Hội đồng Bảo an LHQ lại kêu gọi thiết lập hành lang nhân đạo ở Dải Gaza
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) ngày 15/11 đã thông qua nghị quyết kêu gọi 'các hành lang và điểm dừng nhân đạo khẩn cấp và kéo dài trên khắp Dải Gaza' để cho phép chuyển hàng viện trợ y tế và sơ tán người dân.
Nghị quyết do Malta đề xuất ngày 15/11 cũng kêu gọi “các hành lang trên khắp Dải Gaza được mở trong đủ số ngày” để bảo vệ dân thường, đặc biệt là trẻ em, Đại sứ Malta, Vanessa Frazier, nhấn mạnh trước HĐBA. Ngoài ra, nghị quyết cũng yêu cầu thả vô điều kiện những người bị giam giữ ở Gaza.
Kết quả cho thấy, nghị quyết được thông qua với 12 phiếu thuận, 0 phiếu chống và 3 phiếu trắng, gồm Nga, Mỹ và Anh.
Nghị quyết không đề cập đến lệnh ngừng bắn cũng như cuộc tấn công của nhóm Hamas vào Israel vào ngày 7/10, trong đó chính quyền Israel cho biết khoảng 1.200 người đã thiệt mạng và khoảng 240 người bị bắt giữ.
Ngoài ra, nghị quyết cũng bỏ qua các cuộc không kích trả đũa của Israel và cuộc tấn công trên bộ ở Gaza, mà các quan chức y tế Palestine cho biết đã giết chết hơn 11.000 người, 2/3 trong số họ là phụ nữ và trẻ em.
Một trong những mặt hàng phải được vận chuyển “không bị cản trở”, như nghị quyết đề xuất, là nhiên liệu. Đồng thời, nghị quyết cũng yêu cầu người đứng đầu LHQ đưa ra báo cáo về việc thực hiện nghị quyết tại cuộc họp tiếp theo của HĐBA liên quan đến Trung Đông.
Ông Gilad Erdan, Đại sứ Israel tại LHQ, đã nhanh chóng phản hồi rằng nghị quyết này sẽ “không có ý nghĩa” và “không liên quan đến thực tế”.
Đại sứ khẳng định rằng, Israel đang hành động phù hợp với luật pháp quốc tế ở Gaza, một tuyên bố đã bị một số chuyên gia về chủ đề này bác bỏ.
Trước đó, Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield cũng đã phản đối các thành viên hội đồng vì vẫn chưa lên án Hamas.
Trong tháng trước, 4 nghị quyết đã được đệ trình tại HĐBA nhưng không được thông qua, hai lần do Nga đề xuất nhưng không đạt được số phiếu tối thiểu cần thiết, một lần khi Mỹ phủ quyết một nghị quyết do Brazil soạn thảo và một lần nữa khi Nga và Trung Quốc phủ quyết một nghị quyết do Mỹ đề xuất.
Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp và Anh có quyền phủ quyết với tư cách là thành viên thường trực của HĐBA.