Hướng tới sự tử tế trong du lịch

Theo định hướng phát triển, Tây Ninh sẽ là một điểm đến du lịch xanh trong tương lai. Đến nay, nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp với những hướng đi riêng trong cách làm du lịch đã góp phần tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch đặc sắc hơn.

Khách tham quan tại siêu thị đặc sản Lành Food.

Khách tham quan tại siêu thị đặc sản Lành Food.

Tạo hình ảnh đẹp cho du lịch từ sự tử tế

Trong nhiều mô hình du lịch đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, nhiều doanh nghiệp đang hướng đến mô hình du lịch tử tế. Tử tế trong kinh doanh du lịch sẽ góp phần xây dựng một hình ảnh đẹp cho du lịch Tây Ninh trong lòng du khách.

Anh La Quốc Phong, chủ nhân La’s Farmstay (Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng) chia sẻ, hiện farm đang hướng đến làm du lịch tử tế, không đi theo hướng du lịch thị hiếu của thị trường. Với cách làm này, farm hướng tới dòng khách nước ngoài như châu Âu, Úc, New Zealand, Mỹ… Bên cạnh đó, farm cũng là chọn lựa của những đối tượng khách gia đình, trường học, công ty nước ngoài với mong muốn trải nghiệm, nghỉ dưỡng hay tổ chức teambuilding.

Giải thích về sự tử tế khi làm du lịch, anh Phong cho biết, làm du lịch tử tế là không tăng giá vào các dịp lễ, tết hay cuối tuần, phục vụ tận tình, xem khách như người thân, tạo không khí bình yên dễ chịu nhẹ nhàng. Ví dụ như khi khách đến farm, trái cây có thể ăn thoải mái không tính thêm tiền, nhưng tuyệt đối không cho hái quả non. “Tôi làm du lịch với sự thoải mái cho khách, tránh việc tính toán chi li nhỏ nhặt”- anh Phong nói thêm.

La’s Farmstay hướng tới khách nước ngoài là chính và nhóm khách nội địa từ Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương. Hiện nay, trung bình mỗi tháng có từ 100-120 khách đến với nông trại, tăng nhiều so với thời gian đầu vì có sự đầu tư ngày càng đẹp hơn.

Theo anh Phong, farmstay là mô hình nông trại nghỉ dưỡng nên không phù hợp khách có nhu cầu vui chơi sôi động. Vì vậy, chủ farm phải giải thích cho khách hiểu rồi mới đặt suất. “Trước khi khách đến farm, chúng tôi sẽ gửi cho khách một thông điệp gồm những điều nên và không nên khi chọn các dịch vụ, trải nghiệm tại farm. Sau khi tìm hiểu xong, khách cảm thấy phù hợp thì đến”.

Với cách làm và phục vụ của farm, trung bình mỗi năm có những khách chọn quay lại 2 lần đối với khách Việt; khách nước ngoài làm việc tại Việt Nam thì chọn trở lại ít nhất 3 lần/năm; khách nước ngoài vãng lai khi đến cũng để lại những đánh giá tốt đẹp về farm. Trên trang Booking.com, La’s Farmstay hiện đang được chấm 9.0 với nhiều đánh giá 9-10 điểm từ khách quốc tế. “Để có và giữ được điểm số này, chúng tôi đã nỗ lực rất nhiều để mang đến những trải nghiệm tốt cho khách, nhất là với một farm rộng 7 ha thì để đạt các tiêu chuẩn cao là không dễ”.

Hiện nay, khi đến với La’s Farmstay, du khách được trải nghiệm không khí trong lành, nhiều trò chơi, hay tráng bánh tráng với sự hướng dẫn từ các nghệ nhân. Đó cũng là cách farm muốn quảng bá, lưu giữ lửa cho nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng- di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Anh Phong chia sẻ: “Tôi vui khi du khách thích thú, hài lòng với những trải nghiệm tại farm. Nếu chọn làm du lịch tử tế thì phải luôn rõ ràng, gọn gàng và sạch sẽ để phục vụ khách, hướng đến sự hài lòng của khách khi đến trải nghiệm. Nếu không có sự tử tế trong cách làm du lịch thì khách đi sẽ không chọn quay lại với mình.”

Khách tham gia trải nghiệm tráng bánh tráng tại La’s Farmstay.

Cùng mong muốn đưa đặc sản Tây Ninh đến tay du khách tiện lợi và bảo đảm giá trị thật, Lành Food cho ra đời mô hình siêu thị đặc sản tại khu phố Gia Huỳnh, phường Trảng Bàng, thị xã Trảng Bàng. Đây cũng là một cách làm du lịch tử tế được anh Vũ Thái Lành- Giám đốc điều hành Lành Food chọn thực hiện. Anh Lành chia sẻ: “Mình đã qua nhiều trạm dừng chân và nhận thấy nhiều sản phẩm được bán không đúng với giá trị thật. Vì vậy, tôi muốn mở một trạm dừng chân tại thị xã Trảng Bàng để khách du lịch đến Tây Ninh, ngoài thưởng thức đặc sản bánh tráng, bánh canh sẽ có thêm một điểm đến và chọn mua được những đặc sản muối, bánh tráng với chất lượng, giá cả tốt nhất”.

“Tôi không muốn du khách đến Tây Ninh mà mua phải những sản phẩm trôi nổi giá cao, như vậy sẽ dễ đánh mất niềm tin của du khách đối với du lịch tỉnh nhà. Tôi luôn muốn bán sản phẩm đặc sản với đúng giá trị thực của nó”- anh Lành nói.

Lành Food ra đời đến nay gần 1 năm với sản phẩm chủ đạo là muối ớt, bánh tráng Trảng Bàng, được khách hàng nhiều nơi đón nhận. Hướng tới, Lành Food sẽ kết hợp với Hiệp hội Du lịch để đưa tất cả 30 sản phẩm OCOP của Tây Ninh đến trưng bày và bán tại đây.

“Tôi muốn những sản phẩm đặc trưng, đặc sản của Tây Ninh đều có mặt trên kệ của Lành Food để du khách đến có thể lựa chọn các sản phẩm mình muốn mà không phải di chuyển nhiều. Tôi hy vọng không chỉ điểm bán hàng của Lành Food mà Tây Ninh sẽ có thêm nhiều điểm bán hàng tốt để đáp ứng nhu cầu của du khách” - anh Lành hào hứng.

Du lịch xanh, hy vọng với những “cú hích”

Với sự nỗ lực của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Những chính sách du lịch tỉnh đang và sẽ thực hiện mang hy vọng trở thành những “cú hích” giúp du lịch tỉnh nhà ngày thêm phát triển.

Theo bà Trần Thị Huy Hoàng- Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, để góp phần phát triển du lịch xanh, thời gian qua, Sở phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các cơ quan hữu quan, chính quyền địa phương có những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia vào lĩnh vực du lịch nông thôn qua những hỗ trợ về pháp lý, thủ tục. Tỉnh đang dự kiến ban hành thêm những chính sách hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân tham gia vào lĩnh vực này.

Ông La Hữu Nghị- Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã cũng chia sẻ, hiện Tây Ninh chưa có hợp tác xã (HTX) nông nghiệp gắn với du lịch. Liên minh HTX đã có đề án phát triển mô hình HTX gắn liền với du lịch nông thôn. Đến nay, Liên minh HTX đã hoàn thành đề án, tổ chức hội thảo khoa học chuẩn bị tiến tới thực hiện trong thời gian tới. Ông cũng bày tỏ hy vọng: “Sắp tới, cùng với những điểm đến nổi tiếng của tỉnh, du khách đến Tây Ninh sẽ có thêm trải nghiệm thực tế, tham quan các hoạt động tại các HTX nông nghiệp này”.

Thưởng thức sầu riêng tại HTX cây ăn trái Bàu Đồn

Ông Ngô Trần Ngọc Quốc- Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh cho biết, định hướng chung của UBND tỉnh và phát triển Tây Ninh thành một trong những điểm đến theo hướng du lịch xanh. Du lịch xanh không thể thiếu du lịch nông nghiệp, hiện tại, các thành viên Hiệp hội cũng quan tâm đến lĩnh vực này: “Để phát triển du lịch nông nghiệp đòi hỏi nhiều yếu tố, đặc biệt là sự quan tâm của các cơ quan sở tại, chính quyền địa phương cùng với sự quyết tâm của doanh nghiệp, từ đó, chúng ta có thể tạo ra du lịch nông nghiệp xanh”.

Tuy nhiên, ông Quốc cũng thừa nhận, thời gian qua, cơ sở hạ tầng du lịch nông nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách. Vì vậy, để xây dựng được những homestay, farmstay... cần lắm những chương trình, quy định, những chính sách, hỗ trợ từ các sở, ban, ngành. Một lợi thế cho doanh nghiệp là Tây Ninh hướng đến phát triển nông nghiệp, trong đó tập trung vào du lịch và nông nghiệp công nghệ cao. Đây là một cơ hội cho các doanh nghiệp hội viên khi vừa sản xuất đặc sản vừa tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho du khách để họ hiểu hơn về đặc sản, sản phẩm của Tây Ninh.

Ông Quốc nói thêm: “Về mặt hiệp hội, chúng tôi rất là mong chờ những chính sách hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp không vướng mắc khi bắt tay vào làm du lịch nông nghiệp xanh. Tất cả hội viên rất mong muốn những khu vườn cây ăn trái, ao, những cánh đồng… trở thành điểm đến du lịch, nâng giá trị cho chuỗi sản xuất chung”.

Những dự án giao thông sắp tới sẽ được triển khai thực hiện, đặc biệt với các dự án đường cao tốc cũng được đánh giá thuận lợi, giúp du lịch Tây Ninh có thêm bước đột phá. Khi quãng đường, thời gian di chuyển được rút ngắn, du khách sẽ có thêm thời gian trải nghiệm, hưởng thụ các dịch vụ, sản phẩm du lịch Tây Ninh.

Vi Xuân

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/huong-toi-su-tu-te-trong-du-lich-a173578.html