Huawei 'thách thức' Tesla trong cuộc đua xe tự lái

Tập đoàn Huawei Technologies đã chính thức tham gia cuộc đua phát triển xe điện tự lái. Sự gia nhập của Huawei có nghĩa là cạnh tranh trong lĩnh vực này sẽ trở nên khốc liệt hơn trên toàn cầu.

Huawei Technologies đã hợp tác với nhiều nhà sản xuất để sản xuất ô tô điện Aito. Ảnh: Huawei

Huawei Technologies đã hợp tác với nhiều nhà sản xuất để sản xuất ô tô điện Aito. Ảnh: Huawei

Theo trang mạng caixin.com, Vào tháng 11/2023, Huawei Technologies đã công bố thành lập một liên doanh mới, tập trung vào phát triển các hệ thống và linh kiện xe hơi thông minh. “Gã khổng lồ” thiết bị viễn thông Trung Quốc, gần đây đã ra mắt một chiếc xe SUV (dòng xe 5 chỗ) chạy bằng điện sang trọng, đặt mục tiêu trở thành một đơn vị đi đầu về lái xe thông minh đẳng cấp thế giới.

Trong khi đó, hàng chục nhà sản xuất ô tô, công ty khởi nghiệp và các “gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc và thế giới cũng đang phát triển và thử nghiệm xe tự lái tại Trung Quốc - thị trường ô tô lớn nhất thế giới, bao gồm cả Tesla - công ty dẫn đầu thị trường.

Công nghệ lái xe tự động lần đầu tiên được trưng bày công khai trước công chúng vào tháng 3/2004, trong một cuộc đua thử nghiệm trị giá 1 triệu USD được tài trợ bởi một bộ phận nghiên cứu của Bộ Quốc phòng Mỹ, DARPA. 15 chiếc xe robot xếp hàng để vượt qua 142 dặm địa hình nguy hiểm của California trong vòng 10 giờ, nhưng bất chấp những nỗ lực - và sau một số vụ tai nạn kịch tính - không ai kéo dài được cuộc thử nghiệm.

Sau gần hai thập kỷ, triển vọng về những chiếc xe không người lái trên đường có vẻ vẫn xa vời, nhưng những phần thưởng tiềm năng là quá hấp dẫn để bỏ qua. Lái xe thông minh giống như "viên ngọc trên vương miện", với doanh thu tiềm năng lên đến hàng nghìn tỷ nhân dân tệ. Ông Wu Gansha, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Uisee Technology Ltd., một công ty khởi nghiệp giải pháp không người lái, cho biết tại một diễn đàn gần đây.

Theo báo cáo từ công ty tư vấn toàn cầu McKinsey &Co, Trung Quốc có tiềm năng trở thành thị trường xe tự lái lớn nhất thế giới, với tổng doanh số dự đoán sẽ đạt 230 tỷ USD vào năm 2030.

Sự gia nhập của Huawei có nghĩa là cạnh tranh trong lĩnh vực này sẽ trở nên khốc liệt. Sự phát triển của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) chỉ ra rằng lái xe tự động sẽ là một cuộc cạnh tranh về dữ liệu và sức mạnh tính toán. Chỉ những người có tài năng và túi tiền đủ sâu mới có thể giành chiến thắng trong cuộc thi, một người thân cận với Huawei cho biết. Không nhiều công ty đáp được ứng hai điều kiện đó.

Các nhà phát triển công nghệ lái xe tự động phải đạt được sự cân bằng giữa chi phí, hiệu suất sản phẩm và an toàn. Điều này khiến họ khó đưa ra các sản phẩm khác biệt, giám đốc điều hành tại một trong những công ty cạnh tranh cho biết. Người này cho biết thêm, về lâu dài, lĩnh vực này sẽ dần dần hội tụ, giống như chỉ còn lại hệ điều hành iOS của Apple Inc. và Android của Google LLC trong các hệ điều hành điện thoại di động.

Hợp tác hay đi một mình

Trước khi mọi thứ trở nên rõ ràng hơn, ngày càng có nhiều nhà sản xuất đổ xô vào cuộc đua phát triển xe tự lái. Khi Huawei công bố kế hoạch cho liên doanh mới của mình, họ cho biết công ty sẵn sàng nhận đầu tư từ các đối tác ô tô và các nhà sản xuất ô tô khác có giá trị chiến lược. Một số công ty đã bày tỏ sự quan tâm.

Seres Group Co. Ltd., công ty phát triển SUV điện (Aito M7 và M9) với Huawei, cho biết, họ đã được mời đầu tư vào liên doanh mới và "tích cực tham gia vào các cuộc thảo luận liên quan đến đầu tư và hợp tác".

Anhui Jianghuai Automobile Group, một đối tác khác của Huawei, cho biết họ sẽ thảo luận về một khoản đầu tư tiềm năng trong liên doanh với Huawei, trong khi “gã khổng lồ” nhà nước Trung Quốc BAIC Motor cũng đang xem xét đầu tư.

Khi cuộc đua "nóng" lên, các nhà sản xuất ô tô có hai lựa chọn: hoặc tự phát triển một chiếc xe tự lái hoặc hình thành liên minh với các nhà cung cấp. Thời kỳ đầu, hầu hết đã chọn tự phát triển. Hợp tác với một công ty bên thứ ba như Huawei về công nghệ lái xe tự động là không thể chấp nhận được đối với SAIC Motor. Chủ tịch Chen Hong của tập đoàn này cho biết vào năm 2021 tại cuộc họp cổ đông của công ty: "Điều này giống như một công ty cung cấp cho chúng tôi một giải pháp hoàn chỉnh để trở thành linh hồn và SAIC trở thành cơ thể. Kết quả như vậy là không thể chấp nhận được đối với SAIC và chúng tôi muốn nắm lấy linh hồn trong tay mình".

Các nhà sản xuất xe năng lượng mới (NEV) như Li Auto Inc. và BYD Co. Ltd. cũng đang phát triển công nghệ lái xe tự động của riêng họ. Nhưng nhiều công ty đã dần nhận ra rằng cách tiếp cận này giống như một "hố tiền không đáy", đòi hỏi tài năng kỹ thuật cấp cao và đầu tư phần cứng vô tận. Volkswagen AG là một ví dụ điển hình. Họ đã đầu tư rất nhiều vào phát triển phần mềm ô tô, nhưng kết quả không lý tưởng. Một giám đốc kỹ thuật tại một nhà sản xuất ô tô của Volkswagen AG cho biết: "Tiền chắc chắn không phải là vấn đề đối với Volkswagen, nhưng họ không có tài năng và kinh nghiệm phát triển liên quan".

Việc liên minh và cùng phát triển với các nhà cung cấp dường như là một lựa chọn thực tế hơn. Công ty mới của Huawei có thể cung cấp một nền tảng nghiên cứu và phát triển đối ứng cho các nhà sản xuất ô tô, đặc biệt là những nhà sản xuất thiếu cả vốn và tài năng để phát triển hệ thống lái xe thông minh của riêng họ.

Lợi thế lớn nhất của Huawei nằm ở chỗ công ty này có khả năng phát triển cả phần mềm, chẳng hạn như thuật toán và phần cứng bao gồm chip và cảm biến lái xe thông minh.

“Đối đầu” với Tesla

Các liên minh của Huawei đại diện cho những phản ứng trước sự cạnh tranh từ Tesla, một số người tham gia ngành công nghiệp cho biết. Tesla đã giới thiệu tính năng bán tự động vào cuối năm 2015, cho phép người điều khiển “rảnh tay” khi lái xe trên đường cao tốc. Kể từ năm 2020, Tesla bắt đầu cung cấp các tính năng tự lái hoàn toàn (FSD) cho một số người dùng nhất định. Tính đến cuối năm 2022, tính năng này đã được cài đặt trên khoảng 400.000 xe Tesla ở Mỹ.

Tesla có kế hoạch triển khai các tính năng FSD của mình tại thị trường Trung Quốc, mặc dù không có thời gian biểu chính xác cho việc này. Tuy Huawei và XPeng - một nhà sản xuất NEV địa phương khác - đã dẫn đầu ở Trung Quốc, nhưng tiến bộ của họ vẫn thua xa Tesla. Ông Liu Langechuan, cựu giám đốc bộ phận lái xe tự động của XPeng, cho biết nhiều công ty Trung Quốc đang cố gắng bám theo Tesla trong công nghệ lái xe tự động.

Không giống như hầu hết các phương tiện tự lái sử dụng cảm biến lidar hoặc radar để phát hiện khoảng cách, tính năng FSD của Tesla sử dụng đầu vào từ camera gắn trên xe để xây dựng mô hình khu vực xung quanh. Máy tính được cài đặt trong xe được thiết kế để sử dụng đầu vào này, nhanh chóng xử lý mạng thần kinh và đưa ra quyết định lái xe.

Tesla đã ra mắt phiên bản FSD mới nhất vào ngày 28/12/2023, đánh dấu lần đầu tiên ứng dụng AI end-to-end (từ đầu đến cuối) trong phần mềm tự lái của mình. Điều này có nghĩa là mọi thứ, từ chụp và xử lý hình ảnh, đến các quyết định lái xe và áp dụng các điều khiển, đều được quản lý bởi các mạng thần kinh. Phần mềm có thể học hỏi từ trải nghiệm lái xe giống như cách con người có thể.

Trong một buổi phát trực tiếp (livestream) vào tháng 8/2023, tỷ phú Elon Musk đã chứng minh khả năng của FSD trong một chuyến lái thử kéo dài 45 phút ở Palo Alto, California. Ông Musk tin rằng sức mạnh máy tính tiên tiến và khả năng đào tạo của FSD cuối cùng có thể tạo ra những chiếc xe tự lái không chỉ tốt như con người mà còn tốt hơn đáng kể.

Ý tưởng ban đầu trong lái xe tự động là chia nhỏ các vấn đề phức tạp thành nhiều mô-đun để giải quyết chúng một cách riêng biệt, và sau đó tổng hợp chúng thành một kết quả, ông Liu cho biết.

Trong hoạt động thực tế, sẽ có sự thiếu kết nối thông tin giữa mỗi mô-đun, và quyết định đầu ra tích hợp cuối cùng có thể thiếu sót và không thể đối phó với các điều kiện giao thông thực tế phức tạp và liên tục thay đổi, ông Musk cho biết. Nhưng cách tiếp cận AI end-to-end phá vỡ các ranh giới mô-đun này và cung cấp tiềm năng để đạt được mức độ lái xe tự động cao hơn.

Tuy nhiên, cách tiếp cận của Tesla không dễ thực hiện. Giống như công cụ AI tạo ra ChatGPT, đào tạo mô hình lái xe tự động từ đầu đến cuối có yêu cầu cao về sức mạnh tính toán và quy mô và chất lượng dữ liệu, chẳng hạn như có nhiều trường hợp hóc búa hơn, là tập hợp dữ liệu rủi ro cao trong học máy có thể dẫn đến các hành vi không chính xác và bất ngờ, Ai Rui, Phó Chủ tịch của Haomo AI Technology Co. Ltd., một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết. Ví dụ, trong một tình huống giao thông thực tế, chiếc xe cần tránh nhiều chướng ngại vật, nó có thể lái xe qua cành liễu treo trên cây. Nếu hệ thống lái xe tự động thiếu "ý thức chung" như vậy, nó sẽ hành xử phi lý, ông nói.

Tesla sử dụng siêu máy tính Dojo để xử lý dữ liệu lái xe từ những chiếc xe của mình trong quá trình đào tạo đội xe tự lái riêng. Tesla ước tính rằng Dojo sẽ nằm trong top 5 siêu máy tính mạnh nhất thế giới vào cuối tháng này. Mục tiêu của công ty là xử lý hiệu quả lượng lớn dữ liệu thu thập được từ các tình huống thực tế trong hơn 4 triệu xe Tesla.

Cả về phát triển công nghệ và mô hình kinh doanh, ứng dụng tốt nhất cho lái xe tự động được cho là taxi không người lái. Một vụ tai nạn gần đây liên quan đến robotaxi không người lái Cruise của General Motor đã làm dấy lên lo ngại về vấn đề an toàn của lái xe tự động. Bộ Phương tiện Cơ giới California đã cấm tất cả các phương tiện có cài ứng dụng lái tự động (Cruise) trên đường công cộng và công ty phải đối mặt với khoản tiền phạt 1,5 triệu USD cùng các biện pháp trừng phạt bổ sung vì bị cáo buộc che đậy mức độ nghiêm trọng của vụ tai nạn.

Mặc dù tai nạn Cruise là một bước lùi đối với ngành công nghiệp lái xe tự động, nhưng không ai có thể phủ nhận giá trị tiềm năng mà các phương tiện không người lái sẽ mang lại cho ngành công nghiệp ô tô, một giám đốc kỹ thuật ô tô cho biết.

Thành Dương (P/v TTXVN tại Bắc Kinh)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/huawei-thach-thuc-tesla-trong-cuoc-dua-xe-tu-lai/320942.html