Huế khôi phục lại môn 'nữ công gia chánh' trong trường học: Nam sinh có được theo học không?
Thoạt đầu, khi nghe đến môn 'nữ công gia chánh', có lẽ, nhiều người sẽ nghĩ rằng chỉ có các nữ sinh mới phải học. Tuy nhiên, nếu đã dạy thí điểm cho học sinh toàn trường, vậy môn học này có dành cho các nam sinh hay không?
Câu chuyện về thí điểm dạy môn "nữ công gia chánh" tại Trường THPT Hai Bà Trưng ở TP Huế đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của quý phụ huynh và học sinh.
Thoạt đầu, khi nghe đến môn "nữ công gia chánh", có lẽ, nhiều người sẽ nghĩ rằng chỉ có các nữ sinh mới phải học. Tuy nhiên, nếu đã dạy thí điểm cho học sinh toàn trường, vậy môn học này có dành cho cả nam sinh hay không?
Chia sẻ với Đất Việt, ông Phan Ngọc Thọ Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, mục đích đưa vào giảng dạy môn "nữ công gia chánh" đào tạo kỹ năng sống gắn liền với định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Một trong những kỹ năng quan trọng nhất là nấu ăn và gia chánh nhằm giúp học sinh hiểu rõ hơn về những món ăn nổi tiếng của đất kinh đô Huế, hiểu rõ hơn về văn hóa, con người Huế qua đó cũng hiểu rõ hơn về món ăn, về văn hóa, con người Việt Nam.
Việc này không chỉ giúp các em có thể tự tin, độc lập lo cho bữa ăn của mình, lo cho cuộc sống của mình khi đi du học, làm việc xa quê hương mà cũng là cơ hội giúp quảng bá, truyền đạt những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của Việt Nam tới bạn bè quốc tế.
Quan trọng hơn, khi đã hiểu rõ được về văn hóa, con người quê hương mình cũng sẽ giúp cho các em học sinh dần hình thành tinh thần tự hào dân tộc, giúp định hướng sớm cho mục tiêu học tập cũng như mong muốn được phục vụ quê hương, đất nước của mỗi người", ông Thọ mong muốn.
Cũng theo ông Thọ, không phải "nữ công gia chánh" nghĩa là chỉ học sinh nữ mới được học. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, mục tiêu rộng hơn rất nhiều, không còn chỉ là nấu nướng, nội trợ những công việc vẫn được coi là của phụ nữ nữa.
Ông Thọ cho biết, trong xã hội hiện đại, bất cứ học sinh nam hay nữ đều cần được trang bị những kỹ năng như nấu nướng, khâu vá để tự phục vụ cho nhu cầu của chính mình.
'Vì thế, môn học này là dành cho tất cả các học sinh và không phân biệt học sinh nam với học sinh nữ. Mục tiêu của môn học là trang bị cho các em một hành trang kiến thức, đạo đức, nhân cách... giúp các em vững tin làm việc và hội nhập', ông Thọ chia sẻ.
Như thông tin đã đưa, chiều 12/3, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ vừa họp với đại diện các sở, ngành, tổ chức, đoàn thể trên địa bàn, nhằm thống nhất chủ trương cho thí điểm khôi phục lại việc dạy nữ công gia chánh tại Trường THPT Hai Bà Trưng (TP Huế) để làm cơ sở nhân rộng ra toàn tỉnh.
Theo bà Nguyễn Khoa Diệu Huyền, Trưởng Ban liên lạc cựu nữ sinh Đồng Khánh, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Hai Bà Trưng, ngoài việc bồi dưỡng kỹ năng về nữ công gia chánh, tại các tiết học của môn này còn là nơi truyền dạy nét văn hóa ứng xử, tác phong của người phụ nữ Huế từ “tiếng dạ, tiếng thưa” đến cách ăn mặc, đi đứng, giao tiếp với bạn bè, thầy cô, gia đình và cộng đồng. Vì lẽ đó, nữ sinh Đồng Khánh - Hai Bà Trưng được xem là thương hiệu đầy tự hào của phụ nữ Huế.
Ngày nay, qua nhiều cải cách giáo dục, các thay đổi về dạy nghề trong trường phổ thông và ảnh hưởng của xu thế mới nên việc dạy và học môn nữ công gia chánh trong các trường phổ thông không còn duy trì như trước.
Thực tế này dẫn đến những hạn chế kiến thức, kỹ năng về nữ công gia chánh, thiếu am hiểu về văn hóa ẩm thực, ảnh hưởng không nhỏ trong cuộc sống và đặc biệt khi họ trở thành người phụ nữ của gia đình. Do vậy, phục hồi việc dạy học môn nữ công gia chánh hết sức cần thiết và cấp bách.
Trên cơ sở những tâm tư, chia sẻ và đề xuất của những người tham dự cuộc họp, ông Phan Ngọc Thọ thống nhất cho Trường THPT Hai Bà Trưng thí điểm khôi phục lại việc dạy môn nữ công gia chánh trong nhà trường từ năm học 2021-2022.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị Trường Cao đẳng Du lịch Huế đồng hành, hỗ trợ Trường THPT Hai Bà Trưng trong việc thí điểm phục hồi dạy môn nữ công gia chánh.