Hồi ức hào hùng của những người lính tên lửa phòng không
Từ trận đánh hạ máy bay F4 đến chiến công bắn rơi máy bay B52, Bộ đội Tên lửa phòng không đã viết nên bản hùng ca bất diệt, khẳng định vai trò nòng cốt trong bảo vệ bầu trời Tổ quốc suốt sáu thập kỷ.
Nhân kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống Bộ đội Tên lửa Phòng không (24/7/1965 – 24/7/2025), PV Báo Sức khỏe & Đời sống đã trò chuyện với các Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân tại buổi gặp mặt cựu chiến binh do Quân chủng Phòng không – Không quân tổ chức.
Tiết mục văn nghệ trong buổi buổi gặp mặt Anh hùng Lực lượng vũ trang, cựu chiến binh tên lửa phòng không.
Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Mạnh Hiến (82 tuổi), nguyên sĩ quan điều khiển đài tên lửa SAM-2, thuộc Tiểu đoàn 82, Trung đoàn Tên lửa 238, vẫn nhớ rõ trận đánh lịch sử bắn hạ chiếc B-52 đầu tiên.
"Trong 43 năm quân ngũ, kỷ niệm sâu sắc nhất là cùng đồng đội vào chiến trường B - Quảng Trị để nghiên cứu và trực tiếp đánh B-52", ông Hiến xúc động chia sẻ.
Năm 1966, khi máy bay B52 của Mỹ bắt đầu đánh phá khu vực nam Quân khu 4, Trung đoàn 238 của ông Hiến được chọn làm lực lượng tiên phong nghiên cứu cách đánh B-52. Hành trình hành quân từ tháng 6/1966 đến tháng 1/1967 đầy gian khổ do địch khống chế nhiều khu vực trọng điểm như ngã ba Đồng Lộc, sông Gianh.

Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Mạnh Hiến.
"Chiến trường vĩ tuyến 17 vô cùng ác liệt. Ban đầu, chúng tôi không phát hiện được B-52. Sau thời gian quan sát, phân tích, chúng tôi nắm được quy luật bay và cách đánh phá, phân biệt tín hiệu thật. Nhưng cái giá phải trả không nhỏ: mất gần một trung đoàn quân sự và hai trung đoàn khí tài. Đến cuối tháng 8/1967, Trung đoàn 238 chỉ còn một tiểu đoàn", ông Hiến kể.
Khoảng 17 giờ 30 phút chiều 17/9/1967, trận đánh đầu tiên hạ hai chiếc B-52 diễn ra trên bầu trời Quảng Trị trong hơn 3 phút. Sau đó, đơn vị tiếp tục bắn rơi thêm 4 chiếc B-52.
"Từ thực tiễn đó, chúng tôi tích lũy kinh nghiệm, góp phần xây dựng cuốn sách Cách đánh B-52, tài liệu quan trọng phục vụ Chiến dịch 12 ngày đêm - trận Điện Biên Phủ trên không năm 1972", ông Hiến tự hào kể.
Ông Nguyễn Văn Ninh, cựu chiến binh Tiểu đoàn 44, Trung đoàn 263, kể về hành trình từ huấn luyện đến chiến đấu. "Trung đoàn chúng tôi được huấn luyện tại rừng Yên Thế, Thái Nguyên bởi chuyên gia Liên Xô. Sau 6-7 tháng học, chúng tôi ra quân, bảo vệ phía Nam Hà Nội, bắn rơi nhiều loại máy bay Mỹ như F-105, F-4 và máy bay không người lái", ông Ninh chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Ninh, cựu chiến binh Tiểu đoàn 44, Trung đoàn 263.
Ông Ninh từng là trắc thủ điều khiển tên lửa tâm sự: "Trong cabin điều khiển, ba trắc thủ phụ trách ba tọa độ: độ cao, phương vị và cự ly. Khi tên lửa phóng lên, chúng tôi điều khiển cánh sóng radar để đưa tên lửa vào đúng mục tiêu. Đánh B-52 khó vì bị nhiễu điện tử, nhưng chúng tôi đã học tốt kỹ thuật từ Liên Xô và áp dụng chiến thuật Việt Nam, bắn rơi B-52 tại Nghệ An ngày 22/11/1972, được Mỹ công nhận".
Sau Hiệp định Paris 1973, Trung đoàn 263 vào Quảng Trị, bảo vệ tuyến đường vận chuyển khí tài. Đến tháng 4/1975, đơn vị tham gia chiến dịch tổng tiến công tại Sài Gòn. "Ngày 30-4, chúng tôi triển khai trận địa ở Sài Gòn, bảo vệ vùng trời. Trung đoàn được phong danh hiệu Anh hùng, là trung đoàn tên lửa đầu tiên của Quân giải phóng miền Nam tham gia lễ duyệt binh", ông tự hào.

Những cựu chiến binh tên lửa phòng không ôn lại kỷ niệm trong buổi gặp mặt.
Ông Lê Duy Túy, cựu chiến binh Tiểu đoàn 94, Trung đoàn 261, Sư đoàn 361 phòng không, vẫn nhớ như in những thời khắc hào hùng trong cuộc kháng chiến bảo vệ bầu trời Tổ quốc.
"Năm 1967, chúng tôi làm nhiệm vụ tại Sầm Sơn, Thanh Hóa. Trận đầu tiên, trận địa đối mặt với hàng trăm lượt máy bay địch và cả pháo kích từ hướng biển. Cả bờ rừng phi lao bị tàn phá, nhưng tinh thần chiến đấu của bộ đội không hề nao núng", ông Túy kể lại đầy tự hào. Sau trận chiến cam go, đơn vị tạm thời rút lui để bảo dưỡng khí tài, sẵn sàng cho những trận đánh tiếp theo.

Ông Lê Duy Túy, cựu chiến binh Tiểu đoàn 94, Trung đoàn 261, Sư đoàn 361 phòng không.
Nhắc đến trận đánh tại Đà Sơn, Đô Lương, Nghệ An năm 1966, ông Túy bồi hồi: "Dù phải đối mặt với địch đông, hỏa lực mạnh, anh em vẫn chiến đấu kiên cường đến cùng. Những mất mát không làm chúng tôi gục ngã, mà càng thêm quyết tâm bảo vệ từng tấc đất quê hương".
Không chỉ là người lính dũng cảm trên chiến trường, ông Túy còn từng theo học tại Liên Xô, sau đó về nước và tiếp tục công tác trong lực lượng tên lửa. "Tôi thuộc Trung đoàn 278, sau này sáp nhập thành Trung đoàn 261 vào năm 1969. Truyền thống của bộ đội tên lửa là sự kiên cường, chính xác và quyết đoán. Đó là điều mà tôi luôn mong thế hệ trẻ hôm nay sẽ kế thừa và phát huy".
Trải qua 60 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và phát triển, Bộ đội Tên lửa Phòng không đã không ngừng phát triển từ không đến có, từ nhỏ đến lớn, trở thành một binh chủng hiện đại, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, chiến đấu anh dũng, càng đánh càng thắng, càng đánh càng mạnh, càng trưởng thành và phát triển, góp phần cùng các lực lượng Không quân, Cao xạ, Ra đa và các lực lượng phòng không 3 thứ quân tạo nên một thế trận đất đối không ngày càng vững chắc và hoàn chỉnh trong cả nước.

Những cựu chiến binh tên lửa phòng không dự buổi gặp mặt.
Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, đơn vị tên lửa nào cũng đánh giỏi, bắn trúng, tiêu diệt được nhiều máy bay địch. Lớp cán bộ nào cũng dũng cảm, kiên cường, mưu trí sáng tạo, thắng địch cả trong những tình huống ngặt nghèo nhất. Trong hòa bình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, các đơn vị luôn phấn đấu theo tiêu chuẩn đơn vị vững mạnh toàn diện, huấn luyện giỏi, sẵn sàng chiến đấu cao, quản lý và sử dụng có hiệu quả các loại vũ khí, trang bị khí tài, xứng đáng với truyền thống vẻ vang của Bộ đội Tên lửa Phòng không Việt Nam anh hùng.