Hương bồ kết

Tôi cuộn tròn trong lòng mẹ và ngủ lúc nào không biết, khi mẹ lay gọi dậy là lúc trời đã sáng rõ, tôi ăn vội bát cơm rồi khoác túi xách đi học. Cho đến khi lớn lên, có ý thức, tôi mới cảm nhận sâu sắc hơi ấm từ lòng mẹ, mới nhận biết được cảm giác dịu hiền từ những ngón tay của mẹ lần tìm vuốt đi những con chấy, những sợi tóc cháy nắng. Tuổi lên bảy, lên tám chúng tôi, như các bà thường nói, là tóc dở nên có chấy, còn chị gái tôi cứ la rầy rằng: 'chấy đầu em sang hết đầu chị rồi' bởi mỗi khi ngủ với chị là tôi cứ dụi vào đầu chị.

Minh họa: Ngọc Minh

Minh họa: Ngọc Minh

Mẹ và chị thường gội đầu cho tôi bằng nước bồ kết, hồi ấy làm gì có dầu gội đầu như bây giờ, mọi người đều gội đầu bằng nước bồ kết, có thời gian thì nấu nước bồ kết có lá sả, lá bưởi, hương nhu, không có thời gian thì nướng quả bồ kết trên bếp than rồi bẻ dọc hay đập dập cho vào chậu nước phơi ra nắng mươi lăm phút, bồ kết thôi ra nước thế là có chậu nước gội đầu. Chả mấy chốc chúng tôi đã là những thiếu nữ, những buổi trưa hè, chị em con gái chúng tôi thường nướng bồ kết đập dập bỏ vào mảnh vải buộc túm lại ra bến nước gội đầu. Mái tóc dài thả vào dòng nước trong mát, thay nhau vò bồ kết gội đầu hết người này đến người khác, làn tóc mềm mại uốn lượn trong nước như rêu, những con cá mương trắng óng ánh bơi lẫn vào tóc khiến cho mái tóc như được cài trâm bạc vậy, chúng đùa dỡn đớp vào những bắp chân trần trắng ngần khúc xạ bởi làn nước nên ngắn cũn, dị dạng, cảm thấy nhột nhột cứ như là lũ cá cũng biết đùa dỡn với các cô gái và vô tình chúng cũng như cộng hưởng vào bức tranh thủy mặc của bến nước. Những câu chuyện tâm tình râm ran quyện với hương bồ kết theo gió lan tỏa cả một vùng thôn xóm. Mái tóc dài phơi sau tấm lưng con gái mềm mại bay bay trong nắng gió bến quê..

Cho đến bây giờ tôi vẫn giữ nguyên hương bồ kết ấy, tuy nhiên không còn sự sảng khoái như ngày xưa khoát nước bến sông gội đầu, bởi dòng sông bây giờ đã khác, nó đen đục và lều phều đủ mọi loại rác dồn ứ lại và bốc mùi tanh hôi. Tôi vẫn đi kiếm các loại lá cây về nấu nước gội đầu, lần nào tôi nấu nước, các cháu cùng xóm đều nói: “mỗi lần cô gội đầu là cả xóm như được liên hoan vậy”. Tôi buồn cười tự nhủ: “Người ta liên hoan bằng rượu thịt, bánh kẹo, thế mà hương thơm nồi nước gội đầu của tôi cũng được xem như mâm cỗ liên hoan, như bây giờ có thể gọi là “mâm cỗ” phi vật thể. Phải chăng hương thơm nồi nước gội đầu cũng tạo cảm giác hưng phấn kém gì tiệc tùng linh đình, thịnh soạn?. Cũng có người bĩu môi cho tôi là: “quê một cục” thời bây giờ hiện đại tiên tiến dầu gội đầu đủ kiểu, đủ loại thiếu gì?". Tôi lặng lẽ chấp nhận sự “chậm tiến” của mình. Thực tình đã có lần tôi cố gắng nhập cuộc với chị em nhưng không được. Gội đầu bằng dầu gội tôi không thể chịu đựng được mùi hương liệu hóa chất, tiếp đó là da đầu ngứa, tóc xơ cứng, nhưng trên tất cả là hương bồ kết ám ảnh, trách móc tôi như trách móc kẻ bạc tình! Sự bứt rứt khổ sở đó khiến tôi lại phải nấu nước gội đầu bằng bồ kết.

Trong điều kiện cho phép, tôi vẫn để mái tóc dài, mỗi khi gội đầu xong tôi lại ấp mặt mình vào nắm tóc đẫm mùi thơm cây cỏ vườn nhà và bao kỷ niệm lại trở về... Những ngón tay thô ráp của mẹ, những tiếng cười con gái bến quê, tất cả đều là hương bồ kết trong tôi...

Tản văn của Vũ Thị Khương CTV)

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/huong-bo-ket-31237.htm