Hội nghị quán triệt, triển khai thi hành các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Chiều 25/12, Chính phủ tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai thi hành một số luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV. Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ; Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Quốc hội đồng chủ trì hội nghị.

Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương.

Dự tại điểm cầu tại tỉnh có đồng chí Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan.

Các đại biểu dự tại điểm cầu tỉnh.

Các đại biểu dự tại điểm cầu tỉnh.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, hoàn thiện thể chế phát triển là một trong ba đột phá chiến lược, thể chế là "đột phá của đột phá", là nguồn lực, động lực phát triển.

Quốc hội, Chính phủ đã cùng thực hiện chủ trương của Đảng, đã dành nhiều thời gian, nguồn lực cho công tác hoàn thiện thể chế nhưng đến nay thể chế vẫn là "điểm nghẽn của điểm nghẽn".

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã thông qua 18 Luật, 21 Nghị quyết với sự đồng thuận, thống nhất cao của các vị đại biểu Quốc hội. Trong đó, nhiều luật, nghị quyết liên quan đến các lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội, như: Đầu tư; tài chính, ngân sách, thuế; an sinh xã hội; quốc phòng, an ninh. Các luật, nghị quyết được thông qua đã quán triệt sâu sắc tinh thần đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, bảo đảm ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, những điểm nghẽn về thể chế nhằm khơi thông mọi nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; thể hiện tinh thần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, chuyển từ tư duy quản lý sang kiến tạo phát triển, triệt để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp. Đây cũng là kỳ họp Quốc hội có số lượng luật được thông qua lớn nhất (18/61), bằng 29,5% tổng số luật được Quốc hội ban hành từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

Trong số 18 luật, 21 nghị quyết, có 4 nghị quyết, 1 luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2024; 2 luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025; 1 luật có hiệu lực 15/1/2025, 1 luật có hiệu lực từ 1/2/2025; 2 luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025; 1 luật có hiệu lực từ 1/1/2026; 2 nghị quyết có hiệu lực từ 1/4/2025, các nghị quyết còn lại có hiệu lực thi hành kể từ ngày Quốc hội thông qua.

Ngay sau Kỳ họp thứ 8, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan khẩn trương triển khai hiệu quả các luật, nghị quyết, bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng và thi hành pháp luật, cụ thể là tuyên truyền, phổ biến pháp luật; ban hành kế hoạch; phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết.

Với tinh thần xây dựng luật ngắn gọn để đảm bảo tính ổn định, giá trị lâu dài, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan rà soát, đưa ra khỏi dự thảo các luật, nghị quyết nhiều quy định cụ thể thuộc thẩm quyền của Chính phủ, các Bộ, ngành và chính quyền địa phương. Nhiều luật sau quá trình tiếp thu, chỉnh lý đã giảm đáng kể số lượng các chương, điều, khoản so với dự thảo trình ban đầu như: Luật Công chứng (sửa đổi) giảm 2 chương, 3 điều; Luật Điện lực (sửa đổi) giảm 49 điều; Luật Đầu tư công (sửa đổi) giảm 9 điều; Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn giảm 6 điều…

Những kết quả, hiệu quả đạt được là rất tích cực. Đặc biệt là sự đổi mới sâu sắc về tư duy và phương thức tiến hành công tác lập pháp. Các luật ngắn gọn, rõ ràng, chỉ quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, tạo điều kiện thuận lợi, giao quyền chủ động, linh hoạt cho Chính phủ trong quá trình tổ chức thực hiện luật.

Tại hội nghị, các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương báo cáo tham luận; đồng thời, thảo luận làm rõ một số nội dung trọng tâm của các Luật: Công đoàn (sửa đổi), Thuế giá trị gia tăng; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Kế toán; Kiểm toán độc lập; Ngân sách Nhà nước; Quản lý, sử dụng tài sản công;Quản lý thuế; Thuế thu nhập cá nhân;Dự trữ quốc gia; Xử lý vi phạm hành chính; Đầu tư công (sửa đổi); sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch; Đầu tư; Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Đấu thầu và công tác triển khai thi hành đảm bảo khơi thông nguồn lực, phát triển đất nước… và công tác chuẩn bị triển khai thi hành luật, từ đó, đề xuất các giải pháp khả thi, thiết thực để đưa các luật, nghị quyết vào cuộc sống…

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Việc Quốc hội khóa XV thông qua số lượng lớn luật, nghị quyết thể hiện quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức liên quan trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế. Đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8; sớm trình Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền kế hoạch triển khai thi hành các luật, nghị quyết. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nhất là các luật, nghị quyết có phạm vi ảnh hưởng rộng, tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân, doanh nghiệp. Tăng cường kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, thường xuyên đánh giá hiệu quả pháp luật sau ban hành nhằm nâng cao hiệu quả công tác theo dõi thi hành pháp luật.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND cấp tỉnh chủ động ban hành kế hoạch triển khai các luật, nghị quyết trên địa bàn; tập trung rà soát, nghiên cứu, chuẩn bị điều kiện cần thiết và tổ chức thực hiện các thẩm quyền, nhiệm vụ được giao, nhất là những thẩm quyền, nhiệm vụ mới được bổ sung trong các luật, nghị quyết của Quốc hội, cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù được áp dụng tại địa phương, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước, hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn và tin rằng công tác triển khai thi hành pháp luật ngày càng chuyên nghiệp, bài bản, hiệu lực, hiệu quả; “Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi”, Thủ tướng kêu gọi sớm đưa các luật, nghị quyết vào cuộc sống, đáp ứng được kỳ vọng của cử tri và nhân dân, góp phần xây dựng một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa vững mạnh, đưa đất nước vững bước tiến vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên phát triển giàu mạnh, văn minh và thịnh vượng của dân tộc.

Nông Hậu

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/hoi-nghi-quan-triet-trien-khai-thi-hanh-cac-luat-nghi-quyet-duoc-thong-qua-tai-ky-hop-thu-8-quoc-hoi-3174470.html