Hungary hủy cuộc họp về dân tộc thiểu số với Ukraine do các cáo buộc gián điệp
Hungary đã hủy cuộc họp dự kiến vào ngày 12/5 với phái đoàn Ukraine về quyền của các dân tộc thiểu số.
Theo tờ The Kyiv Independent, Thứ trưởng Ngoại giao Hungary cho biết thông tin trên ngày 11/5 trong bối cảnh vụ bê bối gián điệp giữa hai nước ngày càng nghiêm trọng.
Ông Levente Magyar, Thứ trưởng Ngoại giao Hungary viết: “Tôi đã hủy cuộc họp vào ngày mai vì tôi tin rằng những diễn biến gần đây trong quan hệ Hungary - Ukraine không cho phép có một cuộc thảo luận trung thực và mang tính xây dựng về một vấn đề quan trọng, nhạy cảm như quyền của các dân tộc thiểu số”.
Ngày 9/5, Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) đã triệt phá một mạng lưới tình báo quân sự Hungary đang hoạt động tại tỉnh Zakarpattia, bắt giữ hai điệp viên bị cáo buộc làm gián điệp chống nhà nước Ukraine.

Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngay sau đó trong ngày 9/5, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto thông báo Hungary đã trục xuất hai điệp viên làm việc dưới vỏ bọc ngoại giao tại Đại sứ quán Ukraine ở Budapest. Đáp lại tuyên bố của ông Szijjarto, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Andrii Sybiha nói rằng Ukraine sẽ trục xuất hai nhà ngoại giao Hungary khỏi Kiev.
Tỉnh Zakarpattia là khu vực có cộng đồng dân tộc thiểu số Hungary đáng kể và nằm tại vị trí nhạy cảm dọc biên giới phía Đông của NATO. Ukraine từ lâu đã cáo buộc Hungary làm suy yếu chủ quyền của Ukraine thông qua can thiệp chính trị và các chương trình cấp hai quốc tịch.
Hungary nhiều lần cáo buộc Ukraine phân biệt đối xử với cộng đồng người Hungary tập trung tại khu vực Tây Nam Ukraine.
Các cáo buộc lẫn nhau nói trên đều bị giới lãnh đạo Ukraine và Hungary bác bỏ. Phần lớn tranh cãi xoay quanh các luật ngôn ngữ của Ukraine, theo đó yêu cầu ít nhất 70% nội dung giáo dục từ lớp 6 trở lên phải được giảng dạy bằng tiếng Ukraine.
Trong khi Hungary gọi biện pháp này là phân biệt đối xử với cộng đồng người Hungary, thì Ukraine đáp lại rằng chính sách này chỉ nhằm đảm bảo mọi công dân Ukraine có đủ hiểu biết về ngôn ngữ chính thức.
Hungary đã đưa ra 11 yêu cầu đối với Ukraine liên quan đến quyền của các dân tộc thiểu số, bao gồm khôi phục quy chế trường quốc gia, cho phép thi tốt nghiệp phổ thông trung học bằng tiếng Hungary và quyền sử dụng tiếng Hungary trong đời sống.
Trước khi căng thẳng leo thang do bê bối gián điệp, hai nước trong những tháng gần đây đã tìm cách hàn gắn quan hệ liên quan đến vấn đề dân tộc thiểu số.
Tháng 10/2024, Tổng thống Volodymyr Zelensky nói rằng Ukraine đang chuẩn bị một văn kiện hợp tác song phương với Hungary nhằm xóa bỏ những hiểu lầm giữa hai nước. Trước đó, ngày 30/9/2024, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Andrii Sybiha cho biết sau cuộc hội đàm với ông Szijjarto rằng cả hai bên đều thấy động lực tích cực trong giải quyết các vấn đề liên quan đến dân tộc thiểu số.
Tháng 9/2023, Quốc hội Ukraine đã thông qua các sửa đổi luật về dân tộc thiểu số, một trong 7 bước do Ủy ban châu Âu khuyến nghị vào tháng 6/2022 để Ukraine có thể gia nhập Liên minh châu Âu. Những sửa đổi này đã được ông Zelensky ký ban hành vào tháng 11/2024.
Hungary vẫn duy trì quan hệ tích cực với Nga, trái ngược với các thành viên khác trong Liên minh châu Âu. Thủ tướng Hungary Viktor Orban nhiều lần phản đối hỗ trợ quân sự cho Ukraine, cho rằng hậu thuẫn của phương Tây chỉ khiến xung đột kéo dài hơn.
Ngày 26/3, ông Szijjarto đã đến Nga để thảo luận về tiếp tục hợp tác kinh tế giữa hai nước.