Hơn 2 năm đếm ngược, Hà Nội sẽ làm gì để bỏ túi ni lon?
Từ ngày 1/1/2028, các chợ và cửa hàng tiện lợi ở Hà Nội sẽ chấm dứt việc lưu hành, sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lon và hộp xốp. Chính sách đã ban hành, mốc thời gian đã rõ.
Nhưng đằng sau câu chuyện môi trường là một bài toán lớn về chi phí, hành vi và công bằng xã hội. Việc thực thi liệu có đi đúng quỹ đạo? Các sản phẩm thay thế liệu có sẵn sàng, phù hợp túi tiền của người dân?

Túi ni lon đã len lỏi vào đời sống hàng chục năm nay như một thói quen tiện lợi, nhưng cũng là hình ảnh của hành vi tiêu dùng lười biếng (Ảnh minh họa: Gemini AI)
Vốn yêu thích các vật liệu thân thiện môi trường, anh Hoàng Lý Hùng, chủ một chuỗi homestay ở Hà Nội, rất ủng hộ lộ trình cấm túi ni lon và nhựa dùng một lần của Thành phố. Tuy nhiên, với đặc thù của dịch vụ lưu trú, các căn homestay của anh đang sử dụng nhiều sản phẩm như: bàn chải, lược nhựa hay tăm bông,…
"Nguồn cung của chúng đang rất rẻ. Bây giờ nếu có chính sách mới như thế thì bên em sẽ tìm những sản phẩm từ vật liệu khác. Chắc chắn sẽ có một vài khó khăn giai đoạn đầu. Em rất mong được hỗ trợ kết nối với những bên cung ứng có giá thành tốt. Còn về việc giám sát, em cũng rất sợ nếu bên em tuân thủ đúng, bên khác lại không thực hiện theo, thì thành ra bên em sẽ bị so sánh và khách sẽ không tin bên em"- anh Hùng nói.
Theo Nghị quyết 22 năm 2025 của HĐND TP. Hà Nội, lộ trình tăng cường kiểm soát rác thải nhựa đã được chỉ ra cụ thể. Từ năm 2026, cấm các sản phẩm nhựa một lần gồm bàn chải đánh răng, gói nhỏ đựng sữa tắm, dầu gội… tại khách sạn, khu du lịch.

Túi ni lon và đồ nhựa dùng một lần xuất hiện phổ biến không phải vì người dân không biết tác hại, mà là vì họ chưa có lựa chọn nào khác dễ dàng hơn và rẻ tương đương (Ảnh: Minh Hiếu/VOVGT)
Từ năm 2027, cấm túi ni lon cấp miễn phí tại chợ, cửa hàng tiện lợi. Từ năm 2028, cấm nhựa một lần và bao bì nhựa khó phân hủy tại cơ quan nhà nước. Và từ năm 2031, cấm xuất, nhập khẩu các sản phẩm nhựa một lần, bao bì nhựa khó phân hủy trên toàn thành phố.
Bên cạnh đó, từ tháng 10/2025, Hà Nội được yêu cầu thí điểm không dùng nhựa một lần tại cửa hàng đồ uống, quán ăn trong Vành đai 1 theo Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ.
Cũng ủng hộ chủ trương cấm túi ni lon, nhưng PGS. TS. Lưu Đức Hải, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho rằng, cần đánh giá tác động xã hội và chuẩn bị tốt các biện pháp triển khai trước khi ban hành chính sách, tránh lặp lại khó khăn như đã từng với việc phân loại rác tại nguồn: "Trước hết, cần khẳng định thế nào là ni lon sử dụng một lần, vì không phải người dân nào cũng biết. Thứ hai, về việc giảm tiêu thụ túi ni lon và tăng cường tiêu thụ túi tự phân hủy, điều quan trọng nhất là chi phí.
Đánh thuế cao ngay từ khi nhập về hoặc từ nhà máy sản xuất, người bán hàng sẽ tiếc tiền và không cho dùng thoải mái nữa. Đối với túi tự phân hủy, chúng ta khuyến khích sản xuất bằng cách cho vay vốn, tạo điều kiện kinh doanh, giảm thuế.
Khi đó, túi tự phân hủy có thể giảm giá thành, người tiêu dùng thông minh sẽ chọn phương án rẻ nhất. Đó là công cụ kinh tế kết hợp tuyên truyền".
Như VOV Giao thông từng đề cập, việc đưa các loại túi hữu cơ, thân thiện môi trường vào cuộc sống là một hành trình dài, nhất là khi giá cả có sự chênh lệch lớn, có những loại cao gấp năm ba lần túi ni lon thông thường. Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong, việc hạn chế và dần tiến tới cấm triệt sản phẩm nhựa khó phân hủy có thể làm được nếu chuẩn bị kỹ càng: "Nó có thể gây khó khăn ban đầu cho các doanh nghiệp trong quá trình đóng gói, lưu thông, phân phối hàng hóa. Đồng thời, cũng có thể khiến người dân cảm thấy bất tiện. Tuy nhiên, nếu chúng ta làm tốt những hoạt động bổ trợ thì chắc chắn tác động tích cực sẽ ngày càng tăng.
Ban đầu cần có sự hỗ trợ nhất định từ quỹ môi trường hoặc quỹ Chính phủ hỗ trợ phát triển sản xuất các vật liệu thay thế. Đồng thời, chúng ta tăng thuế đánh vào những sản phẩm bao bì bằng nhựa, để lấy một phần kinh phí hỗ trợ cho những hoạt động sản xuất bao bì phi nhựa".
Góp ý thêm vào lộ trình thực hiện để tránh gián đoạn hoạt động kinh doanh, TS. Lê Ngọc Thuấn cho rằng, các giải pháp cần được thực hiện đồng bộ và linh hoạt, phù hợp thực tế: "Đầu tiên tôi nghĩ là phải có sự truyền thông, đa dạng trên TV, mạng xã hội, trường học, các khu vực chợ dân sinh. Thứ hai là hỗ trợ cho các sản phẩm thay thế. Ngay cả lộ trình, các khu vực, chúng ta có thể mở rộng hoặc thu hẹp quy mô tùy theo mức độ đáp ứng của người dân, doanh nghiệp.
Những giải pháp khác như tạo ra chuỗi kinh tế tuần hoàn. Chúng ta phải hoàn thiện dần chuỗi từ thu gom, phân loại, tái chế nhựa để tiết kiệm tài nguyên và người dân cần nhìn thấy hiệu quả của việc thu hồi các sản phẩm nhựa, thay thế bằng các sản phẩm thân thiện môi trường".
Cũng theo TS. Lê Ngọc Thuấn, để các quy định kiểm soát nhựa khó phân hủy thực sự đi vào cuộc sống, cần cơ chế giám sát và kiểm tra chặt chẽ, khả thi, với sự tham gia của Sở NN&MT, UBND xã, phường, các tổ chức chính trị, xã hội thuộc MTTQ Việt Nam cấp cơ sở và các hiệp hội kinh doanh.
Phải có sự minh bạch trong thực hiện, phân cấp rõ ràng với chỉ tiêu cụ thể. Nơi làm tốt sẽ được biểu dương, nơi chưa tốt cần xử lý; báo cáo thường xuyên để điều chỉnh và ứng dụng công nghệ giám sát.

Hà Nội và các bộ, ngành liên quan có thể xem xét thiết kế một gói hỗ trợ riêng cho doanh nghiệp sản xuất túi giấy, túi sinh học,… đồng thời tạo ''cầu nối'' giữa nhà sản xuất với kênh phân phối (Ảnh minh họa: Gemini AI)
Túi ni lon, “nhẹ như gió, rẻ như bèo”, đã len lỏi vào đời sống hàng chục năm nay như một thói quen tiện lợi, nhưng cũng là hình ảnh của hành vi tiêu dùng lười biếng. Trước gánh nặng môi trường đang tích tụ từng ngày, Hà Nội đã quyết tâm từ bỏ sản phẩm nhựa dùng một lần.
Hơn 2 năm là khoảng thời gian ngắn cho một thay đổi lớn, nhưng lộ trình này hoàn toàn khả thi nếu có sự chuẩn bị đúng hướng và sự chung tay của toàn xã hội.