Hội thảo đầu bờ chuyển giao kỹ thuật sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh trên cây ăn quả và cây lúa

Sáng 30/3, tại Nhà văn hóa thôn Đồi Ngô, Công ty cổ phần Sinh hóa Thiện Nông phối hợp với Hội Nông dân xã Gia Hòa (Gia Viễn) tổ chức Hội thảo đầu bờ chuyển giao kỹ thuật sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh trên cây ăn quả và cây lúa.

Các đại biểu dự hội thảo.

Các đại biểu dự hội thảo.

Dự hội thảo có đại diện chính quyền, đoàn thể và gần 80 hội viên nông dân, các hộ tham gia mô hình thực nghiệm sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh trên cây ăn quả và cây lúa trên địa bàn xã Gia Hòa.

Các đại biểu và nông dân được nghe báo cáo Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và kỹ thuật xử lý nguồn phế thải chăn nuôi làm nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh trên địa bàn tỉnh Ninh Bình”. Đây là dự án khoa học cấp tỉnh, thuộc chương trình nông nghiệp và phát triển nông thôn và được thực hiện trong 27 tháng (từ tháng 1/2023 đến tháng 4/2025).

Theo đó, công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ, hữu cơ vi sinh từ than bùn, nước thải, chất thải từ chuồng trại chăn nuôi là công nghệ có nhiều ưu việt, mang tính kế thừa từ các phương pháp sản xuất truyền thống kết hợp với những tiến bộ khoa học tiên tiến về vi sinh vật, cộng với hệ thống máy móc, thiết bị sản xuất hiện đại có thể sản xuất ra những sản phẩm phân bón hữu cơ vi sinh cả dạng bột và dạng viên, tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương giúp giảm ô nhiễm môi trường.

Hiện nay, ngành chăn nuôi khá phát triển, mỗi năm trên địa bàn tỉnh ước tính thải ra môi trường khoảng 2 triệu tấn chất thải các loại, nếu không được xử lý sẽ là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường. Đây chính là nguồn nguyên liệu tại chỗ để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh là phương án tối ưu giúp sử dụng hiệu quả nguồn chất thải, tạo ra sản phẩm phân bón hữu cơ chất lượng tốt phục vụ trồng trọt và bảo vệ môi trường sinh thái.

Kỹ thuật viên tham gia dự án cũng nêu rõ, phân hữu cơ vi sinh giúp cải tạo thành phần kết cấu đất, tăng độ phì nhiêu của đất, làm tăng hiệu quả sử dụng các loại phân bón khác và qua đó góp phần tăng năng suất cây trồng.

So với phân hóa học, phân hữu cơ vi sinh không gây ô nhiễm môi trường đất, nước. Không gây hiện tượng chai đất, hiện tượng tồn dư nitrit, nitrat trong cây trồng.

Cùng với việc nhận biết các loại phân bón hữu cơ vi sinh, các đại biểu dự hội thảo được truyền đạt kỹ thuật sử dụng phân bón cho cây ăn quả, cây lúa trên địa bàn xã Gia Hòa.

Kết quả dự án trên đã xây dựng được hệ thống, quy trình công nghệ sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ chất thải chăn nuôi (phân gà, phân lợn, than bùn...). Trên cơ sở quy trình công nghệ của đơn vị chuyển giao, dự án sẽ tiếp nhận, nhận chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để xây dựng mô hình sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ chất thải chăn nuôi, tạo ra sản phẩm chất lượng cao cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

Các đại biểu tham quan mô hình trồng ổi có sử dụng thực nghiệm phân bón hữu cơ vi sinh.

Các đại biểu tham quan mô hình trồng ổi có sử dụng thực nghiệm phân bón hữu cơ vi sinh.

Các đại biểu đã đi tham quan thực tế mô hình trồng 2.000 m2 ổi thực nghiệm sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh tại gia đình anh Lê Quân, xóm Đồi Ngô, xã Gia Hòa.

Tin, ảnh: Minh Đường

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/hoi-thao-dau-bo-chuyen-giao-ky-thuat-su-dung-phan-bon-huu-753702.htm