Hồi sinh cây đa trăm tuổi

Hơn 2 năm trước, TP.Quảng Ngãi đã điều nhiều xe chuyên dụng, xe cẩu siêu trọng và chuyên gia sinh vật cảnh, đến đường Nguyễn Văn Linh, phường Trương Quang Trọng, (TP.Quảng Ngãi) chung sức cứu cây đa Bà Bút - một biểu tượng xanh của tỉnh Quảng Ngãi bất ngờ ngã đổ.

Người dân TP.Quảng Ngãi không thể nào quên hình ảnh cảnh sát giao thông dẹp đường, công nhân điện lực, viễn thông cúp điện, nới dây... nhường chỗ cho xe siêu tải chuyển cây đa về núi Thiên Bút, phường Nghĩa Chánh. Hai năm trôi qua, dẫu có lúc cây yếu mọi người nghĩ sẽ chẳng cứu được, nhưng nay "cụ đa" đã hồi sinh...

Cứu cây như cứu người

Ông Trần Bảo Phát trao đổi với mọi người để cây đa phát triển mạnh hơn.

Ông Trần Bảo Phát trao đổi với mọi người để cây đa phát triển mạnh hơn.

Chủ tịch Hội sinh vật cảnh tỉnh Quảng Ngãi Trần Bảo Phát, nở nụ cười hạnh phúc trò chuyện cùng các cụ già. Giọng nói của người lưu tuổi có chút lưu luyến cũ xưa của vùng đất, đâu đó là niềm vui khi giữ được "cụ đa" ở lại với mai sau. Ông Phát nói, thật hạnh phúc khi "cụ đa" hồi sinh. Tháng 9/2023 nhân kỷ niệm 2 năm chuyển "cụ đa" về núi Thiên Bút chăm sóc, một bàn cúng đơn sơ theo tập tục được những người chăm sóc bàn biện dưới gốc đa. Nghi thức cúng này không phải mê tín mà theo tập tục của làng. Cây có tuổi đời trăm năm, gắn chặt với bao biến cố của thời gian luôn có giá trị gắn kết cộng đồng. Tổ chức mâm cúng dưới gốc đa là nghi thức thường thấy ở các đình làng, đó như sự kế thừa niềm tin của lớp lớp người.

Ký ức cây đa ùa về qua những lời kể chắp nối. Điều ấy khiến công nhân Công ty CP Môi trường Đô thị Quảng Ngãi thấy tự hào khi trực tiếp chăm sóc cây ròng rã hơn 2 năm qua. Có thời điểm, mọi người đã rất lo lắng không cứu được "cụ đa". Anh Võ Văn Vũ, tổ trưởng tổ quản lý cây xanh TP.Quảng Ngãi ngày nào cũng đến thăm, chỉ đạo công nhân tưới nước cho cây, kể 4 tháng đầu tiên, dù tưới nước liên tục nhưng cụ đa có dấu hiệu không đâm chồi, da cây chết dần. Anh Vũ về báo cáo lãnh đạo công ty và hội ý với ông Phát.

“Sau khi chú Phát kiểm tra, chúng tôi nhận ra dù sáng và chiều đều tưới nước bằng xe bồn nhưng không đảm bảo độ ẩm, cây quá già gặp khô hanh nên chết dần. Thật sự chúng tôi trực tiếp chăm sóc rất áp lực, bởi ngày nào cũng có người dân đến thăm cây, và cứu "cụ đa" này là tâm huyết của cả tỉnh”, anh Vũ nói.

Một ngày giữa tháng 5, chúng tôi quay trở lại núi Thiên Bút, "cụ đa" xanh tốt hơn trước rất nhiều. Bất ngờ gặp lại anh Vũ đang chỉ đạo công nhân cắt tỉa cây lại tiếp tục kể câu chuyện đã cũ. Để cây xanh tốt như giờ, chẳng biết bao “cuộc hội chẩn” được thực hiện. Những ngày người chăm sóc như ngồi trên lửa, chuyên gia sinh vật cảnh bàn bạc, lấy cuốc đào đất dưới gốc, dùng xe nâng kiểm tra trên thân... Thấy "cụ đa" đang khô dần, những loại thuốc kích thích nảy mầm, dưỡng da, bung rễ được tiêm, xịt, thoa liên tục. “Nhờ vậy mà "cụ đa" dừng khô. Sau đó là phương án giữ ẩm, quyết không để công sức cả tỉnh bằng 0 được tính toán”, anh Vũ kể.

Xe siêu tải chuyển cây đa về núi Thiên Bút, phường Nghĩa Chánh.

Xe siêu tải chuyển cây đa về núi Thiên Bút, phường Nghĩa Chánh.

Công ty CP Môi trường Đô thị Quảng Ngãi quyết định lấy kinh phí đơn vị thuê đơn vị khoan giếng đảm bảo nguồn nước phủ cả ngày cụ đa. Khổ nỗi, vị trí khoan nằm trên núi Thiên Bút, phải khoan sâu hơn 100m với có nước. Tìm được mạch nước, rồi phải đặt máy bơm, nối điện, kéo đường ống phun tự động lên đọt cây. “Trừ buổi tối và những hôm trời mưa, còn lại máy bơm hoạt động cả ngày. Từ khi có nguồn nước ổn định, cụ đa hồi sinh mạnh mẽ, chồi đâm mọc rất nhiều”, anh Vũ nói.

Giám đốc Công ty CP Môi trường Đô thị Quảng Ngãi Bùi Văn Quang bảo rằng, từ lúc "cụ đa" được đưa về núi Thiên Bút, người dân khắp nơi vẫn thường xuyên tới lui. “Anh em trực tiếp chăm sóc bảo ngày nào cũng có người đến thăm cây làm chúng tôi áp lực lắm. Cây có mệnh hệ gì chẳng biết ăn nói sao với bà con”, ông Quang chia sẻ.

Giữ lại một biểu tượng của Quảng Ngãi

Hơn hai năm trước, khi cây đa ngã đổ, cuộc cứu cây được lan truyền khắp mạng xã hội. Hàng chục xe cẩu siêu trọng được đưa đến, những người giỏi nhất tỉnh về phục hồi cây tụ họp cắt rễ, thoa keo. Hàng chục đơn vị khác nhau vào cuộc. Ở Quảng Ngãi, đó là cuộc giải cứu cây lớn nhất cho đến tận bây giờ.

Hôm kỷ niệm 2 năm cứu cụ đa, UBND TP.Quảng Ngãi cử lãnh đạo đến thăm, cái nắm tay thân tình mà chính quyền thành phố dành cho ông Phát và lời cảm ơn dành cho những người công nhân môi trường thật sự ấm áp. "Lãnh đạo UBND TP.Quảng Ngãi bảo rằng, giữ được cụ đa là giữ lại biểu tượng xanh của Quảng Ngãi. Lời ấy, khiến chúng tôi cảm nhận cuộc giải cứu cụ đa Bà Bút như biểu tượng sống hài hòa của con người và thiên nhiên. Trân quý một mầm xanh, dẫu sao cũng níu giữ ít nhiều giá trị trong tâm hồn chúng ta", ông Bùi Văn Quang nói.

"Cụ đa" Bà Bút hiện đã bung cành, xanh mướt. Một biểu tượng xanh của Quảng Ngãi đang hồi sinh mạnh mẽ.

"Cụ đa" Bà Bút hiện đã bung cành, xanh mướt. Một biểu tượng xanh của Quảng Ngãi đang hồi sinh mạnh mẽ.

Bà Dương Thị Ngọc Anh (76 tuổi) lớn lên bên cây đa, lúc cây đa ngã đổ là ngay trước mặt nhà, tôi vẫn nhớ ánh mắt bà dõi theo lúc cây được chuyển đi. Bà Anh bảo thỉnh thoảng bà lại nhờ con cháu chở vào núi Thiên Bút thăm cụ. Nhìn cây xanh tốt bà Anh rất mừng. “Tôi không biết cụ bao nhiêu tuổi, nhưng lúc tôi còn bé xíu cụ đã to lớn như giờ rồi. Cụ về nhà mới, người làng buồn nhưng cũng mừng vì cụ về núi Thiên Bút biểu tượng thiêng liêng đối với người dân Quảng Ngãi bao đời”, bà Anh tâm tình.

Với những người trực tiếp cứu cây, những lời tâm tình của bà Anh, ông Phát... thật sự có ý nghĩa. Anh Nguyễn Đức Vương, công nhân môi trường tuần nào cũng lên đọt cây kiểm tra sức khỏe cây, nói vui rằng chăm sóc cụ đa, biên chế cứng của đơn vị là 6 người và 1 xe gầu. “Việc gì có thể trễ, riêng chăm cụ phải định kỳ kiểm tra. Anh em rất vui khi bà con ghé thăm mỗi ngày khen giỏi khi chăm sóc cụ khỏe trở lại. Nói chung, giờ "cụ đa" này là điểm đến rồi. Ít hôm núi Thiên Bút thành công viên thì du khách còn ghé đến chiêm ngưỡng cụ đa cả tỉnh cứu này đông hơn”, anh Vương nói.

Cây đang hồi sinh mạnh mẽ, nhưng mọi người vẫn không dám lơ là, ông Quang căn dặn công nhân công ty hết sức chú ý. Phải theo dõi liên tục, cây phát sinh vấn đề lập tức báo cáo, Công ty CP Môi trường Đô thị Quảng Ngãi luôn có “kinh phí cứng” để “bồi bổ” cho cụ mạnh khỏe hơn.

Ai cũng mong cây đa Bà Bút tỏa bóng trở lại như xưa và câu chuyện cứu cây sẽ còn lưu truyền qua lớp lớp thế hệ người dân Quảng Ngãi...

Bài, ảnh: TRẦN LÊ AN DU

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/phong-su-ky-su/202405/hoi-sinh-cay-da-tram-tuoi-9412fde/