Hội nghị thượng đỉnh G7: Vượt khó có thành?

Khó khăn trong nước, thách thức quốc tế 'bủa vây' lãnh đạo các nước thành viên khiến Hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay ở Italy trở nên đáng chú ý hơn.

Hội nghị Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra tại Khách sạn Borgo Egnazia, Puglia (Italy) từ ngày 13-15/6. (Nguồn: DPA)

Hội nghị Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra tại Khách sạn Borgo Egnazia, Puglia (Italy) từ ngày 13-15/6. (Nguồn: DPA)

Ngày 13-15/6, khách sạn Borgo Egnazia ở Puglia, phía Tây Italy trở thành tâm điểm truyền thông khi đón lãnh đạo Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tụ hội, thảo luận những vấn đề cấp bách toàn cầu.

Những cái đầu tiên

Hội nghị năm nay chào đón nhiều đại biểu, khách mời hơn trước. Bên cạnh lãnh đạo các nước thành viên (Mỹ, Nhật Bản, Canada, Đức, Pháp, Anh và Italy), lãnh đạo Ấn Độ, Brazil, Argentina, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Kenya, Algeria, Tunisia, Mauritania… sẽ dự Hội nghị. Đại diện các tổ chức khu vực, quốc tế như Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Phi và Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cũng góp mặt. Đáng chú ý, Giáo hoàng Francis sẽ trở thành Giáo hoàng đầu tiên trong lịch sử tham dự Thượng đỉnh G7.

Một quan chức Italy khẳng định: “G7 sẽ đưa những quốc gia cùng chí hướng về các nguyên tắc cơ bản lại gần nhau hơn. Tuy nhiên, đây không phải là một sự kiện khép kín và luôn mở với mọi người”. Quan trọng hơn, Hội nghị G7 2024 diễn ra trong lúc lãnh đạo các nước thành viên đương đầu nhiều thách thức.

Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp không ít khó khăn trước thềm cuộc bầu cử tháng 11, còn Thủ tướng Anh Rishi Sunak đối mặt viễn cảnh mất ghế sau sự kiện tương tự trong tháng Bảy. Trong khi đó, lãnh đạo Pháp và Đức nỗ lực tìm kiếm giải pháp sau thất bại tại bầu cử Nghị viện châu Âu (EP).

Tỷ lệ ủng hộ của người dân với Thủ tướng Canada Justin Trudeau và người đồng cấp Nhật Bản Kishida Fumio tiếp tục giảm. Hiện chỉ Thủ tướng Italy Giorgia Meloni là vững vàng với chiếc ghế của mình sau chiến thắng vang dội tại bầu cử EP. Song theo ông Francesco Galietti, nhà sáng lập Công ty nghiên cứu rủi ro chính trị Policy Sonar tại Rome (Italy), vị thế của chủ nhà không thôi là chưa đủ để tạo sức nặng chính trị cho Thượng đỉnh G7 năm nay.

Nhiều vấn đề, ít đồng thuận

Các vấn đề chờ đợi lãnh đạo G7 ở Puglia, Italy cũng phức tạp, nan giải không kém những gì họ đang đối mặt ở trong nước. Trong ngày đầu tiên 13/6, các bên sẽ trao đổi về châu Phi, biến đổi khí hậu và phát triển, trước khi chuyển chủ đề sang Trung Đông và khép lại bằng hai phiên thảo luận về Ukraine. Trong ngày thứ hai, Hội nghị trao đổi về di cư, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và an ninh kinh tế, về Địa Trung Hải, năng lượng và châu Phi. Giáo hoàng Francis sẽ dẫn dắt phiên thảo luận cuối của G7 về trí tuệ nhân tạo (AI).

Một trọng tâm của Hội nghị lần này là việc xử lý tài sản Nga bị đóng băng ở phương Tây, trị giá ước tính khoảng 300 tỷ USD, để viện trợ cho Ukraine. Hiện chính quyền Washington muốn dùng lợi nhuận từ tài sản đóng băng của Moscow để cung cấp khoản vay 50 tỷ USD cho Ukraine, trong khi một số nước châu Âu muốn sử dụng lãi từ tài sản bị đóng băng để mua vũ khí và tái thiết Ukraine.

Tuy nhiên, Berlin và Tokyo không ủng hộ đề xuất này. Đức cho rằng cần giữ nguyên tài sản của Nga để làm đòn bẩy cho đàm phán hòa bình. Theo giới phân tích, nước này cũng muốn giúp các công ty của mình ở Nga tránh động thái trả đũa của Moscow.

Ngoài ra, Mỹ cho biết G7 có thể “gửi lời cảnh cáo mạnh mẽ” tới một số ngân hàng Trung Quốc giúp Nga né tránh lệnh trừng phạt của phương Tây. Washington có thể công bố các biện pháp mạnh hơn nhắm vào các định chế tài chính và phi ngân hàng nằm trong “đường dây công nghệ và hàng hóa” hỗ trợ Nga. Song chưa có gì cho thấy phần còn lại sẽ ủng hộ đề xuất cứng rắn của Mỹ.

Trong khi đó, sau nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về lệnh ngừng bắn Israel - Hamas do Mỹ đề xuất, các nước thành viên G7 dự kiến một lần nữa ủng hộ đàm phán hòa bình, cũng như nỗ lực tái thiết hậu xung đột ở Dải Gaza.

Trung Quốc là một chủ đề được quan tâm tại G7. Lãnh đạo G7 có thể ra tuyên bố chung cảnh báo tình trạng sản xuất công nghiệp dư thừa, đồng thời cân nhắc áp đặt thêm một số biện pháp trước “chính sách bảo trợ” một số công ty của Bắc Kinh. Song tương tự hai vấn đề trên, hiện chưa rõ liệu châu Âu, Nhật Bản và Canada có sẵn sàng theo đuổi lập trường cứng rắn hơn của Mỹ với Trung Quốc hay không. Các thành viên EU vốn coi Bắc Kinh là thị trường xuất khẩu lớn, còn Berlin và Paris không muốn khơi mào cuộc chiến thương mại với đối tác hàng đầu này.

Điểm nhấn cuối cùng trong Hội nghị thượng đỉnh lần này là phiên họp đặc biệt về AI, một ưu tiên hàng đầu của bà Meloni trong nhiệm kỳ Chủ tịch G7 của mình. Tại đây, Giáo hoàng Francis sẽ có bài phát biểu về khía cạnh đạo đức và luật lệ quốc tế về AI. Rome một lần nữa nhấn mạnh lời kêu gọi về Đạo đức AI, với sáu nguyên tắc cơ bản gồm minh bạch, hòa nhập, trách nhiệm, công bằng, tin cậy, độ bảo mật và quyền riêng tư. Các nước G7 kỳ vọng có thể tìm thấy tiếng nói chung về nội dung này.

Ngoài ra, trong bối cảnh nỗ lực thúc đẩy thuế tối thiểu toàn cầu khó đạt thỏa thuận ngay tháng này, nước chủ nhà G7 có thể thúc đẩy mạnh hơn hai chủ đề ưu tiên khác là tình hình di cư hay quan hệ đối tác chiến lược với châu Phi. Bên cạnh đó, nội dung về cam kết chống biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh lương thực, củng cố chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ xuất hiện trong các phiên thảo luận nêu trên.

Trong năm năm gần đây, các Hội nghị G7, ngay cả trong thời khắc khó khăn nhất tại Biarritz (Pháp) hay Carbis Bay (Đức), đều khép lại với một tuyên bố chung. Lần này, có lẽ không phải là ngoại lệ. Song, liệu thông điệp từ tuyên bố chung ấy có đủ sức thúc đẩy giải pháp cho hàng loạt vấn đề cấp bách hiện nay không lại là câu chuyện ở phía trước.

Minh Vương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hoi-nghi-thuong-dinh-g7-vuot-kho-co-thanh-274831.html