Hướng đi nào cho dệt may Việt Nam trước yêu cầu phát triển xanh và bền vững?
Ngành dệt may, một trong những trụ cột xuất khẩu của nền kinh tế, đang đứng trước những yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn chuyển đổi sang nền công nghiệp xanh, sạch, với giá trị gia tăng cao. Để tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức, cần có quy hoạch và chính sách phù hợp, đưa ngành tiếp tục vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Cơ hội phát triển trong giai đoạn mới
Dệt may là một trong những ngành sản xuất công nghiệp chủ lực của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu của ngành liên tục duy trì vị thế trong tốp đầu thế giới nhiều năm liền. Ngành hiện sử dụng khoảng 2,6 triệu lao động, đóng góp đáng kể vào tổng kim ngạch xuất khẩu. Chỉ tính riêng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của ngành đạt 44 tỷ USD, tăng 11,26% so với năm trước. Tiếp nối thành quả đã đạt được, ngành dệt may mạnh dạn đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 47-48 tỷ USD năm 2025.
Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam đạt 44 tỷ USD, tăng 11,26% so với năm 2023.
Dù còn nhiều thách thức, ngành dệt may Việt Nam vẫn có cơ hội bứt phá trong thời gian tới. Xu hướng giảm tiêu dùng sản phẩm dệt may số lượng lớn để hướng đến sản phẩm chất lượng cao sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam - với thế mạnh về sản xuất hàng may mặc chất lượng cao - nâng cao giá trị gia tăng.
Theo ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VINATEX), trong bối cảnh kinh tế xanh đang trở thành xu thế tất yếu, ngành dệt may vẫn có vai trò quan trọng nhờ tính chất không thể thay thế của sản phẩm.
Tuy nhiên, sự chuyển đổi sang sản xuất xanh trong ngành vẫn còn gặp nhiều thách thức. Dù nhiều nước đang hướng đến sản phẩm dệt may bền vững, song thực tế cho thấy sản lượng tiêu thụ hàng dệt may tái chế vẫn còn thấp.
Một trong những điểm nghẽn chính là khả năng đổi mới sáng tạo và tự động hóa trong sản xuất. Mặc dù xu hướng sản xuất xanh, tuần hoàn được nhắc đến nhiều, nhưng thực tế trong những năm qua, sản lượng tiêu thụ sản phẩm xanh vẫn chưa tăng đáng kể. Thậm chí, năm 2024, tỷ lệ tiêu thụ quần áo từ nguyên liệu tái chế còn thấp hơn năm 2023. Điều này cho thấy sự khác biệt giữa xu thế thị trường và thực tiễn triển khai.
Việt Nam hiện có mức độ cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế với ưu thế về các tiêu chí sản xuất, chất lượng, linh hoạt và trách nhiệm xã hội. Tuy nhiên, so với các đối thủ lớn như Bangladesh, Ấn Độ và Trung Quốc, ngành dệt may Việt Nam chưa có lợi thế vượt trội về chuỗi cung ứng tích hợp và đơn giá sản phẩm.
Mặc dù đạt điểm cao ở nhiều tiêu chí đánh giá, nhưng ngành dệt may Việt Nam chưa có thế mạnh vượt trội ở bất kỳ tiêu chí nào. Các doanh nghiệp trong nước vẫn gặp khó khăn về chi phí logistics, thủ tục hành chính và khả năng tích hợp vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Do đó, theo Chủ tịch VINATEX, việc nâng cao giá trị gia tăng và cải thiện chuỗi cung ứng nội địa là nhiệm vụ quan trọng.
“Theo điều kiện chung thì ngành dệt may thường phát triển ở các nước có lực lượng lao động dồi dào, có kỹ năng tương đối khéo léo. Việt Nam cũng không thể tăng số lượng lao động lên chiều rộng được, và khi lượng sản phẩm giảm, yêu cầu chất lượng và giá trị cao lên thì lại có lợi cho chúng ta khi số lao động không tăng lên”, ông Lê Tiến Trường cho hay.
Theo Chủ tịch VINATEX, hiện nay, tỷ lệ nội địa hóa của ngành đạt khoảng 50%, với kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu lên đến 21 tỷ USD. Nếu có chính sách phù hợp, ngành có thể tăng trưởng bền vững với tốc độ 10% mỗi năm, đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng GDP quốc gia.
Hướng tới một ngành dệt may bền vững
Việt Nam có nhiều tiềm năng để tiếp tục phát triển ngành dệt may theo hướng bền vững. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển xanh và tăng giá trị gia tăng, ông Lê Tiến Trường cho rằng, cần có chiến lược quy hoạch rõ ràng, định hướng phát triển các khu công nghiệp tập trung thay vì mô hình phân tán. Đồng thời, cần chính sách thúc đẩy thu hút “đại bàng” trong lĩnh vực công nghệ thời trang, giống như các ngành công nghiệp khác.
“Đại bàng không chỉ có ở những ngành công nghệ cao như công nghiệp bán dẫn, công nghiệp điện tử mà ngay trong ngành dệt may cũng có đại bàng. Chúng ta chưa có ý tưởng đón đại bàng trong lĩnh vực công nghệ thời trang. Do đó, đây cũng là một điểm cần phải tư duy lại”, ông Trường nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, hiện Việt Nam có tỷ lệ chi phí logistics trên tổng giá thành sản phẩm cao nhất trong số 7 nước xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới. Do vậy, cải thiện logistics và giảm chi phí vận chuyển là yếu tố quan trọng giúp nâng cao năng lực cạnh tranh.
Để thực hiện các mục tiêu trên, ngành cần có chính sách hỗ trợ về tài chính xanh, nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo. Đồng thời, cần đẩy mạnh quy hoạch chuyên ngành, thu hút đầu tư quy mô lớn để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Theo Chủ tịch VINATEX, ngành dệt may Việt Nam không còn là ngành gia công thâm dụng lao động đơn thuần như nhiều thập kỷ trước. Với sự phát triển của công nghệ, chuyển đổi số và các xu hướng tiêu dùng mới, dệt may có thể trở thành một ngành công nghiệp xanh, có giá trị gia tăng cao.
“Có thể khẳng định ngành dệt may vẫn có dư địa phát triển và cũng là ngành có thể có công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghệ xanh và chuyển đổi số chứ không chỉ đơn thuần là một ngành công nghiệp thâm dụng lao động theo cách phổ thông thường thấy như trước đây”, ông Lê Tiến Trường nhấn mạnh.
Để đạt được điều này, ngoài nỗ lực của doanh nghiệp, cần có những chính sách định hướng chiến lược từ Chính phủ nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất xanh, tăng cường nội địa hóa và cải thiện môi trường kinh doanh. Chỉ khi đó, ngành dệt may Việt Nam mới có thể tiếp tục khẳng định vị thế trên bản đồ xuất khẩu toàn cầu, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của đất nước.