phần hành phạt và điều 6 đến điều 10 trong phần trục xuất cộng lại thành 10 điều học. Như vậy, Sa-di cần học và nhớ 20 điều học, điều học nào phạm bị trục xuất và điều học nào phạm bị phạt.

Về phạm giới, luật đưa ra các điều kiện đủ để kết luận là phạm một giới.

Phạm giới sát sinh tức cố ý sát sinh phải hội đủ 5 điều kiện là sinh vật có tâm thức, biết rõ sinh vật đó, có tâm cố ý giết, cố sức giết bằng mọi cách, sinh vật chết do cố ý giết. Hội đủ 5 điều kiện thì mới gọi là đứt giới, còn phạm một hai điều kiện gọi là rách giới hay sứt mẻ giới.

Phạm giới trộm cắp phải hội đủ 5 điều kiện là vật có chủ, biết là vật có chủ, có tâm muốn lấy, cố sức lấy, và đã lấy đi.

Phạm giới hành dâm phải hội đủ 4 điều kiện là có lỗ khiếu hành dâm, có tâm muốn hành lạc, cố gắng hành động, đã để vào khiếu của người khác.

Phạm giới nói dối phải hội đủ 4 điều kiện là chuyện không đúng sự thật, có tâm muốn nói sai sự thật, cố gắng nói sai, đã khiến người khác hiểu tin theo điều nói sai.

Phạm giới uống rượu phải hội đủ 4 điều kiện là thức uống đó là chất làm say, có tâm muốn uống, cố sức uống, đã uống nước say khỏi cổ.

Phạm giới ăn phi thời phải hội đủ 3 điều kiện là phi thời, vật thực được dùng đúng thời, đã nuốt khỏi cổ.

Phạm giới ca nhạc phải hội đủ 3 điều kiện là bài ca, có tâm muốn hành động, đã đi nghe xem.

Phạm giới trang điểm phải hội đủ 3 điều kiện là vật liệu trang điểm, ham muốn trang điểm, đã trang điểm bằng thứ đó.

Phạm giới sàng tọa phải hội đủ 3 điều kiện là chỗ nằm ngồi quá cao rộng, có tâm muốn sử dụng, đã thọ dụng chỗ đó.

Phạm giới giữ vàng bạc phải hội đủ 3 điều kiện là vàng bạc có giá trị, giữ cho mình, đã nhận hoặc bảo người nhận giùm.

Trong mười giới, các giới 1, 2 và 10 thì tự làm hoặc bảo người làm đều phạm, còn 7 giới còn lại tự làm mới phạm.

Trong 75 ưng học pháp, điều 1 và 2 dạy cách vận mặc y áo, điều 3 đến điều 10 dạy phải kín đáo, ý tứ khi đi vào xóm nhà dân; điều 11 đến điều 14 dạy về nói năng khi đến xóm nhà dân; điều 15 đến 26 dạy oai nghi về thân (đi, ngồi) khi đến xóm nhà dân; điều 27 đến điều 56 dạy về thọ thực gồm nhận thức ăn và cách ăn cho có oai nghi; điều 57 đến điều 72 dạy về cách thuyết pháp và đối tượng nghe pháp, và điều 73 đến điều 75 dạy về đại tiểu tiện. Sa-di cần phải học 75 pháp này để điều chỉnh oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi, ăn mặc… trong sinh hoạt hàng ngày.

Ngoài ra, Sa-di cần học 14 pháp hành, tức phận sự, bổn phận của người xuất gia. Xin được tóm lược như sau:7

Pháp hành 1: Khách Tăng nêu việc đến chùa khác thì chỉnh y phục lại; xếp hành lý gọn gàng trước khi vào; vào chùa tìm chào vị Tăng để thưa hỏi những gì cần; nếu ở lại thì hỏi về việc khất thực, về chư Tăng và sinh hoạt Tăng chúng tại chùa, hỏi nội quy sinh hoạt…

Pháp hành 2: Tăng trụ xứ nêu việc chuẩn bị nước rửa, nước uống cho khách; nếu khách Tăng lớn đến phải đón tiếp, mời ngồi và hầu thị giả; chỉ cho khách chỗ vệ sinh, phòng nghỉ, giờ sinh hoạt chùa, nơi đi khất thực…

Pháp hành 3: Xuất cốc (đi khỏi chỗ ở) nêu việc dọn phòng gọn gàng và giao trả mới đi.

Pháp hành 4: Phúc chúc trai Tăng nêu việc đọc kinh phúc chúc theo các vị lớn hướng dẫn.

Pháp hành 5: Đến nhà ăn (dự trai tăng) nêu việc mang y bát chỉnh tề; đi trang nghiêm; ngồi đúng vị trí cho phép; nhận cơm thức ăn vừa đủ; rửa tay sạch sẽ; ăn xong chờ nhận nước uống; ăn xong đi ra theo thứ tự, trật tự ra về…

Pháp hành 6: Khất thực nêu việc mặc y kín đáo; mang bình bát đi đứng trang nghiêm; đi thẳng hàng nếu đi cùng nhiều vị; không đứng quá gần hay quá xa thí chủ cúng dường; không nhìn thẳng vào mặt thí chủ; nên đến nhà thí chủ sẵn lòng cúng hay thỉnh dừng cúng; khi nhận thức ăn tay trái đỡ bát, tay phải vén y mở nắp nhận vật thực; khất thực xong về trước thì chuẩn bị bữa ăn cho đại chúng; ăn xong dọn rửa sạch sẽ.

Pháp hành 7: Ẩn cư trong rừng nêu việc dự trữ nước và lửa; có gậy dò đường; đi khất thực thì đóng cửa am; vào làng khất thực xong thì ăn cơm rửa bát rồi về.

Pháp hành 8: Ngụ trong liêu thất nêu việc dọn phòng gọn gàng sạch sẽ; để vật dụng ngăn nắp đúng nơi chỗ; dọn quét xung quanh liêu thất sạch sẽ; ở chung phòng thì làm gì nên hỏi ý.

Pháp hành 9: Nơi nhà bếp nêu việc giữ nhà bếp sạch; chuẩn bị nước và củi; trời lạnh hơ lửa thì nhường các vị lớn; thu dọn đồ xong mới ra khỏi bếp.

Pháp hành 10: Nơi nhà xí (nhà vệ sinh) nêu việc giữ gìn sạch sẽ; đi vào thì gõ cửa; máng y bên ngoài; ý tứ khi đi vệ sinh; không rặn lớn tiếng; không xỉa răng trong nhà vệ sinh; vệ sinh xong lau rửa sạch sẽ mới mặc y áo.

Pháp hành 11: Đối với thầy Tế độ nêu việc thức dậy trước chuẩn bị nước cho thầy; thu xếp mền gối cho thầy; dâng thức ăn sáng cho thầy; thầy đi khất thực thì chuẩn bị bình bát cho thầy; nếu đi theo thầy thì đi gần để nghe thầy sai bảo; thầy thọ thực đứng hầu nước, thức ăn; thầy ăn xong dọn rửa; chuẩn bị đồ cho thầy tắm; lau dọn phòng thầy sạch sẽ; thầy bệnh lo nuôi dưỡng; thầy nói chuyện không xen vào; thầy phạm lỗi hãy nhắc khéo; thầy phiền giận phải năn nỉ; thầy tà kiến hãy khuyên thầy; thầy phạm tội thì giữ danh dự thầy và tìm lời an ủi; làm việc gì cũng xin phép thầy; muốn đi học xin phép thầy.

Pháp hành 12: Thầy Tế độ đối với đệ tử nêu việc dạy pháp học và pháp hành cho đệ tử; quan tâm khuyên bảo nhắc nhở đệ tử trong mọi sinh hoạt; khích lệ sách tấn đệ tử tu học; thương đệ tử và chia sớt lợi lộc cho đệ tử; đệ tử bệnh thì hết lòng chăm sóc.

Pháp hành 13: Môn sinh đối với thầy giáo thọ nêu việc hầu thầy giáo thọ như thầy Tế độ.

Pháp hành 14: Thầy giáo thọ đối với môn sinh nêu việc thầy giáo thọ đối xử môn sinh như đệ tử.

Mười bốn pháp hành có thể tóm tắt là dạy bổn phận khi đến chùa khác, dự trai, khất thực (1, 3, 4, 5, 6); bổn phận tại chùa hay nơi cư trú (2, 7, 8, 9, 10); bổn phận đệ tử đối vối thầy (11, 13); bổn phận thầy với trò (12, 14).

Theo Bắc truyền, Sa-di được truyền dạy bốn quyển gọi là Luật tiểu. Tuy nhiên, Tỳ-ni nhật dụng không phải là điều học mà là những điều trợ giúp cho vị Sa-di để có chánh niệm trong sinh hoạt hằng ngày từ sáng sớm thức dậy đến khi đi ngủ, như thức dậy, rửa tay, rửa mặt, mặc y áo, tắm giặt... Ngoài ra, Tỳ-ni nhật dụng kể thêm các giới của Sa-di, Sa-di-ni, Thức-xoa, cư sĩ, và thêm 5 đức, 10 pháp số. Tỳ-ni nhật dụng còn thêm các câu chú. Quy Sơn cảnh sách cũng không phải là điều giới mà là bài văn cảnh tỉnh rất sâu sắc, súc tích dành cho người xuất gia. Còn lại hai quyển Sa-di luật nghi và oai nghi là điều giới và phép tắc Sa-di cần phải học và thực hành.

Quyển Sa-di luật nghi do Ngài Châu Hoằng soạn liệt kê 10 giới Sa-di gồm có không sát sinh, không trộm cắp, không dâm dục, không nói dối, không uống rượu, không mang vòng hoa thơm hay dùng hương thơm xoa mình, không ca hát và xem nghe, không ngồi giường cao rộng lớn, không ăn phi thời, không nắm giữ vàng bạc. Tuy nhiên, mười giới được ngài viết diễn giải theo quan điểm cá nhân của ngài.

Giới không sát sinh nêu các đối tượng phạm giới, nhấn mạnh lòng từ bi với côn trùng và nêu việc phạm giới bằng 3 cách là tự giết, bảo người giết và vui theo người khác giết.

Giới không trộm cắp nêu các loại vật thuộc sở hữu của các hạng người nếu họ không cho mà lấy là phạm, và đưa ra quả báo trộm cắp mang tính giáo dục hơn là chân lý.

Giới không dâm dục giải thích phạm giới là can phạm tất cả nam nữ thế gian, và nêu quả báo của việc phạm giới.

Giới không nói dối được giải thích có bốn, gồm nói dối, nói thêu dệt, nói thô ác và nói hai lưỡi; nhấn mạnh nói dối lớn là nói chứng thánh; nêu trường hợp cứu người thì không phạm; và nêu quả báo của nói dối.

Giới không uống rượu liệt kê các loại rượu không được uống, nêu trường hợp cho uống chữa bệnh, nêu các trường hợp vì rượu mà mất nước tan nhà.

Giới không mang vòng hoa… liệt kê các loại đồ trang sức không được dùng, và nêu các tấm gương tiết kiệm.

Giới không ca hát… giải thích việc ca hát và liệt kê các loại nhạc cụ, và nêu hậu quả vì đam mê ca hát mà hại thân.

Giới không ngồi giường cao… lấy tấm gương Phật, Tổ mà dạy không hưởng thụ cao sang.

Giới không ăn phi thời quy định chư thiên ăn buổi sáng, Phật ăn buổi trưa, súc sinh ăn buổi chiều, ngạ quỷ ăn ban đêm. Ăn chiều để chữa bệnh và có tâm hổ thẹn thì được.

Giới không giữ vàng bạc giải thích vàng, bạc và nêu việc không giữ lấy vì sợ tâm khởi tham. Phần sau thì cho giữ nhưng hổ thẹn và thường bố thí kẻ nghèo.

Bổ sung cho quyển Sa-di luật nghi thì có quyển Sa-di luật giải, nhưng cũng là giải thích từ ngữ, đưa ví dụ để răn đe hay khuyến tấn tu học nhưng không nêu các điều kiện phạm giới và hình thức xử phạt như thế nào.

Về oai nghi ứng xử thì Sa-di học 24 bài tương đương với 24 vấn đề Sa-di cần biết và thực hành. Người viết xin tóm tắt những nội dung chính yếu như sau:8

Bài 1 Kính thầy nêu việc không được gọi tên thầy, không được lén nghe thầy thuyết giới, không nói lỗi thầy, đứng lên chào thầy khi thầy đi qua, trừ đang làm việc.

Bài 2 Hầu thầy nêu việc dậy sớm lo dọn dẹp phòng, pha trà cho thầy; không lễ bái thầy khi thầy đang tụng kinh hay bận việc; bưng cơm nước phải hai tay cung kính; hầu thầy phải đứng trang nghiêm và chọn vị trí thích hợp để nghe thầy dạy; hỏi Phật pháp thì mặc áo dài quỳ nghe; hỏi việc thường thì đứng chắp tay nghe; thầy sai bảo thì nghe không được tỏ vẻ buồn phiền; có lỗi lầm thì trình báo thầy sám hối; thầy nói chưa xong không được nói leo; không sử dụng chỗ của thầy hay đồ dùng của thầy; thầy sai đi làm công việc phải chu toàn; thầy đau bệnh phải tận tình chăm sóc; thầy tiếp khách thì lắng nghe học hỏi; thầy sai việc phải làm cho xong, không được lười biếng; không được ngủ trước thầy; nếu thầy không dạy thì tìm thầy giỏi học Phật pháp; xa thầy đi học thì chọn chùa hay trường nội trú mà ở chứ không được ở nhà dân.

Bài 3 Đi theo thầy nêu việc không nhìn ngó lung tung mà phải chú ý hầu thầy; gần thầy để thầy dạy thì nghe làm theo; nhớ mang đồ dùng của thầy; thầy thọ trai thì hầu nhận đồ cúng; nếu tách riêng thì hẹn chỗ gặp.

Bài 4 Ở trong chúng (ở chung bạn tu) nêu việc không tranh chỗ ngồi, không đùa giỡn; không nói lỗi của chúng bạn; không khoe thành tích; ngủ đúng giờ quy định; rửa mặt, đánh răng, vệ sinh tiết kiệm nước và cẩn thận không ảnh hưởng người khác; không hỉ mũi khạc nhổ chỗ sạch mà phải tìm chỗ thích hợp; không xá chào một tay; nghe chuông thì giữ chánh niệm; không cười lớn tiếng; ngáp thì che miệng; đi không được gấp gáp; lấy hoa tươi cúng Phật; nghe gọi thì đáp trả bằng niệm Phật; nhặt của rơi thì báo tri sự; không kết bạn với Sa-di ít tuổi; không sắm nhiều y áo và nếu dư thì cho bớt; giữ y áo sạch sẽ gọn gàng; không mua sắm đồ chơi trang điểm; không trốn tránh khi chúng làm việc; không lấy của chung làm của riêng; không bàn chuyện tốt xấu thế gian; xưng hô thì dùng pháp danh; không tranh chấp cãi nhau; thảo luận học hỏi không được nổi giận nói thô.

Bài 5 Theo chúng thọ thực (Ăn cơm cùng chúng bạn) nêu việc nghe chuông báo giờ ăn thì mặc áo ngay ngắn tập trung vào nhà ăn; làm pháp xuất sanh đúng cách; quán tưởng xét bản thân trước khi ăn; không chê khen thức ăn; ngồi ăn nghiêm trang không nói chuyện tạp; không nhai đồ ăn ra tiếng; không khua chén bát ra tiếng; không vừa ăn vừa nói; xỉa răng thì che miệng lại; không ăn quá nhanh hay quá chậm; không được ăn xong đi trước.

Bài 6 Lễ bái nêu cách chọn vị trí lạy Phật; chắp tay thì 10 ngón đều nhau và để ngang ngực; lễ bái thì đúng giờ không gây ảnh hưởng người khác; không lạy cùng lúc với thầy; cầm kinh thì không xá chào người; lễ bái thì phải cung kính.

Bài 7 Nghe pháp nêu giờ nghe pháp thì mặc y áo trang nghiêm lên trước; không nói chuyện; chú ý nghe để hiểu mà thực hành; không nghe pháp để tranh luận hơn thua.

Bài 8 Học kinh nêu việc trước học luật sau học kinh; học kinh nào phải thưa thầy trước; không bỏ kinh nơi bẩn; kinh rách hư phải tu bổ; học bổn phận Sa-di chưa xong thì không học các môn khác hay kinh sách ngoại đạo; không học kinh ứng phó đạo tràng; không học kinh ngụy tạo; không học xem bói toán…; không được mượn kinh sách mà không trả.

Bài 9 Vào chùa nêu việc vào chùa không đi chính giữa mà đi hai bên; không hỉ mũi khạc nhổ; không để đồ tựa vách.

Bài 10 Trong thiền viện nêu việc không gây ồn ào ảnh hưởng người khác; không nói chuyện tạp; có khách tiếp đúng chỗ và theo quy định; nghe chuông báo thì lên thiền đường ngồi thiền ngay thẳng; trên giường không bày trà nói tạp.

Bài 11 Làm việc nêu phải tiếc của thường trụ như gạo, rau…; rửa rau phải ba lần đổi nước; nhìn nước sạch mới dùng; đốt bếp không dùng củi mục; làm thức ăn xong rửa tay sạch; không được đổ nước dơ bừa bãi; không quét rác ngược gió; không dồn rác vào sau cửa; dùng nước xong úp chậu; không đổ nước nóng trên đất.

Bài 12 Vào nhà tắm nêu việc lấy nước rửa từ trên xuống từ từ; không lấy nước tạt giỡn cười; nếu bị ghẻ thì tắm riêng; không được tắm lâu; trước và sau tắm mặc áo ngay ngắn.

Bài 13 Vào nhà vệ sinh nêu việc mắc đại tiểu tiện thì đi ngay đừng để bức bách; cởi đổi giày dép, không mang giày dép sạch vào nhà vệ sinh; đến nhà vệ sinh gõ cửa 3 lần để báo hiệu người bên trong và không được thúc bách; không nói chuyện với người phòng bên; không được vừa đi vừa mặc áo; đi vệ sinh xong rửa tay sạch.

Bài 14 Nằm ngủ nêu việc nằm ngủ thì nằm nghiêng bên phải; không nằm ngửa, úp hay nghiêng bên trái; không được ngủ chung một giường với thầy hay với Sa-di khác; không treo đồ trong/lót quá đầu người; không được ở trần ngủ; không được trên giường ngủ nói cười.

Bài 15 Hơ lửa mùa lạnh.

Bài 16 Ở trong phòng nêu việc phải biết lớn nhỏ chào nhau; tắt mở đèn phải hỏi trong phòng trước; không đọc kinh lớn tiếng; nếu có người bệnh thì chăm sóc chu đáo; không gây tiếng ồn ảnh hưởng người ngủ; không vô cớ vào phòng khác.

Bài 17 Đến chùa Ni nêu việc ngồi đúng chỗ; nói đúng lúc; không được nói tốt xấu của Ni; không liên hệ qua lại; không được cạo tóc cho Ni; không được cùng Ni ngồi chỗ khuất; không đi một mình qua chùa Ni; không trao đổi vật qua lại; không kết mẹ con, chị em với Ni.

Bài 18 Đến nhà dân nêu việc ngồi đúng chỗ; nói pháp đúng lúc; không cười nhiều; thọ trai không bỏ nghi thức; không đi đêm; không cùng phụ nữ ở chỗ vắng khuất; không thư từ qua lại; về nhà trước lễ Phật, tổ tiên, sau chào hỏi cha mẹ, người lớn; không nói chuyện khó nhọc trong chùa cho cha mẹ nghe mà phải nói Phật pháp để cha mẹ tăng tín tâm; không được nói chuyện tạp cười giỡn với bà con; không bàn chuyện tốt xấu trong dòng họ; nếu ở lại đêm thì ngủ giường riêng và ngồi niệm Phật nhiều hơn nằm, xong việc về sớm; không được làm ra vẻ để được cung kính; không nói khoe giỏi để được cung kính; không được ngồi xen tiệc rượu; không kết làm cha mẹ chị em; không nói lỗi lầm trong chúng.

Bài 19 Khất thực nêu việc nên đi chung với các vị lớn; nếu đi riêng thì chọn nơi thích hợp và không làm mất uy nghi; nhà không có đàn ông không nên vào; vào nhà không ngồi chỗ có vũ khí, đồ quý, đồ phụ nữ; nói pháp phải đúng lúc; không nói cho ăn sẽ được phước; không nài nỉ xin; không nói nhân quả để xin nhiều; không tham khi được nhiều và không buồn khi được ít; không được thường xuyên đến tín thí thân quen khất thực.

Bài 20 Vào làng xóm nêu việc không có lý do cần thiết không đi; không đi như chạy, đi lay động cánh tay; không được vừa đi vừa nhìn hai bên; không được vừa đi vừa đùa cười; không được đi cùng phụ nữ, hay Ni, hay người say trước sau; không cố nhìn hay liếc nhìn phụ nữ; gặp tôn túc thì đứng qua bên chào hỏi; gặp ảo thuật không xem; gặp chỗ nước lở thì đi vòng nếu không có đường mới nhảy qua; không cưỡi ngựa; gặp quan chức thì tránh; gặp kẻ tranh cãi thì tránh; về chùa không khoa trương những điều đã thấy.

Bài 21 Mua đồ nêu việc không tranh đắt rẻ; không ngồi hàng quán phụ nữ; bị xúc phạm thì tránh đi; đã hứa mua đồ thì phải mua dù vật của người khác rẻ hơn; không bảo lãnh kẻo mắc nợ.

Bài 22 Làm gì phải thưa hỏi nêu việc đi đâu phải thưa thầy; sắm y mới, mặc y mới thưa thầy trước; cạo đầu thưa thầy; uống thuốc thưa thầy; làm việc Tăng chúng thưa thầy; mua đồ riêng thưa thầy; tụng kinh thưa thầy; ai cho đồ thưa thầy trước mới nhận; đem đồ cho ai phải thưa thầy, thầy đồng ý mới cho; ai mượn đồ phải thưa thầy, thầy chấp nhận mới cho mượn; mượn đồ người phải thưa thầy, thầy đồng ý mới mượn; thầy đồng ý hay không đều làm lễ; thầy không đồng ý không giận hờn; các việc khác như du học, nghe pháp, nhập chúng, giữ chùa… đều thưa thầy, không được tự ý.

Bài 23 Đi học xa nêu việc đi xa cần nhờ bạn tốt; chưa hiểu Phật pháp thì dù xa vẫn đi học; tuổi nhỏ đi xa phải có người lớn hướng dẫn; phải tìm thầy học pháp, không phải đi chơi; đến đâu cũng phải thưa hỏi trước để biết nội quy sinh hoạt.

Bài 24 Y, bát, tọa cụ nêu việc y 5 điều gọi là An-đà-hội, dùng khi lao động; y 7 điều gọi là Uất-đa-la-tăng, dùng trong các sinh hoạt như lạy Phật, tụng kinh, tọa thiền, nghe pháp, bố-tát, tự tứ; y 25 điều gọi là Tăng-già-lê, dùng khi thuyết pháp, khất thực; khi đắp y thì đọc bài kệ tương ứng; Bát tiếng Phạn gọi Bát-đa-la, dịch là ứng lượng khí vì chất liệu, màu sắc và dung lượng phù hợp văn hóa Phật giáo; tọa cụ tiếng Phạn gọi Ni-sư-đàn, dùng trải ngồi.

24 bài oai nghi dạy về bổn phận đệ tử đối với thầy như kính thầy, hầu thầy, thưa hỏi thầy (chưa có phần thầy đối với đệ tử) gồm các bài 1, 2, 3, 22, 23; về sinh hoạt tập thể gồm sinh hoạt ăn uống, ngủ nghỉ, làm việc, vệ sinh, lễ bái, nghe pháp, học kinh gồm các bài 4, 5, 6, 7, 8, 11, 12, 13, 14, 16; về đi ra ngoài như đi đến chùa khác, đến chùa Ni, đến nhà dân, khất thực, đi học gồm các bài 9, 10, 17, 18, 19, 20. Ngoài ra, còn có bài hơ lửa mùa đông, mua đồ, y, bát, tọa cụ.

Vài nhận định về việc học và ứng dụng giới luật Sa-di

Sa-di tiếng Pāli gọi là Sāmanẹra, có nghĩa là con của bậc Sa-môn (Tỷ-kheo), là người thực tập hạnh Tỷ-kheo để trở thành Tỷ-kheo chính thức. Theo bộ Đại phẩm của Luật tạng, Sa-di phải học các điều học, các điều hành phạt và các điều trục xuất. Về sau, Sa-di phải học thêm các oai nghi do các Tổ sư biên soạn. Sa-di được Trung Hoa dịch là tức từ (dứt ác làm lành), cần sách (siêng năng), cầu tịch (cầu sự vắng lặng). Sa-di mới vào học đạo có thể đáp ứng các nghĩa đó chăng?

Một vị Sa-di theo Nam truyền phải học các điều nêu trên để biết mà thực hành. Sau khi học các điều học, Sa-di biết rõ các điều nào phạm bị trục xuất, điều nào bị phạt lao động, sám hối. Sau khi học 75 ưng học pháp và 14 pháp hành, Sa-di biết được cung cách sinh hoạt hằng ngày, oai nghi đi đứng nằm ngồi, phép tắc hầu thầy… Các nội dung điều giới rõ ràng ngắn gọn và có nêu hình phạt rõ ràng dễ nhớ. Phần oai nghi thực sự không phải là chân lý, có thể thêm bớt nên không bắt học thuộc lòng.

Một Sa-di theo Bắc truyền học 10 giới Sa-di nhưng không được giải thích các điều kiện phạm giới, trong khi bắt học thuộc lòng nhiều lời văn mang quan điểm cá nhân của ngài Châu Hoằng. Các hình phạt cũng không có đề cập đối với Sa-di Bắc truyền nếu phạm các điều giới. Sau khi học 24 oai nghi, Sa-di biết cung cách hầu thầy, biết về sinh hoạt trong tập thể Tăng chúng, biết cách ứng xử khi đi ra ngoài nhà dân… Các cách hành xử không phải là điều giới cố định nên có thể thêm bớt cho phù hợp hoàn cảnh, văn hóa thời đại. Việc bắt học thuộc lòng từng câu chữ với nhiều nội dung không còn ứng dụng liệu có còn thích hợp? Về phần oai nghi cho Sa-di, Thiền sư Thích Nhất Hạnh mở rộng lên thành 41 bài với nhiều chủ đề liên quan đến sinh hoạt hiện đại như sử dụng điện thoại, lái xe,… để áp dụng trong Tăng thân Làng Mai.9

Cuối cùng và quan trọng nhất, sau khi học xong điều giới và oai nghi thì phải ứng dụng trong môi trường thực tiễn. Sa-di là con của Tỷ-kheo (Sa-môn) nên Luật bắt buộc phải ở với thầy trọn đời. Ngày nay, có những Sa-di không được học để nắm rõ bổn phận và cách thức sinh hoạt trong thiền môn. Các Sa-di được học trường lớp thì chú trọng thuộc lòng lời văn dài dòng để thi khi thọ giới Cụ túc. Vấn đề ứng dụng trong đời sống thực tiễn như sống trong tập thể Tăng chúng để thực hành các điều đã học; ở với thầy Tế độ (bổn sư, nghiệp sư) hay thầy Y chỉ để thầy xem xét đánh giá tư cách chưa được quan tâm. Thiết nghĩ, học điều giới và oai nghi cốt để hiểu và ứng dụng trong cuộc sống thực tiễn, vì vậy cần giáo dục Sa-di nắm rõ nội dung ngắn gọn, rõ ràng, cụ thể, và tạo môi trường cho Sa-di thực hành hơn là học thuộc lòng để đối phó, điều làm mất thời gian mà chưa chắc có hiệu quả.

_______________

(1) Viên Trí, Ý nghĩa giới luật,NXB.Hồng Đức, 2019, tr.37.

(2) Mười mục đích hay lợi ích là Nhiếp thủ đối với Tăng; Khiến cho Tăng hoan hỷ; Khiến cho Tăng an lạc; Khiến cho người chưa có tín thì có tín; Người đã có tín khiến tín tăng trưởng; Để điều phục người chưa được điều phục; Người có tàm quý được an lạc; Đoạn hữu lậu hiện tại; Đoạn hữu lậu đời vị lai; Chánh pháp dược tồn tại lâu dài. (TK.Thích Đỗng Minh, Việt dịch, Luật Tứ phần,NXB.Hồng Đức, 2020, tr.90.)

(3) Xem Thích Chơn Thiện, Phật học khái luận, NXB.TP.Hồ Chí Minh, 1999, tr.318.

(4) Viên Trí, Ý nghĩa giới luật,NXB.Hồng Đức, 2019, tr.32.

(5) Ví dụ điều 19: Nếu Tỷ-kheo mua bán các thứ của báu phạm tội đọa. Điều giới này, nếu cho rằng giữ sẽ giải thoát thì xem ra không ai làm được trong thời đại ngày nay. Ngược lại, không giữ đôi khi lại làm lợi ích cho đời như đem của báu bán giúp người cần hỗ trợ như từ thiện.

(6) Xem Giới luật Sa-di (https://theravada.vn/gioi-luat-sadi-luat-xuat-gia-tom-tat-ty-khuu-ho-tong/#loi_day_tiep_anusasana); và Luật nghi Sa-di (https://theravada.vn/category/cac-tac-gia/ty-khuu-giac-gioi/luat-nghi-sa-di), truy cập ngày 15-8-2023.

(7) Xem thêm Tỷ-kheo Giác Giới, Luật nghi Sa-di, (https://theravada.vn/chuong-ii-luat-hoc-tap), truy cập, 1-9-2023.

(8) Xem thêm HT.Thích Trí Quang dịch, Sa-di luật nghi yếu lược, https://thuvienhoasen.org/p18a2602/5-sa-di-luat-nghi-yeu-luoc, truy cập ngày 16-8-2023.

(9) https://langmai.org/phat-duong/tung-gioi/gioi-luat-sadi/cac-thien-uy-nghi/, truy cập ngày 1-9-2023.

Thích Hạnh Chơn/Nguyệt san Giác Ngộ

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/hoc-va-ung-dung-gioi-luat-phat-giao-trong-doi-song-tu-tap-post73697.html