Hơn 800 ca mắc cúm tại Hà Nội trong tháng đầu năm
Trong tháng 1, toàn thành phố Hà Nội ghi nhận 820 ca mắc cúm, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2024.
![Bệnh nhân cúm A tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Thạch Thảo.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_119_51450047/18c86c665928b076e939.jpg)
Bệnh nhân cúm A tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Thạch Thảo.
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tháng 1, toàn thành phố ghi nhận 820 trường hợp mắc cúm, tăng 51 trường hợp so với cùng kỳ năm 2024. Cộng dồn năm 2024 đến nay, tổng số ca mắc cúm là 7.133 trường hợp, không ghi nhận trường hợp tử vong.
Bệnh nhân cúm ghi nhận quanh năm tại 30/30 quận huyện thị xã, trong đó có xu hướng gia tăng từ tháng 12 đến tháng 5.
Về dịch sởi, trong tuần qua (từ 31/1 đến 7-2), toàn thành phố ghi nhận 114 trường hợp mắc sởi, tăng 60 trường hợp so với tuần trước. Cộng dồn năm 2025 đến nay, Hà Nội ghi nhận 327 trường hợp mắc sởi tại 29/30 quận, huyện (trừ huyện Phúc Thọ), không có ca tử vong.
Cơ quan này nhận định số ca mắc sởi vẫn ở mức cao, chủ yếu ở người chưa tiêm chủng vaccine hoặc chưa được tiêm đầy đủ. Dự báo, số bệnh nhân mắc sởi sẽ tiếp tục gia tăng nhanh trong những tuần tiếp theo do nhu cầu đi lại, giao lưu tiếp xúc trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng ghi nhận 13 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 10 người mắc tay chân miệng.
Theo CDC Hà Nội, cơ quan này sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường giám sát phát hiện bệnh nhân tại cơ sở y tế được phân cấp và tại cộng đồng, để kịp thời điều tra, xử lý ca bệnh, ổ dịch, không để dịch lây lan rộng.
Tổ chức hoạt động giám sát sốt phát ban nghi sởi, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm 100% các trường hợp nghi ngờ mắc, tổ chức khoanh vùng, xử lý triệt để khu vực có bệnh nhân, ổ dịch theo quy định.
Đồng thời, thường xuyên phối hợp giữa ngành y tế và giáo dục trong công tác giám sát, phòng chống, xử lý các ca bệnh, ổ dịch bệnh sởi, tay chân miệng, thủy đậu... trong trường học. Tăng cường công tác giám sát tại các lễ hội xuân trên địa bàn thành phố...
Phân tích nguyên nhân khiến số ca mắc cúm mùa gia tăng trong năm nay, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP.HCM, cho biết mỗi năm, cúm mùa đều quay trở lại theo chu kỳ và năm nay cũng không ngoại lệ. Năm nay không có gì lạ hay đột biến về chủng virus cúm, vẫn là những tác nhân quen thuộc như cúm A và cúm B.
"Tuy nhiên, điểm khác biệt năm nay là thời tiết lạnh hơn, độ ẩm cao hơn, tạo điều kiện cho virus tồn tại lâu hơn ngoài môi trường. Điều này khiến số ca mắc tăng lên. Đặc biệt ở những người có hệ miễn dịch yếu như trẻ nhỏ, người cao tuổi và người có bệnh nền", bác sĩ Khanh phân tích.
Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Thủy, Phó trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Hữu nghị, Hà Nội, cũng cho hay tại cơ sở y tế này chủ yếu bệnh nhân là người cao tuổi. Thời tiết thay đổi, ảnh hưởng đến đường hô hấp, do đó nhiều bệnh nhân mắc bệnh dẫn đến biến chứng viêm phổi.
Những bệnh nhân đã tiêm phòng cúm, nếu mắc bệnh, thường có triệu chứng nhẹ và hồi phục nhanh, ít gặp biến chứng nặng.
Cúm A dễ lây nhiễm, nhưng cũng không quá lo lắng, khi có triệu chứng hãy đến bệnh viện thăm khám để nhận tư vấn từ bác sĩ chuyên môn chứ không nên tự ý chữa và không chờ đến khi bệnh trở nặng mới đến bệnh viện.
Theo CDC Hà Nội, tiêm vaccine cúm là một biện pháp chủ động để phòng bệnh. Tuy nhiên, virus cúm thường hay thay đổi kháng nguyên, do vậy chúng ta cần đi tiêm vaccine phòng cúm mỗi năm 1 lần. Đặc biệt, đối với phụ nữ mang thai, nếu mắc cúm có thể gây dị dạng thai nhi, thai chết lưu hoặc đẻ non, đặc biệt là mắc bệnh trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Vì vậy, tiêm phòng cho phụ nữ trước khi mang thai là một biện pháp phòng bệnh chủ động và hiệu quả.
Để chủ động phòng chống cúm mùa, ngành y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các nội dung sau:
- Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải/khăn tay/khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.
- Đeo khẩu trang tại nơi tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi). Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.
- Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.
- Tiêm vaccine cúm mùa phòng bệnh.
- Thực hiện lối sống lành mạnh; ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng để ngăn ngừa nhiễm virus cúm; tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.
- Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.