HT Trường ĐH Luật-ĐHQGHN nêu lý do khiến quy mô đào tạo Ths giảm, tiến sĩ tăng
Hiệu trưởng Trường Đại học Luật cho biết quy mô đào tạo thạc sĩ giảm do điều kiện khách quan, tuyển sinh thạc sĩ khó vì điều kiện đầu vào cần có ngoại ngữ.
Trường Đại học Luật là một trong các trường đại học thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Ngày 30/7/1976, Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp ban hành Quyết định số 1087 thành lập Khoa Pháp lý thuộc Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội - cơ sở đào tạo cử nhân luật đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất.
Ngày 7/3/2000, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội quyết định nâng cấp Khoa Luật từ khoa thuộc Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn trở thành Khoa trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.
Ngày 23/9/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1124/QĐ-TTg về việc thành lập Trường Đại học Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội).
Trường Đại học Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội) có truyền thống gần 50 năm hình thành và phát triển. Hiện tại, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội) là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Quế Anh.
Theo tìm hiểu của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam từ báo cáo ba công khai các năm học gần đây của Trường Đại học Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho thấy, quy mô đào tạo của nhà trường có xu hướng tăng lên.
Theo bảng số liệu trên, quy mô đào tạo năm học 2020-2021 của trường là 3.601 người đến năm học 2021-2022 nâng lên 4.259 người, tức là tăng hơn 600 người.
Năm học 2021-2022 (4.259 người) đến năm học 2022-2023 (4.972 người), quy mô đào tạo của trường tăng hơn 700 người.
Từ năm học 2022-2023 (4.972 người) đến năm học 2023-2024 (5.138), quy mô đào tạo của trường tăng hơn 160 người.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Quế Anh – Hiệu trưởng Trường Đại học Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, từ năm học 2021-2022 đến năm học 2022-2023, quy mô đào tạo của trường tăng hơn 700 người một phần là do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến số lượng sinh viên tốt nghiệp muộn, cộng dồn sinh viên của năm học trước vào năm học sau làm quy mô đào tạo của năm học 2022-2023 tăng lên.
Thêm nữa, sinh viên muốn tốt nghiệp phải đáp ứng đủ điều kiện, trong đó có chuẩn đầu ra ngoại ngữ. Tức là trong quy mô đào tạo của nhà trường năm học 2022-2023 có cả sinh viên chưa thể tốt nghiệp của năm trước đó do nợ chuẩn đầu ra ngoại ngữ.
Về trình độ ngoại ngữ, theo tổ chức đào tạo các học phần ngoại ngữ thuộc khối kiến thức chung và xác định chuẩn đầu ra trong chương trình đào tạo đại học tại Đại học Quốc gia Hà Nội, sinh viên thuộc chương trình đào tạo yêu cầu chuẩn đầu ra bậc 3 phải tích lũy học phần ngoại ngữ B1. Sinh viên thuộc chương trình đào tạo yêu cầu chuẩn đầu ra bậc 4 phải tích lũy học phần ngoại ngữ B1 và B2.
Theo dõi biểu đồ trên, quy mô đào tạo đại học chính quy của Trường Đại học Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội) chiếm số lượng nhiều nhất và có xu hướng tăng lên theo từng năm học.
Chia sẻ về điều này, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, việc thống kê quy mô đào tạo tiến hành vào thời điểm tháng 9 hàng năm nên quy mô đào tạo đại học chính quy đã bao gồm cả sinh viên học bằng kép, sinh viên học trình độ đại học chính quy bị tồn đọng lại từ năm học trước đó do liên quan đến đầu ra ngoại ngữ. Việc này làm cho quy mô đào tạo đại học của trường tăng 400 người vào năm học 2023-2024.
Theo số liệu nhà trường cung cấp, năm học 2022-2023, quy mô đào tạo đại học là 3.627 người, trong đó có 459 sinh viên học bằng kép. Năm học 2023-2024, quy mô đào tạo đại học là 3.227 người, trong đó số sinh viên học bằng kép là hơn 500 người.
Về quy mô đào tạo tiến sĩ, thời điểm công bố báo cáo ba công khai năm học 2023-2024 (tháng 10/2023), quy mô đào tạo tiến sĩ của Trường Đại học Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội) tăng 22 người so với năm học trước đó, nâng tổng quy mô đào tạo tiến sĩ của năm học này lên 72 người.
Trong khi đó, các năm học trước, quy mô đào tạo tiến sĩ giảm. Cụ thể, từ năm học 2020-2021 đến năm học 2022-2023, quy mô đào tạo tiến sĩ giảm 25 người (từ 75 người giảm xuống còn 50 người).
Hiệu trưởng nhà trường cho biết, những năm học trước, nhà trường thực hiện Thông tư số 08/2017/TT-BGDĐT ngày 4/4/2017 về Ban hành quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ nên tuyển được ít nghiên cứu sinh. Sau đó, Thông tư số 18/2021/TT-BGDĐT Ban hành quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ, thay thế cho Thông tư số 08/2017/TT-BGDĐT ngày 4/4/2017 với nhiều điều chỉnh theo hướng tạo điều kiện hơn cho người học nên số lượng nghiên cứu sinh của trường cũng tăng lên.
Cụ thể, theo cô Quế Anh, những năm học trước, chỉ tiêu có hơn 20 chỉ tiêu nghiên cứu sinh nhưng đến năm học 2023-2024, nhà trường có hơn 30 chỉ tiêu.
Điều kiện người dự tuyển đào tạo trình độ tiến sĩ theo Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ (thay thế Thông tư 08/2017/TT-BGDĐT) quy định "Có kinh nghiệm nghiên cứu thể hiện qua luận văn thạc sĩ của chương trình đào tạo định hướng nghiên cứu; hoặc bài báo, báo cáo khoa học đã công bố; hoặc có thời gian công tác từ 02 năm (24 tháng) trở lên là giảng viên, nghiên cứu viên của các cơ sở đào tạo, tổ chức khoa học và công nghệ".
Còn trước đó, theo Thông tư 08/2017 TT-BGDĐT, người dự tuyển đào tạo trình độ tiến sĩ phải đáp ứng: "Là tác giả 01 bài báo hoặc báo cáo liên quan đến lĩnh vực dự định nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học hoặc kỷ yếu hội nghị, hội thảo khoa học chuyên ngành có phản biện trong thời hạn 03 năm (36 tháng) tính đến ngày đăng ký dự tuyển".
Ngoài ra, Thông tư 08 cũng quy định người dự tuyển đào tạo trình độ tiến sĩ có "Chứng chỉ tiếng Anh TOEFL iBT từ 45 trở lên hoặc Chứng chỉ IELTS (Academic Test) từ 5.0 trở lên do một tổ chức khảo thí được quốc tế và Việt Nam công nhận cấp trong thời hạn 02 năm (24 tháng) tính đến ngày đăng ký dự tuyển"
Theo số liệu trong báo cáo ba công khai, quy mô đào tạo thạc sĩ và hệ vừa làm vừa học của Trường Đại học Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội) giảm.
Cô Quế Anh cho biết, quy mô đào tạo hệ vừa làm vừa học giảm là do nhà trường muốn tập trung vào chất lượng đào tạo đại học chính quy.
Còn việc giảm quy mô đào tạo thạc sĩ là do yếu tố khách quan "tuyển sinh thạc sĩ rất khó vì điều kiện đầu vào cần có ngoại ngữ" - cô Quế Anh chia sẻ.
Theo thông báo tuyển sinh sau đại học (bậc thạc sĩ và bậc tiến sĩ) năm 2023 của Trường Đại học Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội) quy định điều kiện dự tuyển đào tạo bậc thạc sĩ là "Có năng lực ngoại ngữ từ Bậc 3 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam và đáp ứng yêu cầu về ngoại ngữ của chương trình đào tạo".
Cũng theo Hiệu trưởng, chuẩn đầu ra của chương trình học thạc sĩ cũng là một phần gây khó cho công tác tuyển học viên cao học.
Theo Quyết định số 3636/QĐ-ĐHQGHN ngày 21/10/2022 Ban hành Quy chế đào tạo thạc sĩ tại Đại học Quốc gia Hà Nội, một trong những điều kiện đánh giá luận văn là đạt chuẩn đầu ra về ngoại ngữ. Học viên có chứng chỉ trình độ ngoại ngữ tương đương Bậc 4 của Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, hoặc tương đương trong thời hạn 02 năm (kể từ ngày thi chứng chỉ ngoại ngữ đến ngày nộp chứng chỉ cho đơn vị đào tạo, trường hợp học viên gia hạn, thì tính từ ngày thi chứng chỉ ngoại ngữ đến ngày nộp hồ sơ đề nghị bảo vệ luận văn) được cấp bởi các cơ sở được Bộ Giáo dục và Đào tạo và Đại học Quốc gia Hà Nội công nhận.
Cô Quế Anh cho biết thêm, dù thực tế có khó khăn trong tuyển học viên cao học, nhưng so với các trường thành viên khác của Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Luật vẫn tuyển được thạc sĩ tốt hơn, tuy không đủ 100% chỉ tiêu (chỉ tuyển được khoảng 70-80% chỉ tiêu).
Cũng theo vị Hiệu trưởng, nhà trường chú trọng chất lượng, không chạy theo số lượng học viên cao học. Chính vì thế, những đối tượng muốn có bằng thạc sĩ một cách dễ dàng thường không lựa chọn học ở nhà trường vì không chỉ đầu vào mà đầu ra của học viên cao học đều yêu cầu cao.
Khi đánh giá luận án tiến sĩ, quy định về bài báo khoa học trong Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ thay thế Thông tư 08/2017/TT-BGDĐT yêu cầu: “Là tác giả chính của báo cáo hội nghị khoa học, bài báo khoa học được công bố trong các ấn phẩm thuộc danh mục WoS/Scopus, hoặc chương sách tham khảo do các nhà xuất bản quốc tế có uy tín phát hành, hoặc bài báo đăng trên các tạp chí khoa học trong nước được Hội đồng Giáo sư nhà nước quy định khung điểm đánh giá tới 0,75 điểm trở lên theo ngành đào tạo, hoặc sách chuyên khảo do các nhà xuất bản có uy tín trong nước và quốc tế phát hành; các công bố phải đạt tổng điểm từ 2,0 điểm trở lên tính theo điểm tối đa do Hội đồng Giáo sư nhà nước quy định cho mỗi loại công trình (không chia điểm khi có đồng tác giả), có liên quan và đóng góp quan trọng cho kết quả nghiên cứu được trình bày trong luận án”.
Trước đó, Thông tư 08/2017 TT-BGDĐT yêu cầu “công bố tối thiểu 02 bài báo về kết quả nghiên cứu của luận án trong đó có 01 bài đăng trên tạp chí khoa học thuộc danh mục các tạp chí ISI-Scopus hoặc đã công bố tối thiểu 02 báo cáo bằng tiếng nước ngoài trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện hoặc 02 bài báo đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài có phản biện”.