Hồi ức những ngày đầu tiếp quản Dinh Độc Lập

Những ngày tháng 4 lịch sử này, nếu có dịp đến Thành phố Hồ Chí Minh, hầu như ai cũng đến thăm Dinh Độc Lập (nay là Dinh Thống Nhất). Nơi đây đã đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của chính quyền Sài Gòn 50 năm trước, nơi ghi nhận chiến công sáng chói của những người lính Bộ đội Cụ Hồ.

Dinh Độc Lập ngày nay là điểm du lịch đón tiếp nhiều du khách đến tham quan.

Dinh Độc Lập ngày nay là điểm du lịch đón tiếp nhiều du khách đến tham quan.

Nhà báo Cộng hòa Liên bang Đức Borries Gallasch, là người đã chứng kiến và ghi lại cảnh 2 chiếc xe tăng T54 mang số hiệu 843 và 390 của Đại đội 4, Lữ đoàn xe tăng 203 tiến vào Dinh Độc Lập. Sau này những thước phim, tấm ảnh của nhà báo Borries Gallasch trở thành những bảo vật vô giá của ngành điện ảnh khi gia đình theo lời dặn của ông, đã gửi tặng nhân dân Việt Nam.

Trong những tác phẩm ông trao tặng Việt Nam có ba tấm ảnh đặc biệt được chụp ngay thời khắc trưa 30/4/1975. Đó là ảnh Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Dương Văn Minh đọc bản tuyên bố đầu hàng vô điều kiện tại Đài Phát thanh Sài Gòn - nay là Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh; tấm ảnh toàn bộ nội các Sài Gòn đầu hàng hiện đang lưu giữ tại Dinh Độc Lập; ảnh ông cùng Trung tá, Chính ủy Bùi Văn Tùng, người dự thảo lệnh đầu hàng cho Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Dương Văn Minh.

Theo những nhân chứng tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong ba nhà báo nước ngoài có mặt trong thời điểm sáng 30/4/1975, thì nhà báo Cộng hòa Liên bang Đức Borries Gallasch là người rất có thiện cảm với các lực lượng cách mạng đang tiến như vũ bão vào Sài Gòn mà đích đến đầu tiên là Dinh Độc Lập. Chính ông đã dùng máy ghi âm của mình (chiếc duy nhất lúc đó tại buổi phát lệnh đầu hàng) ghi lại lời đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh đọc và phát tại Đài Phát thanh Sài Gòn trưa 30/4/1975.

Thời điểm lịch sử đó, nhiều nhà báo của Đài Phát thanh Giải phóng, Thông tấn xã Giải phóng... đã có cơ duyên được đi cùng các đoàn quân ta tiến vào Sài Gòn như: nhà báo Hồ Vĩnh Thuận, người được Trung ương Cục miền Nam cử vào tiếp quản Đài Truyền hình Sài Gòn từ trưa 30/4/1975; nhà báo Thanh Nho, Lê Minh Hiền, Nguyễn Văn Điểm, cùng phóng viên quay phim Kha Khâm... Tất cả các anh đã vượt hàng trăm cây số đường rừng, tham gia cùng đoàn quân giải phóng hành quân qua nhiều chiến trường, cùng tiến vào Dinh Độc Lập. Chính trong những thời khắc lịch sử, các nhà báo đã dùng những chiếc máy ảnh, máy quay từ trong chiến khu, để chụp, quay những hình ảnh, thước phim quý giá cung cấp cho báo chí trong nước và khắp thế giới biết về chiến thắng vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

Những bức ảnh, thước phim quý giá đó, đã trực tiếp phục vụ cho buổi phát hình đầu tiên của Sài Gòn vừa giải phóng. Đó là chương trình truyền hình 19 giờ ngày 1/5/1975 - do các nhà báo của ta từ chiến khu phối hợp với các nhà báo, kỹ thuật viên của Đài truyền hình Sài Gòn (cũ) cùng xây dựng một chương trình đầu tiên mang tiếng nói của chính quyền cách mạng...

Thượng tá Hoàng Cao Đại, nay ở Hội Cựu chiến binh Quận 4 - Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam được giao tiếp quản, đóng chốt và canh giữ Dinh Độc Lập trong những ngày đầu Sài Gòn được giải phóng. Giờ gặp lại, ông vẫn còn nhớ như in về những ngày đầu đơn vị được Tư lệnh Quân đoàn 4 giao cho trọng trách tại Dinh Độc Lập.

Chiều 30/4/1975, Trung tá Nguyễn Ngọc Doanh, Chính ủy Trung đoàn 141 (sau là Thiếu tướng, Phó Tư lệnh Quân đoàn 4) gọi anh Hoàng Cao Đại đến giao nhiệm vụ quan trọng: Được Tư lệnh Quân đoàn ủy nhiệm, tôi giao nhiệm vụ cho đồng chí làm sĩ quan liên lạc giữa lãnh đạo Quân đoàn 4 với Nội các chế độ Sài Gòn cũ. Đồng chí có trách nhiệm nghe và truyền đạt những ý kiến của các thành viên Nội các Sài Gòn với lãnh đạo Quân đoàn...

21 giờ 30 phút ngày 30/4, sau khi bàn giao xong nhiệm vụ, kiểm tra các cổng của Dinh Độc Lập an toàn, chiến sĩ Hoàng Cao Đại trở thành sĩ quan liên lạc chính thức của Tư lệnh Quân đoàn 4 với các thành viên Nội các Sài Gòn đã đầu hàng đang còn ở lại trong Dinh, được các chiến sĩ ta bảo vệ an toàn tuyệt đối.

Ngày đầu tiên thành phố giải phóng, trong khuôn viên Dinh Độc Lập, ngoài Tổng thống Dương Văn Minh còn có khá nhiều quan chức của chế độ ngụy quyền Sài Gòn và cả một chiến sĩ tình báo đặc biệt của ngành tình báo quân đội ta, lúc đó đang là Cố vấn đặc biệt cho Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn-Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ- người mà các anh ở Đại đội 7 vào tiếp quản Dinh lúc đó vẫn chưa thể biết là ai. Ở đây, họ cùng với tất cả gia đình và nhân viên phục vụ tổng cộng khoảng 35 người, được ta tiếp tế thức ăn, quần áo, các vật dụng khác đều đầy đủ, nên họ rất yên tâm, và luôn cảm ơn Bộ đội giải phóng. Còn bộ đội ta tiếp quản trong Dinh, dù trong kho dự trữ của Dinh có đủ các loại thực phẩm ướp lạnh, các loại đồ hộp cao cấp, song anh em bộ đội vẫn quen với nếp nhà binh, mang gạo vào tự nấu ăn với cá khô, rau hoặc thịt hộp mang theo xe hành quân.

Đó là những kỷ niệm không bao giờ quên của những người lính đầu tiên vào tiếp quản Dinh Độc Lập giải phóng miền nam, thống nhất Tổ quốc. Đã 50 năm trôi qua, những người lính năm xưa, nay về với cuộc sống đời thường, họ khiêm tốn nhận mình là những người lính “may mắn” còn khỏe mạnh, còn tham gia nhiều việc ý nghĩa đóng góp cho địa phương, gia đình, hay tại các đơn vị mà các anh công tác. 50 năm, những gì đọng lại trong lòng các anh là tưởng nhớ đồng đội, nhớ những người lính cùng chung chiến hào, nay ai còn, ai mất, ai được nguyên vẹn trở về. Các anh cũng mãi nhớ một lời thề mà đồng đội trước khi tiến về Sài Gòn còn nhắc: “Mai ngày kháng chiến thành công, ai sống, ai còn hãy tìm về với nhau”.

BÁ NHIỄU - ANH TUẤN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/hoi-uc-nhung-ngay-dau-tiep-quan-dinh-doc-lap-post869979.html