Học viện Tư pháp cần tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng

Nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập Học viện Tư pháp, Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn bà Phan Thị Hồng Hà, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tư pháp về công tác tổ chức cán bộ và công tác đào tạo, bồi dưỡng của Học viện.

Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Phan Thị Hồng Hà

Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Phan Thị Hồng Hà

-Thưa bà, bà đánh giá như thế nào về công tác tổ chức cán bộ và công tác đào tạo, bồi dưỡng theo Kế hoạch của Bộ Tư pháp của Học viện Tư pháp?

Qua 25 xây dựng và trưởng thành, với vai trò là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thuộc Bộ Tư pháp, Học viện Tư pháp đã ngày càng phát triển và thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, đặc biệt là công tác đào tạo các chức danh tư pháp và bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp, đội ngũ công chức, viên chức Ngành Tư pháp đạt được nhiều kết quả và thành tích đáng ghi nhận.

Học viện Tư pháp với tiền thân là Trường Đào tạo các chức danh tư pháp chủ yếu đào tạo thẩm phán, đến nay, Học viện đã và đang tổ chức đào tạo đào tạo cho 09 chức danh tư pháp và là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của Bộ Tư pháp. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao trong bối cảnh cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, được sự quan tâm của Lãnh đạo Bộ Tư pháp, sự phối hợp của các đơn vị thuộc Bộ và sự nỗ lực của chính Học viện Tư pháp, trong thời gian qua, Học viện Tư pháp đã tập trung củng cố, kiện toàn cả về tổ chức và cán bộ. Học viện hiện có Ban Giám đốc, Hội đồng khoa học, 04 Khoa, 06 Phòng, 05 Trung tâm, Cơ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đội ngũ viên chức, người lao động của Học viện được tăng cường và nâng cao về số lượng và chất lượng, đặc biệt là đội ngũ giảng viên. Đến năm 2022, Học viện đã có 153 viên chức, trong đó có 64 giảng viên cơ hữu (với hơn 30% là phó giáo sư, tiến sĩ) và xây dựng được đội ngũ cán bộ tham gia giảng dạy với hơn 500 giảng viên, báo cáo viên công tác ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề giàu kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn.

Vị trí, chức năng được mở rộng cùng với việc kiện toàn tổ chức cán bộ đã nâng tầm vị thế của Học viện Tư pháp, đồng thời giúp cho công tác đào tạo, bồi dưỡng của Học viện đáp ứng tốt hơn nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Bộ Tư pháp giao, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho ngành Tư pháp và xã hội, phục vụ công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và hội nhập quốc tế. Đến hết năm 2022, Học viện Tư pháp đã đào tạo cho 78.668 lượt người tham dự học các chương trình đào tạo nghiệp vụ xét xử, kiểm sát, nghiệp vụ thi hành án dân sự, lý lịch tư pháp, thư ký tòa án; đào tạo nghề luật sư, công chứng, đấu giá, thừa phát lại; đào tạo chung ba chức danh thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư. Bên cạnh đó, Học viện Tư pháp cũng từng bước đảm nhiệm và thực hiện có hiệu quả công tác bồi dưỡng cho công chức, viên chức của Bộ, ngành Tư pháp. Học viện Tư pháp đã triển khai xây dựng tổng số 71 chương trình, tài liệu bồi dưỡng, tổ chức 267 lớp theo Kế hoạch được giao cho 25.901 lượt cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp theo các nội dung kiến thức về quốc phòng an ninh, tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý; kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ chuyên sâu, các kỹ năng mềm giúp cho công chức, viên chức làm việc ngày càng hiệu quả hơn.

Với những kết quả trên, Học viện Tư pháp đã và đang khẳng định được vai trò “là trung tâm lớn” trong công tác đào tạo, bồi dưỡng các chức danh tư pháp và bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho công chức, viên chức Bộ, ngành Tư pháp theo định hướng của Đảng, Nhà nước và sự tin tưởng của xã hội.

- Thời gian tới, Học viện cần làm gì để tiếp tục thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng?

Mới đây, ngày 9/1/2022, Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới xác định phương hướng, nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực pháp luật, nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng và thi hành pháp luật, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực tư pháp. Ngày 30/9/2022, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 1155/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Tiếp tục xây dựng Học viện Tư pháp thành Trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp với mục tiêu đến năm 2030, Học viện Tư pháp thực sự trở thành trung tâm lớn, có uy tín trong đào tạo, bồi dưỡng chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp, cán bộ làm công tác pháp luật, pháp chế ở Việt Nam và có vị trí trong khu vực.

Những định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ này đòi hỏi trong thời gian tới Học viện Tư pháp cần phải tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng thông qua xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên với những chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực nghề tư pháp; cải tiến phương pháp, nâng cao chất lượng, đổi mới chương trình, giáo trình đào tạo, bồi dưỡng; xây dựng các phương pháp giảng dạy tiên tiến - hiện đại gắn với việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin; có giải pháp phối hợp hiệu quả với các bộ, ngành, địa phương trong bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho cán bộ, công chức và kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ pháp chế và tư pháp.

-Xin cám ơn bà!

PV Thu Hằng (thực hiện)

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/hoc-vien-tu-phap-can-tap-trung-nang-cao-chat-luong-dao-tao-boi-duong-post467751.html