Hội giảng nhà giáo, giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2021: Vượt thách thức, nắm bắt cơ hội

Lần đầu tiên Hội giảng nhà giáo Giáo dục nghề nghiệp toàn quốc được tổ chức trực tuyến. Dù tổ chức trực tuyến nhưng các bài giảng sẽ được chấm điểm trực tiếp. Những bài giảng tốt nhất sẽ được nhận giải thưởng và tôn vinh trong sự kiện mít tinh nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Thầy cô phấn khởi vì được chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm

Thầy Nguyễn Trung Trực - giảng viên trường Cao đẳng Nông nghiệp Nam Bộ vừa kết thúc phần bài giảng "Chẩn đoán bệnh giun đũa và giun móc chó bằng phương pháp phù nổi". Thầy Trực cho biết, đây là lần đầu tiên thầy tham gia Hội giảng nhà giáo Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) toàn quốc. Trước đó, thầy có tham gia hội giảng nhà giáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thầy giành giải Nhất.

Theo thầy Trực, dù từ khi xuất hiện dịch Covid-19 nhà trường đã tổ chức giảng dạy trực tuyến khá nhiều nhưng khi tham gia hội giảng trực tuyến, bản thân thầy vẫn khá lo lắng, hồi hộp.

"Bình thường tôi chỉ phải giảng dạy, còn khi tham gia hội giảng tôi phải chọn góc đứng để hoạt động thao tác mẫu chuẩn chỉ và máy quay bắt được góc đó. Thêm nữa, việc đeo khẩu trang trong lúc giảng khiến mình khó thể hiện cảm xúc, truyền đạt thông tin tới học sinh. Kết thúc bài giảng, mọi thứ khá ổn, tôi được các thầy trong ban giám khảo chấm 93 điểm. Số điểm cao so với các thầy cô khác, nhưng vẫn còn rất nhiều thầy cô chưa dự thi ở phía sau" - thầy Trực chia sẻ.

Cô Nguyễn Thị Luyến tham gia hội giảng với bài thi "Nhân giống cây hoa giấy bằng phương pháp ghép nêm". Ảnh: Minh Anh

Cùng chung cảm xúc cô Nguyễn Thị Luyến - giảng viên trường Cao đẳng Cơ điện xây dựng và Nông lâm Trung Bộ (Đoàn Bình Định) cũng đang rất háo hức chờ tới ngày được trình giảng. Đây cũng là lần đầu tiên cô Luyến tham gia Hội giảng nhà giáo GDNN toàn quốc. Năm nay cô Luyến mang tới hội giảng bài thi "Nhân giống cây hoa giấy bằng phương pháp ghép nêm".

Cô Luyến cho biết, để có mẫu cây cho bài giảng, cô đã phải chuẩn bị từ suốt 3-4 tháng qua. Công việc khá vất vả, khiến cô có chút căng thẳng và sụt mấy cân liền. Dù vất vả chuẩn bị bài cho hội giảng, nhưng bản thân cô lại cảm thấy rất vinh dự, tự hào bởi vì để được giảng ở hội giảng toàn quốc không phải nhà giáo nào cũng có cơ hội.

Vừa kết thúc phần thi, thầy giáo Nguyễn Hữu Phú - Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội cảm thấy nhẹ lòng, nhưng thầy chưa tỏ ra hài lòng lắm với phần thi của mình. Lý do là bởi xưởng thực hành bé, không đủ không gian bố trí xe theo đúng mong muốn của thầy. Tuy vậy, thầy cũng cảm thấy rất vui vì được tham gia hội giảng, được chia sẻ học hỏi kinh nghiệm giảng dạy với đồng nghiệp.

Cơ hội lớn cho giáo dục nghề nghiệp

Thầy Hà Toàn Thắng - Phó hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghệ Việt - Hàn Bắc Giang cho rằng, bên cạnh những thách thức, hội giảng cũng mang lại nhiều cơ hội.

"Rõ ràng việc chuyển đổi từ hội giảng trực tiếp sang làm trực tuyến cũng khiến các trường rất vất vả, từ việc chuẩn bị trang thiết bị máy quay, đường truyền, tới chuẩn bị tâm lý cho các nhà giáo. Bản thân các thầy cô cũng rất lo lắng, hồi hộp. Tuy nhiên, nhờ có sự chuẩn bị chu đáo từ cơ sở vật chất, kỹ thuật nên thầy cô khá tự tin, hoàn thành tốt bài thi của mình"- thầy Thắng nói.

Thầy Thắng cũng đánh giá cao sự thích ứng của ban tổ chức. Các khâu hậu cần, kỹ thuật cũng được chuẩn bị chu đáo kể cả khi lượng người xem tăng lên khiến cho đường truyền mất ổn định, ban giám khảo cũng ngay lập tức chuyển sang sử dụng youtube để up các video bài giảng. Ngoài ra, còn kết nối cả bài giảng với hệ thống máy của ban giám khảo, ban tổ chức nên quá trình dự thi của các nhà giáo vẫn được đảm bảo, thông suốt.

"Vượt qua tất cả những thách thức, các thầy cô, các trường và cả ban tổ chức nắm bắt tốt cơ hội để thực hiện chuyển đổi số. Đặc biệt bài giảng mạch lạc, tư duy tốt, chuẩn chỉnh về kỹ thuật của các nhà giáo là kho tài nguyên vô cùng quý giá cho cả nhà giáo, học sinh tham khảo trong quá trình giảng dạy học tập. Bất cứ lúc nào cần, các thầy cô, các học sinh đều có thể tìm lại để xem"- thầy Thắng chia sẻ.

Chia sẻ về công tác hậu cần của ban tổ chức, bà Nguyễn Thị Việt Hương - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN cho biết, điểm nổi bật của hội giảng năm nay là thiết kế thêm Cổng thông tin điện tử và Triển lãm số các đơn vị GDNN tiêu biểu trên toàn quốc để người xem được tham gia.

Cổng thông tin điện tử https://hoigianggdnn.vn là cầu nối quan trọng kết nối với người tham dự. Đây là kênh thông tin chính thức cho phép từ 7.000 đến 10.000 người truy cập ổn định theo dõi sự kiện của hội giảng. Qua cổng thông tin điện tử, người xem còn có thể kết nối trực tiếp với các trường, doanh nghiệp tham dự hoạt động này.

Đồng thời, các giám khảo sẽ công bố điểm công khai, minh bạch trên cổng thông tin điện tử giúp nhà giáo dự thi và người xem có cái nhìn khách quan, cụ thể về từng bài trình giảng. Sau đó, đơn vị vận hành sẽ hỗ trợ cung cấp các video, tư liệu về bài dự thi của các đơn vị, địa phương trên cổng thông tin điện tử của hội giảng, người quan tâm có thể truy cập và xem lại bất cứ thời điểm nào.

Bên lề hội giảng, ban tổ chức cũng mở triển lãm số các đơn vị GDNN tiêu biểu trên toàn quốc. Tham dự triển lãm số là sự góp mặt của gần 30 trường đào tạo nghề và các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế đã hợp tác với Tổng cục GDNN. Trong sự kiện này, người xem sẽ được “thăm quan” các gian hàng trong không gian 3D với các thông tin, hình ảnh, video trực quan và sinh động.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/hoi-giang-nha-giao-giao-duc-nghe-nghiep-toan-quoc-nam-2021-vuot-thach-thuc-nam-bat-co-hoi-95499.html