Hong Kong việc thừa, lương cao nhưng thiếu nhân tài
Nhiều công ty công nghệ ở Hong Kong (Trung Quốc) rơi vào khủng hoảng do thiếu nhân sự khi người nước ngoài rời đi và làn sóng di cư tăng mạnh trong thời gian gần đây.
Kenny Chien Kwok-keung không giấu nổi sự bực bội khi nói về việc tuyển nhân sự cho công ty Cherrypicks trong thời gian gần đây. Ông cho biết công ty đã đăng tuyển 5 người cho vị trí phân tích hệ thống từ đầu năm 2022, nhưng hiện mới chỉ tuyển được 2 người.
Công ty của ông đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực trong những năm gần đây. Nhưng mọi việc trở nên nghiêm trọng vào năm 2022. Tình trạng "săn trộm" nhân viên cũng bắt đầu diễn ra trong thời gian này.
"Có lúc, các ứng viên không đến phỏng vấn vì họ nhận được lời mời làm việc ở công ty khác", Kenny Chien Kwok-keung nói với SCMP.
Chảy máu chất xám
Công ty của Kenny Chien Kwok-keung hiện có khoảng 120 người ở Hong Kong và hơn 80 người ở Trung Quốc đại lục. Việc thiếu hụt nhân sự đã ảnh hưởng các kế hoạch, buộc ông phải giảm tốc độ mở rộng công ty và phải từ chối các dự án.
Không riêng Kenny Chien Kwok-keung, nhiều lãnh đạo ngành Đổi mới và Công nghệ (I&T) cũng phàn nàn rằng Hong Kong không có đủ nhân lực lành nghề. Tình trạng chảy máu chất xám cũng khiến mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn.
Những quy định nghiêm ngặt về Covid-19 cũng khiến một số người nước ngoài rời đi và ngăn cản những người mới đến. Làn sóng di cư khiến những người lành nghề nghỉ việc ở Hong Kong, sinh viên mới ra trường cũng chỉ tìm đến những nơi làm việc tốt nhất.
Các công ty nước ngoài cũng rời khỏi Hong Kong. Chỉ trong một năm (từ năm 2020-2021), số công ty Mỹ có trụ ở Hong Kong giảm từ 282 xuống còn 254.
"Tác động của tình trạng chảy máu chất xám ngày càng nghiêm trọng. Trong hai năm qua, lực lượng lao động đã giảm khoảng 140.000 người", ông Kenny thông tin.
Nhà khoa học y sinh Ricky Chiu Yin-to, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của công ty công nghệ sinh học Phase Scientific, cho biết tình trạng thiếu nhân lực công nghệ gần như làm gián đoạn kế hoạch phát triển bộ kit test Covid-19 của công ty ông trong đại dịch.
Ông tìm đủ cách để kéo người ta về công ty và cuối cùng phải nhờ đến sự hỗ trợ của các nhóm nghiên cứu ở Thâm Quyến (Trung Quốc) và Mỹ. "Chúng tôi may mắn được đồng nghiệp ở Mỹ và Thâm Quyến hỗ trợ để bù đắp cho việc thiếu lao động ở Hong Kong", ông Ricky nói.
Người trẻ không còn mặn mà với lĩnh vực công nghệ
Bên cạnh tình trạng chảy máu chất xám, Hong Kong cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt sinh viên công nghệ. Ông Leonard Chan Tik-yuen, Chủ tịch Hiệp hội phát triển công nghệ đổi mới Hong Kong, cho biết năm 2022, Hong Kong có thể thiếu khoảng 20.000 nhân lực trong lĩnh vực này.
"Nguồn cung ứng viên tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin thiếu trầm trọng, chỉ khoảng 2.000 người mỗi năm. Trong khi lĩnh vực này lại tuyển khoảng 8.000 vị trí mỗi năm", ông nói.
Kể từ khi đại dịch bùng phát, nhiều sinh viên tốt nghiệp ở Trung Quốc và các nước khác thích làm việc ở nhà thay vì đến Hong Kong làm việc. Hiện, hệ thống giáo dục của Hong Kong lại không đáp ứng được nhu cầu về công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, viễn thông, công nghệ sinh học, công nghệ đám mây...
Cái khó của Hong Kong khi thu hút người tài là vấn đề chi phí sinh hoạt và giáo dục cho trẻ em. Những người có gia đình thường ngại đến Hong Kong làm việc vì họ lo lắng chi phí thuê nhà cao, hệ thống trường quốc tế lại không đáp ứng đủ mong muốn của họ.
"Chi phí sinh hoạt quá cao là một yếu tố cản trở", ông Leonard Chan Tik-yuen nói, đồng thời đề xuất dành một khu vực ở trung tâm công nghệ Lok Ma Chau Loop để cung cấp chỗ ở giá rẻ cho nhân lực nước ngoài sẵn sàng đến Hong Kong làm việc.
Theo ông Leonard, chính phủ cần đưa ra một số quyền lợi cho người lao động nước ngoài, ví dụ ưu đãi về nhà ở và giáo dục, để thu hút họ đến Hong Kong làm việc và ở lại lâu dài.
Tìm cách kéo người tài trở về
Thừa nhận tác động của tình trạng chảy máu chất xám, nhà lãnh đạo Hong Kong Lý Gia Siêu đã tiết lộ kế hoạch để thu hút những người lao động tiềm năng trở lại Hong Kong.
Cụ thể, chương trình op Talent Pass sẽ cung cấp thị thực 2 năm cho những người kiếm được ít nhất 318.000 USD/năm hoặc sinh viên tốt nghiệp từ 100 đại học hàng đầu thế giới với ít nhất 3 năm kinh nghiệm làm việc.
Các công ty cũng được phép tuyển dụng nhân sự nước ngoài cho 13 ngành nghề đang thiếu nhân lực mà không cần chứng minh họ không thể tìm được người phù hợp ở Hong Kong.
Dù đưa ra những chương trình hấp dẫn, Hong Kong vẫn phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt với thị trường việc làm trong khu vực.
Ví dụ, Singapore tuyên bố cấp thị thực 5 năm cho các giám đốc điều hành hàng đầu - những người kiếm được mức lương cố định hàng tháng khoảng 21.700 USD.
Trong khi đó, từ năm 2019, Australia đã bắt đầu chương trình chiêu mộ nhân tài bằng cách cung cấp nơi cư trú vĩnh viễn cho những người có tay nghề cao, làm việc trong những lĩnh vực được chỉ định và kiếm được ít nhất 110.000 USD/năm. Hơn 1.000 người Hong Kong đã đến Australia thông qua chương trình này.
Thực tế, từ lâu, Hong Kong đã có những kế hoạch thu hút nhân tài công nghệ từ Trung Quốc và các nước khác. Năm 2019, khoảng 67.000 người đến Hong Kong làm việc. Con số này giảm còn 30.500 vào năm 2020 và 32.200 vào năm 2021.
Để thu hút chuyên gia nước ngoài đến Hong Kong làm việc, ông Ricky Chiu Yin-to cho biết ông đã trả lương cao hơn 20% so với thị trường việc làm và cung cấp chỗ ở miễn phí.
Ông cũng cảnh báo rằng nếu tình trạng thiếu nhân công công nghệ vẫn tiếp diễn, các nhà đầu tư sẽ không còn mặn mà với với đầu tư phát triển I&T tại Hong Kong.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hong-kong-viec-thua-luong-cao-nhung-thieu-nhan-tai-post1380023.html