Hướng tới mục tiêu bảo vệ, phục hồi, phát triển tài nguyên nước
Luật Tài nguyên nước năm 2023 với 10 chương và 86 điều, đã được Quốc hội thông qua ngày 27/11/2023 và có hiệu lực vào ngày 1/7/2024.
Luật đã đánh dấu một bước tiến lớn về tư duy, cách tiếp cận, thay đổi phương thức quản trị tài nguyên nước nhằm hướng tới mục tiêu cao nhất là bảo đảm chất lượng môi trường sống, quyền tiếp cận nước của người dân, đảm bảo an ninh nguồn nước và bảo vệ, phục hồi, phát triển tài nguyên nước.
Tổ chức rà soát văn bản quy phạm pháp luật
Để triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 274/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước 2023.
Kế hoạch nhằm tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 274/QĐ-TTg ngày 2/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ; tổ chức rà soát các văn bản có liên quan đến tài nguyên nước để sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hoặc bãi bỏ; tuyên truyền, tập huấn phổ biến Luật Tài nguyên nước và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn Luật, đặc biệt là các quy định mới nhằm sớm đưa các quy định của pháp luật tài nguyên nước vào cuộc sống, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên nước. Đồng thời, xác định cụ thể các nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc tổ chức triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước, bảo đảm tính kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả.
Kế hoạch đặt ra yêu cầu là phải bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả giữa các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước. Nội dung công việc phải gắn với trách nhiệm và phát huy vai trò chủ động, tích cực của các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ, đảm bảo chất lượng và tiến độ hoàn thành công việc.
Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu Cục Quản lý tài nguyên nước chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan trực thuộc Bộ thực hiện xây dựng tài liệu tuyên truyền về các quy định của Luật Tài nguyên nước và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật; xây dựng tài liệu hỏi - đáp về pháp luật tài nguyên nước. Đồng thời, Cục tổ chức tuyên truyền, tập huấn, phổ biến các quy định của Luật Tài nguyên nước và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật tại các vùng, theo chuyên đề; tuyên truyền, cập nhật thông tin, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước trên trang thông tin điện tử của Cục.
Về thực hiện, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tài nguyên nước phải được tiến hành thường xuyên, liên tục với nội dung thiết thực và hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp đối với từng đối tượng. Trong năm 2024, các đơn vị thực hiện tuyên truyền, tập huấn phổ biến rộng rãi Luật Tài nguyên nước và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành để bảo đảm kịp thời đưa Luật vào cuộc sống ngay sau khi Luật có hiệu lực thi hành.
Bộ Tài nguyên và Môi trường phân công các đơn vị rà soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật về tài nguyên nước; quy trình kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật về tài nguyên nước để hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về tài nguyên nước; rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ bảo đảm thống nhất, đồng bộ với các quy định của Luật Tài nguyên nước.
Cụ thể, Cục Quản lý tài nguyên nước chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp chế tổ chức rà soát, pháp điển, hệ thống hóa, lập danh mục các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực tài nguyên nước; trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới, đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Tài nguyên nước; rà soát các văn bản hướng dẫn kỹ thuật của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trong lĩnh vực tài nguyên nước, kiến nghị hoặc trình Bộ trưởng sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản hướng dẫn kỹ thuật trong lĩnh vực tài nguyên nước.
Cùng với đó, Cục Quản lý tài nguyên nước tổng hợp, theo dõi các Bộ, ngành, địa phương trong việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến tài nguyên nước thuộc thẩm quyền ban hành, bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Tài nguyên nước và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật.
Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong Bộ phối hợp với Cục Quản lý tài nguyên nước tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật trong phạm vi, chức năng quản lý của mình có liên quan đến Luật Tài nguyên nước; kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Tài nguyên nước; gửi kết quả rà soát về Cục Quản lý tài nguyên nước trong tháng quý IV năm 2024 để tổng hợp.
Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về tài nguyên nước
Bộ Tài nguyên và Môi trường giao Cục Quản lý tài nguyên nước chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, xây dựng, hoàn thiện hồ sơ Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước trình Bộ xem xét, trình Chính phủ trong tháng 12 năm 2024.
Cùng với đó, Cục chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, xây dựng, hoàn thiện hồ sơ trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trong tháng 11/2024 các Thông tư: Quy định định mức kinh tế - kỹ thuật lập hành lang bảo vệ nguồn nước và Thông tư ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trám lấp giếng không sử dụng.
Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, xây dựng, hoàn thiện hồ sơ trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Thông tư quy định định mức kinh tế - kỹ thuật quan trắc và dự báo, cảnh báo tài nguyên nước trong tháng 10/2024 và Thông tư quy định định mức kinh tế - kỹ thuật điều tra, đánh giá hiện trạng xả nước thải vào nguồn nước trong tháng 11/2024.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng giao các đơn vị thuộc lĩnh vực tài nguyên nước và các đơn vị có liên quan rà soát, kiến nghị việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật, quy trình kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật về tài nguyên nước.
Đối với việc thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường giao Cục Quản lý lý tài nguyên nước chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng Chiến lược tài nguyên nước quốc gia trình Bộ trưởng xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2025; xây dựng, trình Bộ trưởng công bố kịch bản nguồn nước trên lưu vực sông thuộc danh mục lưu vực sông liên tỉnh phải lập quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh...
Luật Tài nguyên nước năm 2023 đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về quản lý, bảo vệ tài nguyên nước thông qua 4 nhóm chính sách quan trọng: Bảo đảm an ninh nguồn nước; xã hội hóa ngành nước; kinh tế tài nguyên nước và bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống tác hại do nước gây ra.
Bốn nhóm chính sách đã được cụ thể hóa qua 10 điểm mới: Nguyên tắc quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra; điều tra cơ bản tài nguyên nước, chiến lược, quy hoạch tài nguyên nước; quy định về bảo vệ, phục hồi nguồn nước; điều hòa, phân phối tài nguyên nước; khai thác, sử dụng tài nguyên nước; phòng, chống, khắc phục tác hại do nước gây ra; công cụ kinh tế, chính sách, nguồn lực cho hoạt động quản lý, bảo vệ tài nguyên nước; hợp tác quốc tế về tài nguyên nước; thanh tra, kiểm tra về tài nguyên nước; quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước.