Hội nghị giao ban cụm thi đua khuyến học đồng bằng sông Hồng, triển khai 'Khuyến học xanh'
Ngày 14/5, Cụm thi đua khuyến học đồng bằng sông Hồng tổ chức Hội nghị Giao ban chủ đề: 'Khuyến học xanh – Hướng đi bền vững cho tương lai' tại Hưng Yên.
Tham dự Hội nghị có đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam; lãnh đạo Hội Khuyến học các tỉnh, thành trong Cụm khuyến học khu vực đồng bằng sông Hồng (cụm 3) và lãnh đạo sở ban ngành tỉnh Hưng Yên.


Ông Vũ Mạnh Hiền, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Thái Bình, Cụm trưởng Cụm 3, phát biểu đề dẫn tại hội nghị.
Tại hội nghị, ông Vũ Mạnh Hiền, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Thái Bình, Cụm trưởng Cụm 3, đã trình bày phát biểu đề dẫn.
Trước những thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường và chuyển đổi số, việc thúc đẩy học tập gắn với trách nhiệm xã hội trở thành một yêu cầu cấp thiết, "Khuyến học xanh" được xác định là mô hình học tập tích hợp, nhằm xây dựng công dân học tập có tư duy xanh, lối sống xanh và kỹ năng xanh, phù hợp với xu thế chuyển đổi bền vững hiện nay.
Năm định hướng chính của "Khuyến học xanh", bao gồm: Gắn kết học tập suốt đời với bảo vệ môi trường; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số; Mở rộng tiếp cận giáo dục xanh cho mọi đối tượng; Tăng cường liên kết giữa các tổ chức hội, nhà trường và địa phương; Xây dựng hệ sinh thái học tập xanh tại cơ sở.

Hà Nam đẩy mạnh mô hình “Làng học tập gắn với nông nghiệp sạch”, biến hoạt động sản xuất xanh thành nội dung học tập cộng đồng, kết hợp chuyển giao kỹ thuật và nâng cao dân trí nông thôn.
Tại hội nghị các đại biểu từ các tỉnh trong cụm đã trình bày nhiều báo cáo hoạt động khuyến học khuyến tài, tham luận cụ thể và giàu tính thực tiễn, làm nổi bật những mô hình "Khuyến học xanh" đang được triển khai hiệu quả tại địa phương. Một số mô hình tiêu biểu được đánh giá cao, như:
Hội Khuyến học Hà Nội là đơn vị tiên phong đưa nội dung "khuyến học xanh" vào chương trình xây dựng xã hội học tập. Thành phố đã tổ chức hơn 400 trung tâm học tập cộng đồng, lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường, kỹ năng số và tiêu dùng bền vững. Hà Nội cũng dẫn đầu cả nước về số lượng "Gia đình học tập xanh", "Cộng đồng học tập xanh" được công nhận. Hiện thành phố đang triển khai thí điểm mô hình "Trường học học tập xanh" tại một số quận, huyện.
Tham luận tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Đông – Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Hưng Yên – chia sẻ: Hưng Yên đã tích cực triển khai các mô hình học tập gắn với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, tiêu biểu như "Vườn rau học tập xanh", "CLB học tập xanh", "Gia đình tiết kiệm điện – học tập suốt đời"... Đặc biệt, các trung tâm học tập cộng đồng đã tổ chức lồng ghép các lớp học kỹ năng xanh, kỹ năng số và hướng dẫn phân loại rác thải, tái chế, tiêu dùng thông minh cho người dân nông thôn.

Vĩnh Phúc triển khai mô hình “Công dân học tập số và xanh”, hướng tới xây dựng người học hiện đại, có khả năng thích ứng với môi trường số, đồng thời có nhận thức và hành vi tích cực về bảo vệ môi trường.

Nam Định duy trì hiệu quả mô hình “Dòng họ học tập xanh”, tạo sự lan tỏa sâu trong cộng đồng thông qua các hoạt động học tập gắn với gìn giữ môi trường sống, giáo dục truyền thống và xây dựng nếp sống văn minh.
Báo cáo tại hội nghị, đồng chí Bui Trọng Trâm – Phó chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Thái bình cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2025, Thái Bình đã tổ chức 6 hội thảo, 8 lớp tập huấn về "Khuyến học xanh" cho hơn 1.200 cán bộ hội. Tỉnh chú trọng lồng ghép giáo dục môi trường, chuyển đổi số vào hoạt động học tập cộng đồng. Ngoài ra, Hội đã trao hơn 900 suất học bổng "Học không bao giờ cùng", vận động trên 100 tỷ đồng Quỹ khuyến học – khuyến tài, và nhân rộng mô hình "Gia đình học tập xanh" gắn với sản xuất nông nghiệp sạch, tiết kiệm tài nguyên.
Các tỉnh khác như Nam Định, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Bắc Ninh, Ninh Bình cũng đang triển khai các mô hình khuyến học xanh gắn với đặc thù của từng địa phương. Những mô hình đáng chú ý gồm: "Dòng họ học tập xanh" (Nam Định), "Công dân học tập số và xanh" (Vĩnh Phúc), "Làng học tập gắn với nông nghiệp sạch" (Hà Nam), và "Tủ sách học tập xanh" cùng "Trường học không rác thải" (Ninh Bình).

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Hưng Yên nổi bật với mô hình “Vườn rau học tập xanh” và “Câu lạc bộ học tập xanh” cho người cao tuổi, nông dân – nơi lồng ghép các nội dung tiết kiệm năng lượng, phân loại rác, kỹ năng sống gắn với sản xuất xanh.

Thái Bình đã tổ chức 6 hội thảo, 8 lớp tập huấn về “Khuyến học xanh” cho hơn 1.200 cán bộ hội; đẩy mạnh lồng ghép giáo dục môi trường và chuyển đổi số trong học tập cộng đồng.

Hà Nội với mô hình “Trường học học tập xanh” đang thí điểm tại các cụm trường THPT và trung tâm GDNN-GDTX, kết hợp dạy học với giáo dục tiêu dùng bền vững, hành vi sinh thái và ứng dụng số.

Bắc Ninh trình bày hai mô hình nổi bật: “Tủ sách học tập xanh” tại khu dân cư, giúp người dân tiếp cận kiến thức về môi trường và kỹ năng xanh; và “Trường học không rác thải”, giáo dục học sinh phân loại rác, tiết kiệm tài nguyên. Các mô hình được triển khai hiệu quả nhờ sự phối hợp giữa Hội, ngành Giáo dục và chính quyền địa phương.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng, đã ghi nhận và biểu dương sự đổi mới mạnh mẽ của các tỉnh trong Cụm 3, đánh giá kết quả hoạt động của cụm Đồng bằng sông Hồng trong thời gian qua, ghi nhận bảy điểm nổi bật, trong đó có: đổi mới công tác tham mưu và phối hợp; nâng cao hiệu quả tuyên truyền; củng cố tổ chức hội; đẩy mạnh hội thảo, tập huấn; phát triển mô hình khuyến học xanh; gây dựng quỹ khuyến học lành mạnh, hiệu quả; và đóng góp thực tiễn sâu sắc cho Trung ương Hội về nội hàm và phương thức tổ chức hoạt động khuyến học xanh. Về "khuyến học xanh", Hội xác định đây là mô hình giáo dục gắn với phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, an toàn – với ba trụ cột: tư duy xanh (tư duy trí tuệ, khách quan, khoa học, sáng tạo); lối sống xanh (sống khoa học, thân thiện, nhân văn); và kỹ năng xanh (lao động thành thục, sống vì cộng đồng, hợp tác, bảo vệ môi trường và tài nguyên).

Từ thực tiễn và kinh nghiệm địa phương, Hội sẽ tiếp tục tổng kết, hoàn thiện lý luận và kiến nghị chính sách phù hợp, trong đó nhấn mạnh việc giữ vững tính độc lập tổ chức của Hội Khuyến học nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động trong giai đoạn mới.