Hướng cán bộ, giáo viên, học sinh sử dụng mạng xã hội trách nhiệm

Góp ý dự thảo Luật Nhà giáo, các chuyên gia, đại biểu Quốc hội tán thành với quy định, không được phát tán, lan truyền thông tin không chính xác về nhà giáo.

Trường Tiểu học và THCS Thụy Ninh (Thái Thụy, Thái Bình) tổ chức chuyên đề Internet với học đường dành cho học sinh THCS. Ảnh: Phòng GD&ĐT

Trường Tiểu học và THCS Thụy Ninh (Thái Thụy, Thái Bình) tổ chức chuyên đề Internet với học đường dành cho học sinh THCS. Ảnh: Phòng GD&ĐT

Đồng thời đề nghị bổ sung quy định cấm giáo viên đưa thông tin tiêu cực về học sinh, nhà trường lên mạng xã hội.

Những việc không được làm

Đề cập đến những việc không được làm, đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến - đoàn Vĩnh Phúc đề nghị, xem xét bổ sung vào Điều 11 dự thảo Luật Nhà giáo quy định: Cấm nhà giáo không được đưa thông tin, hình ảnh tiêu cực về học sinh, phụ huynh, nhà trường hoặc ngành Giáo dục lên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác khi chưa được các cơ quan có thẩm quyền cho phép.

“Mối quan hệ nhà giáo và phụ huynh, học sinh và các mối quan hệ xã hội khác phải có sự tôn trọng tuyệt đối giữa phụ huynh, học sinh với nhà giáo và ngược lại”, đại biểu Trần Văn Tiến nhấn mạnh.

Từng có ý kiến về những điều giáo viên không được làm tại Kỳ họp thứ 8, đại biểu Quốc hội Trịnh Tú Anh - đoàn Lâm Đồng kiến nghị, xem xét bổ sung quy định về nhà giáo không được tiết lộ thông tin cá nhân của người học. Chẳng hạn như chia sẻ điểm số của người học lên mạng xã hội. Điều này không chỉ xâm phạm quyền riêng tư của người học, mà còn có thể gây ra áp lực tâm lý cho các em.

Ngoài ra, giáo viên không được tiết lộ thông tin về bệnh tật, bình luận về những khuyết điểm của người học trước lớp, bởi điều này làm tổn thương lòng tự trọng của người học và có thể khiến các em bị kỳ thị. Theo đại biểu Trịnh Tú Anh, bảo vệ thông tin cá nhân của người học là trách nhiệm của nhà giáo, bằng cách tuân thủ các quy định và thực hiện bảo vệ bảo mật nhà giáo, góp phần xây dựng môi trường học tập an toàn, lành mạnh cho người học.

Năm 2019, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 06/TT-BGDĐT quy định Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên. PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, Quy tắc này cấm học sinh, giáo viên sử dụng mạng xã hội để phát tán thông tin ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục. Quy định này nhằm hướng cán bộ, giáo viên, học sinh sử dụng mạng xã hội lành mạnh, trách nhiệm và hiệu quả.

Mạng xã hội bên cạnh những ích lợi, thì có không ít thông tin xấu, độc hại, ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức, hoàn thiện nhân cách, đạo đức, lối sống của thế hệ trẻ. Vì vậy, bên cạnh việc khuyến khích giáo viên, học sinh sử dụng mạng xã hội để khai thác thông tin tích cực phục vụ cho học tập, giảng dạy, vui chơi, giải trí thì giáo viên, học sinh không sử dụng mạng xã hội vào những việc tiêu cực.

 Không đăng những ý kiến miệt thị, bôi nhọ danh dự nhà trường, giáo viên, học sinh. Ảnh minh họa: INT

Không đăng những ý kiến miệt thị, bôi nhọ danh dự nhà trường, giáo viên, học sinh. Ảnh minh họa: INT

Không cấm giáo viên góp ý, phản biện

Thực tế cho thấy, nhiều sai phạm được “phanh phui” xử lý từ ý kiến của người dân và “người trong cuộc”. PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nêu quan điểm, chúng ta không cấm giáo viên, học sinh góp ý, phản biện trên mạng xã hội nếu góp ý đó có cơ sở và mang tính chất xây dựng.

“Chúng ta không khuyến khích những ý kiến miệt thị, bôi nhọ danh dự nhà trường, giáo viên, học sinh. Đặc biệt, nên nghiêm cấm không được công khai thông tin trong quá trình thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền hoặc lan truyền, phát tán thông tin không chính thức về học sinh, nhà trường”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, song đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - đoàn Hải Dương băn khoăn, cần xem xét lại việc không công khai thông tin trong quá trình thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, bởi hoạt động của nhà giáo không phải là bí mật quốc gia.

Nhà giáo cũng như mọi công dân ở lĩnh vực khác của xã hội, trong quá trình hoạt động phải tuân thủ quy định pháp luật và chịu sự giám sát của nhân dân, phụ huynh, học sinh về hoạt động của mình. Nếu nhà giáo, nhà trường sai phạm thì người dân có quyền phản ánh và trong quá trình thanh tra, kiểm tra, các cơ quan thông tấn, báo chí có quyền đưa tin. Đây cũng là hình thức công khai trước dư luận và cả quá trình giám sát, kiểm tra và thanh tra.

Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo. Tại Khoản 3, Điều 11 dự thảo luật quy định những việc tổ chức, cá nhân không được làm đối với nhà giáo: Không thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách của nhà giáo theo quy định; đăng tải, phát tán thông tin trong quá trình thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin không chính xác về nhà giáo; các việc không được làm khác theo quy định của pháp luật.

Báo cáo trước Quốc hội, ông Nguyễn Đắc Vinh - ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, có ý kiến đồng tình quy định các tổ chức, cá nhân không được lan truyền, phát tán thông tin không chính xác về nhà giáo nhưng đề nghị cân nhắc quy định không được công khai thông tin về sai phạm của nhà giáo để tránh mâu thuẫn với quyền tiếp cận thông tin theo quy định của pháp luật liên quan.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, quy định này cần thiết nhằm bảo vệ uy tín, hình ảnh nhà giáo trước việc lạm dụng, suy diễn và phát tán các thông tin khi chưa được kiểm chứng, chưa có ý kiến, kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền.

Đối với những sự việc chưa được thanh tra, kiểm tra, ông Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, có thể phản ánh thông tin nếu phát hiện dấu hiệu sai phạm, biểu hiện tiêu cực. Đối với vụ việc đang được tiến hành thanh tra, kiểm tra khi chưa có kết luận của cơ quan tiến hành thanh tra, kiểm tra, việc công bố thông tin là không được phép, vì có thể ảnh hưởng tới tính khách quan của quá trình thanh tra, kiểm tra.

Quy định này không mâu thuẫn với quyền tiếp cận thông tin, quyền, nghĩa vụ và những hành vi bị cấm trong Luật Báo chí, Luật An toàn thông tin mạng, Bộ luật Dân sự...

Đại biểu Quốc hội Lê Thị Thanh Lam - đoàn Hậu Giang đề nghị bổ sung thêm quy định nghiêm cấm nhà giáo quảng cáo hoạt động giáo dục trên mạng xã hội chưa được kiểm chứng hoặc sai sự thật, làm ảnh hưởng đến ngành Giáo dục. Quy định này có thể thiết kế tại Khoản 2, Điều 11.

Minh Phong

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/huong-can-bo-giao-vien-hoc-sinh-su-dung-mang-xa-hoi-trach-nhiem-post732220.html