Rào cản tài chính, khoảng trống thể chế cản trở chuyển dịch năng lượng
Các doanh nghiệp phản ánh, việc huy động nguồn lực cho chuyển dịch năng lượng vẫn còn gặp khoảng trống thể chế và rào cản tài chính. Trong khi đó, chuyên gia kiến nghị, việc chuyển dịch năng lượng không thể chỉ trông đợi vào chính sách ngành, mà đòi hỏi một cuộc tái cấu trúc toàn diện về thể chế tài chính năng lượng.
Nhiều điểm nghẽn chuyển dịch năng lượng
Ngày 28/7, Hội Dầu khí Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp – Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) tổ chức Diễn đàn Dầu khí và Năng lượng thường niên 2025 với chủ đề: Chuyển dịch năng lượng: Tầm nhìn và Hành động”.
Tại diễn đàn, TS Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam cho biết, Diễn đàn “Chuyển dịch năng lượng: Tầm nhìn và Hành động” nhằm thúc đẩy hình thành hệ sinh thái năng lượng an toàn, hội nhập, tạo điều kiện để doanh nghiệp – đặc biệt là Petrovietnam – phát triển bền vững. Hội Dầu khí Việt Nam đã nhận diện, phân tích sâu những thách thức trong huy động nguồn lực cho chuyển dịch năng lượng, đặc biệt là khoảng trống thể chế và rào cản tài chính. Ba điểm nghẽn chính gồm: cơ chế giá điện chưa phản ánh đúng rủi ro và chi phí đầu tư; hợp đồng mua bán điện (PPA) thiếu cam kết bao tiêu, bảo lãnh ngoại tệ; và thiếu khung pháp lý cho tài chính xanh, thị trường carbon.
PGS.TS Ngô Trí Long cho biết, việc thiếu vắng một thể chế tài chính xanh hiệu quả đang cản trở tiến trình chuyển dịch năng lượng. Điều này thể hiện qua việc: chậm triển khai dự án trọng điểm, đặc biệt lĩnh vực điện gió ngoài khơi, thủy điện tích năng và hạ tầng truyền tải điện liên vùng. Chi phí vốn cao đối với doanh nghiệp năng lượng tư nhân, khiến họ không thể cạnh tranh sòng phẳng với nhà đầu tư có vốn rẻ từ quốc tế. Khó đạt cam kết Net Zero, dẫn đến rủi ro “biến đổi khí hậu kép” (vừa chịu thiệt hại do thời tiết cực đoan, vừa bị rào cản thương mại xanh từ các thị trường xuất khẩu lớn như EU, Mỹ, Nhật).

Toàn cảnh Diễn đàn Dầu khí và Năng lượng thường niên 2025 với chủ đề: Chuyển dịch năng lượng: Tầm nhìn và Hành động”.
“Chuyển dịch năng lượng không thể chỉ là cuộc cách mạng kỹ thuật - công nghệ trong ngành điện, mà thực chất là một cuộc cải cách thể chế tài chính sâu rộng, vượt ra ngoài khuôn khổ các chính sách ngành đơn lẻ. Đây là tiến trình đòi hỏi sự thay đổi toàn diện trong cách thức huy động, phân bổ và quản trị nguồn vốn - trong đó thể chế tài chính năng lượng đóng vai trò nền tảng. Chuyển dịch năng lượng không thể chỉ trông đợi vào chính sách ngành, mà đòi hỏi một cuộc tái cấu trúc toàn diện về thể chế tài chính năng lượng. Trong đó, Petrovietnam không chỉ là nhà tiên phong công nghệ, mà phải trở thành định chế tài chính chiến lược, giữ vai trò thiết kế, dẫn dắt và bảo đảm dòng vốn xanh cho tương lai”, ông Long đề xuất.
Theo TS Nguyễn Hữu Lương - Viện Dầu khí Việt Nam, để vượt qua thách thức chuyển dịch năng lượng, Petrovietnam cần thiết lập lộ trình kết hợp các nhóm giải pháp. Tiêu biểu: nhóm giải pháp góp phần giảm thiểu phát thải carbon từ các hoạt động dầu khí nhằm hướng đến mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; Nhóm giải pháp phát triển mở rộng chuỗi giá trị hoạt động phù hợp với xu hướng chuyển dịch năng lượng và bảo đảm phát triển bền vững; Nhóm giải pháp “chuyển dịch công bằng” nhằm bảo đảm quyền lợi của người lao động.
“Để hiện thực hóa các mục tiêu và kế hoạch trên, việc huy động tổng lực trong và ngoài Petrovietnam là cần thiết. Petrovietnam cần đưa các mục tiêu này vào chiến lược và có kế hoạch triển khai, theo dõi và cập nhật định kỳ tình hình thực hiện”, TS Lương cho biết.
Cần sớm có khung pháp lý công nghệ mới
Từ góc độ chính sách, doanh nghiệp kiến nghị luật hóa tài chính xanh, chuẩn hóa định mức đầu tư cho công nghệ mới. Đại diện Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) cho biết, chuyển dịch năng lượng và cân bằng phát thải carbon là định hướng chiến lược trọng tâm. Đến nay, BSR bổ sung công nghệ sản xuất 6 sản phẩm xanh (như SAF phối trộn, S-MFO, xăng E10, nhựa PP phân hủy sinh học...); từng bước xây dựng mô hình nhà máy thông minh thông qua ứng dụng AI và dữ liệu lớn. Theo kế hoạch dự kiến, giai đoạn 2025-2026, BSR hoàn thành nghiên cứu công nghệ nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) từ vi tảo, biodiesel từ nguồn sản phẩm/phụ phẩm/phế phẩm nông nghiệp hoặc công nghiệp thực phẩm trong nước, đồng chế biến nguyên liệu từ nguồn tái tạo hoặc tái chế, Công nghệ thu giữ, sử dụng và lưu trữ carbon (CCUS) và tái chế nhựa để “xanh hóa” toàn bộ chuỗi sản phẩm và hình thành chuỗi giá trị carbon thấp.
“Chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn 2050 của BSR đặt mục tiêu tăng tỷ trọng hóa dầu lên ≥20%, mở rộng sản phẩm xanh, phát triển năng lượng tái tạo và hoàn thiện hệ sinh thái số toàn diện. BSR cũng xây dựng 4 kịch bản giảm phát thải đến 2050, trong đó kịch bản cơ sở đạt 91,6% với tổng mức đầu tư khoảng 1,8 tỷ USD. BSR kiến nghị Petrovietnam, các bộ, ngành hoàn thiện khung pháp lý cho CCUS, tín chỉ carbon, SAF và tăng cường ưu đãi tài chính cho chuyển dịch năng lượng”, BSR kiến nghị.
Đại diện Tổng Cty thăm dò và Khai thác Dầu khí (PVEP) kiến nghị bộ ngành sớm ban hành quy định về hạn mức phát thải cho từng lĩnh vực và cơ sở sản xuất. Điều này nhằm tạo điều kiện cho cơ sở phát thải sớm xác định, điều chỉnh mục tiêu giảm phát thải phù hợp với quy mô sản xuất, điều kiện sản xuất kinh doanh của từng cơ sở. Xem xét yêu cầu đối với các hợp đồng dầu khí mới hoặc gia hạn, cần bổ sung các điều khoản liên quan đến việc đầu tư, xây dựng các hệ thống giảm phát thải trên các công trình dầu khí.
Tổng Cty phân bón và hóa chất dầu khí (PVFCCO) cho biết, xu hướng chuyển dịch năng lượng tác động lớn đến sản xuất kinh doanh của công ty, nhất là việc giá khí tăng và thuế CO2 áp dụng từ năm 2028 làm tăng chi phí sản xuất đạm. PVFCO kiến nghị Petrovietnam tiếp tục hỗ trợ đảm bảo nguồn khí, giá khí hợp lý. Đồng thời, tập đoàn có chính sách khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo và hỗ trợ tài chính cho dự án liên quan.