Huế: Ghi nhận nhiều trường hợp mắc liên cầu lợn
Ngày 7/7, PGS.TS Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế TP Huế cho biết, từ cuối tháng 6 đến nay, trên địa bàn ghi nhận 12 trường hợp mắc liên cầu lợn, trong đó có một ca tử vong.

Lực lượng chức năng tiến hành phun khử khuẩn tại khu vực sinh sống của bệnh nhân mắc liên cầu lợn. Ảnh: H.D.
Bệnh nhân tử vong là anh B.V.C. (50 tuổi, trú tại phường Thuận Hóa), được đưa vào Bệnh viện Trung ương Huế trưa 2/7 trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn và tử vong sau đó. Kết quả xét nghiệm ngày 4/7 xác định bệnh nhân dương tính với vi khuẩn Streptococcus suis.
Điều tra dịch tễ cho thấy, nhà bệnh nhân và các hộ xung quanh không nuôi lợn, trong vòng 2 tuần qua khu vực cũng không ghi nhận tình trạng lợn mắc bệnh. Những người tiếp xúc gần hiện chưa có biểu hiện liên quan.
Theo Sở Y tế TP Huế, ngoài ca tử vong trên, còn 11 bệnh nhân khác được xác định mắc liên cầu lợn, đang điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế. Qua điều tra dịch tễ, các ca bệnh xuất hiện rải rác, nguồn lây chưa rõ ràng, chỉ một trường hợp có liên quan trực tiếp đến hoạt động chế biến thịt lợn.
PGS.TS Trần Kiêm Hảo cho biết, với tình hình gia tăng ca mắc liên cầu lợn ở người xảy ra trong những ngày vừa qua, Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Huế phối hợp với các đơn vị liên quan điều tra, xác minh lại các ca bệnh nhập viện tại Bệnh viện Trung ương Huế đã có kết quả xét nghiệm dương tính.
Đồng thời, chỉ đạo các Trung tâm Y tế, Trạm Y tế đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về các dấu hiệu nhận biết bệnh, các biện pháp theo dõi, điều trị và phòng ngừa. Yêu cầu các đơn vị củng cố đội cơ động, trang bị vật tư, thuốc men, hóa chất cần thiết, tổ chức trực và báo cáo tình hình theo quy định.
Sở Y tế TP Huế khuyến cáo, để phòng bệnh liên cầu lợn, người dân không giết mổ hay tiêu thụ lợn mắc bệnh, lợn chết. Thực hiện vệ sinh ăn uống, không ăn thịt hoặc phủ tạng lợn chưa nấu kỹ; không ăn tiết canh lợn và các loại thịt, sản phẩm tái, sống được chế biến từ lợn không đảm bảo an toàn thực phẩm. Người tiêu dùng chỉ nên mua thịt lợn đã được cơ quan thú y kiểm dịch.
Sử dụng các phương tiện phòng hộ như găng tay, ủng, kính bảo vệ mắt; rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi chăm sóc, giết mổ, chế biến thịt lợn, đặc biệt khi phải xử lý lợn mắc bệnh hoặc lợn chết.
Khi có vết thương hở, hoặc có các vùng da bị tổn thương không nên giết mổ lợn hoặc chế biến thịt lợn tươi sống; hoặc nếu có thì cần băng kín vết thương trước khi tiếp xúc và dùng chất khử trùng sau khi làm việc. Dùng xà phòng sạch rửa sạch sẽ các đồ dùng chăm sóc, giết mổ hay dụng cụ nhà bếp ngay sau khi sử dụng.
Thực hiện tốt vệ sinh thú y, đảm bảo môi trường khu vực chăn nuôi lợn và các loại gia súc sạch sẽ, thoáng khí, ủ phân để diệt mầm bệnh; không mua bán, vận chuyển lợn nhiễm bệnh từ các khu vực có lưu hành bệnh tới khu vực khác.
Người khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh như sốt cao đột ngột và có tiền sử chăm sóc, giết mổ lợn mắc bệnh, chết hoặc ăn sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh cần phải đến khám ngay tại các cơ sở y tế để được khám, điều trị và xử lý kịp thời.
Thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường khu vực chăn nuôi lợn và gia súc, đảm bảo vệ sinh khu vực giết, mổ, buôn bán lợn đặc biệt là các chợ đầu mối, chợ khu vực, các cơ sở giết mổ lợn tập trung. Tổ chức việc phun định kỳ dung dịch cloramin B 2% hoặc các dung dịch khử trùng tiêu độc khác…