Huyện Đà Bắc thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới
Là huyện miền núi, diện tích rộng, địa hình chia cắt, chịu nhiều ảnh hưởng bởi thiên tai, mưa lũ, việc triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Đà Bắc gặp nhiều khó khăn, áp lực. Tuy nhiên, với sự tập trung chỉ đạo và nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và người dân, chương trình xây dựng NTM của huyện vùng cao Đà Bắc đã có những khởi sắc đáng mừng, nhất là thực hiện tiêu chí về môi trường.
Từ chỗ đứng trước nguy cơ là huyện trắng về xây dựng NTM vào năm 2016, với sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền và sự vào cuộc của hệ thống chính trị, Đà Bắc đã thoát khỏi huyện trắng về xây dựng NTM. Đến nay, số tiêu chí đạt trung bình của các xã là 13,63 tiêu chí/xã. Cụ thể: Toàn huyện có 3 xã đạt 19/19 tiêu chí (Tú Lý, Hiền Lương, Toàn Sơn); 2 xã đạt 14 tiêu chí (Yên Hòa, Mường Chiềng); 12 xã còn lại đạt từ 10 - 13 tiêu chí. Có 2 xã phấn đấu đạt NTM nâng cao, cụ thể: Hiền Lương đạt 7/19 tiêu chí; xã Tú Lý đạt 14/19 tiêu chí.
Các địa phương đặc biệt quan tâm tới thực hiện tiêu chí về môi trường, một trong những tiêu chí khó thực hiện nhất trong chương trình xây dựng NTM. Đồng chí Đinh Văn Huy, Phó Chủ tịch UBND xã Hiền Lương cho biết: Xã đã chú trọng tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp và an toàn. 100% gia đình đã thực hiện thu gom rác thải để phân loại, xử lý. Tỷ lệ người dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt khoảng 99%. Khoảng 75% số hộ có bể nước sinh hoạt bảo đảm "3 sạch". Khu chăn nuôi cũng được bố trí tách rời với nhà ở. Các khu nghĩa trang được quy hoạch, việc an táng bảo đảm phong tục truyền thống và thực hiện nếp sống mới… Ý thức của người dân về bảo vệ môi trường được nâng lên rõ rệt. Việc thực hiện tốt tiêu chí môi trường góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân. Năm 2019, xã đạt chuẩn NTM, thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 36,5 triệu đồng, hộ nghèo còn 11,6%.
Những năm gần đây, huyện Đà Bắc tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện Chương trình "Ngày thứ 7 xanh - sạch - đẹp” tại các thôn, xóm; phát động trồng hoa, cây xanh dọc các tuyến đường; khơi thông cống rãnh, thu dọn vệ sinh, tạo cảnh quan môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp... Toàn huyện có 7/16 xã đạt tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm. Các tổ chức đoàn thể, xóm, phố, khu dân cư đều có ý thức giữ gìn và bảo vệ môi trường. Chất lượng khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người dân được quan tâm. Đến nay, trên địa bàn huyện có 12/16 Trạm Y tế xã đạt chuẩn quốc gia. Các xã, thị trấn tích cực hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động. Đến nay, huyện có 15/16 xã đã đạt tiêu chí về văn hóa.
Đồng chí Nguyễn Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc cho biết: Việc thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM ở nhiều xã huyện Đà Bắc đã giúp thay đổi bộ mặt vùng nông thôn và nâng cao chất lượng sống người dân. Công tác giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn, xử lý chất thải sinh hoạt, xây dựng môi trường sống xanh, sạch, đẹp; phát huy vai trò của người dân trong công tác giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường nông thôn; vận động Nhân dân đầu tư xây dựng và nâng cấp các công trình hợp vệ sinh, chỉnh trang nhà vườn, bố trí chuồng trại chăn nuôi hợp lý và thực hiện tốt nếp sống văn hóa, văn minh; huy động người dân vào cuộc, có kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, bảo đảm sự bền vững thông qua việc đưa các quy định về bảo vệ môi trường và xây dựng cảnh quan vào các quy ước, hương ước của thôn, bản... để các hộ gia đình nghiêm túc thực hiện; nâng cao vai trò giám sát của cộng đồng đối với hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
Để tiếp tục thực tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM, huyện Đà Bắc đang tiếp tục tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, phát huy sự tham gia tích cực chủ động của Nhân dân thực hiện và giám sát chương trình xây dựng NTM; thực hiện nghiêm túc nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch; tạo điều kiện để người dân thực sự là chủ thể thực hiện chương trình; huy động, lồng ghép các nguồn lực nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế; chú trọng thực hiện nội dung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn, xóa đói, giảm nghèo gắn với việc thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên địa bàn…