Hội phụ nữ xã Nga Điền phát triển tiểu thủ công nghiệp
Mỗi ngày chị Nguyễn Thị Vân, thôn 3, xã Nga Điền (Nga Sơn) đan được 10 chiếc khay bằng nguyên liệu cói để nhập cho doanh nghiệp, tiền công được trả 150 ngàn đồng. Chị Vân cho biết, chồng bị bệnh mới mất nên kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn, các con còn nhỏ, nhưng được hội LHPN xã và chị em trong chi hội giúp đỡ, tạo điều kiện nhận thêm nguyên liệu về nhà đan nên kinh tế gia đình đỡ khó khăn hơn.
Thành viên THT đan thủ công mỹ nghệ xã Nga Điền đan sản phẩm.
Đến với hộ chị Đào Thị Dung, thôn 8, được chị cho biết: Tôi tham gia tổ liên kết từ năm 2016, vì bận việc xã hội nên chỉ tranh thủ thời gian đan các loại mẫu hàng thùng, tính ra cũng được hơn 100 ngàn đồng/ngày. Nghề khá phù hợp với lao động địa phương và đang là nguồn thu nhập ổn định, giúp nhiều hộ thoát nghèo. Chị Dung hiện là Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Nga Điền và cũng là một trong số những người đầu tiên gây dựng, phát triển nghề ở địa phương.
Nga Điền là xã vùng giáo, kinh tế chủ yếu thuần nông. Vốn là vùng quê không có nghề truyền thống đan lát, nhưng có một số hộ quê tỉnh Ninh Bình du nhập nghề đan thủ công vào địa phương nên nghề phát triển nhỏ lẻ, mặc dù có thu nhập tương đối ổn định. Đầu năm 2015 nghề đan hàng thủ công mỹ nghệ mới chỉ duy trì ở một số hộ của các xóm 4, 6, 7 trong xã. Dần dần chị em nhận thấy đây là nghề dễ làm, phù hợp với sức khỏe, không phải bỏ vốn đầu tư ban đầu, nguyên liệu sẵn có ở địa phương như cây cói, bèo tây... tiền công được trả trong ngày sau khi nhập sản phẩm... đã thu hút đông đảo hội viên, phụ nữ và người dân trong xã tham gia học, phát triển nghề.
Bám sát Nghị quyết 05 của Huyện ủy Nga Sơn về khôi phục và phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và thực hiện chỉ đạo của Đảng ủy, chị Trần Thị Tám, Chủ tịch Hội LHPN xã đã bàn với ban thường vụ hội LHPN xã đề ra các giải pháp thực hiện nhân cấy nghề. Vậy là các lớp học, có khi là các nhóm học nghề được chị em chủ động tổ chức dạy cho nhau tại nhà. Nguyên liệu cũng được một số chị em biết làm nghề từ trước đấu mối giới thiệu cho. Thị trường tiêu thụ ban đầu do chị Trần Thị Tám đứng ra thu gom và nhập cho công ty. Cứ vậy, từng nhóm hộ gia đình hội viên phụ nữ truyền nhau làm nghề đan thủ công. Không phải nghề truyền thống của địa phương nhưng chỉ vài năm, nghề đã phát triển mở rộng ở tất cả các thôn, xóm trong xã. Có hộ 100% thành viên đều làm nghề đan lát. Đan nhiều thành kỹ năng, nhiều chị không học mẫu mới mà chỉ cần nhìn mẫu sản phẩm cũng biết sản phẩm đó (thùng, khay...) đan bao nhiêu mắt thì đẹp! Đến nay, xã Nga Điền có 8/8 xóm đều có hội viên làm nghề đan hàng thủ công mỹ nghệ, thu hút trên 500 lao động thường xuyên gắn bó với nghề. Thu nhập bình quân khoảng 3 đến 5 triệu đồng/người/tháng. Nhiều hội viên đã thực sự thoát nghèo, nhiều chị có tay nghề cao đã được các công ty mời đi dạy nghề ở nhiều xã khác có nhu cầu học nghề như chị: Trần Thị Soi, Hoàng Thị Loan... đây là cơ hội để mở rộng, phát triển nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều hội viên trên địa bàn huyện.
Kế thừa và phát huy hiệu quả làm nghề, năm 2018, hội LHPN xã được hội LHPN cấp trên tạo điều kiện thành lập tổ hợp tác (THT) đan thủ công mỹ nghệ, thu hút 25 thành viên, đến nay đã phát triển lên 80 thành viên. THT là đầu mối nhập nguyên liệu và thu gom xuất sản phẩm. Đây là mô hình được hội LHPN huyện tổ chức cho ban chấp hành hội tham quan, chia sẻ kinh nghiệm để ứng dụng vào đơn vị. Phát triển và nhân rộng nghề thủ công mỹ nghệ đang là hướng đi đúng tạo luồng gió mới đang từng ngày làm thay đổi diện mạo của xã. Từ những nguyên liệu truyền thống như: Cói, đay... kết hợp với công nghệ xử lý hiện đại và qua bàn tay khéo léo của các chị đã tạo ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và đã vươn đến nhiều thị trường khó tính trên thế giới.