Huyện Lạng Giang chú trọng phát triển sản phẩm OCOP
Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu, thời gian qua, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các xã, thị trấn phát huy tiềm năng, thế mạnh, chú trọng phát triển các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm đặc trưng để tạo thương hiệu riêng của từng địa phương. Đặc biệt, các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ gia đình ngày càng có ý thức xây dựng, phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm tham gia Chương trình OCOP.
Phát huy thế mạnh địa phương
Nhằm phát huy thế mạnh của địa phương, những năm qua, Lạng Giang đã chỉ đạo các xã, thị trấn chú trọng chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao chất lượng hiệu quả, gắn với sản xuất theo hướng hàng hóa những sản phẩm chủ lực. Khi triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), huyện khuyến khích phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, nâng cao năng lực quản lý cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ theo chuỗi giá trị, nhằm phát huy sức sáng tạo và nội lực để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của nhân dân. Mục tiêu đến năm 2025, nâng hạng sao từ 3-4 sản phẩm OCOP của huyện đã được công nhận OCOP (dự kiến Rượu thủy Thượng- thị trấn Vôi, Gạo Nếp thơm- Đại Lâm; Nấm đông trùng hạ thảo- xã Dương Đức, Giò lụa của HTX kinh doanh Thao Thanh). Đối với sản phẩm mới phấn đấu đạt mục tiêu năm 2025 có thêm 10 sản phẩm đạt 3 sao trở lên (mỗi xã, thị trấn có ít nhất 1 sản phẩm). Ưu tiên phát triển các HTX, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 90% chủ thể OCOP là Hợp tác xã; 10% là hộ gia đình cá thể.
Hiện nay huyện Lạng Giang đã có 27 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đánh giá, phân hạng đạt chuẩn OCOP 3 sao. Các sản phẩm OCOP được công nhận cấp tỉnh chủ yếu thuộc nhóm ngành hàng thực phẩm, đồ uồng và thảo dược. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất có sản phẩm được công nhận luôn quan tâm duy trì chất lượng sản phẩm theo quy định của Chương trình OCOP, tiếp tục chuẩn hóa các sản phẩm đã được công nhận để nâng cấp sản phẩm đạt thứ hạng sao cao hơn.
Trải qua nhiều lần thất bại, thua lỗ, song với niềm say mê, tìm tòi nghiên cứu, anh Lương Văn Tú, Giám đốc Công ty TNHH Nấm dược liệu ADENCO, thôn Hồng Giang, xã Đức Dương đã nuôi cấy thành công nấm đông trùng hạ thảo và đang xây nỗ lực dựng các sản phẩm OCOP được gắn sao.
Giám đốc Lương Văn Tú chia sẻ: Đông trùng hạ thảo là loại dược liệu khó trồng, yêu cầu kỹ thuật khắt khe và vốn đầu tư lớn. Các phòng nuôi cấy giống, phòng nuôi trồng luôn phải bảo đảm các điều kiện về ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm không khí và thực hiện nghiêm quy trình khử khuẩn, vô trùng. Với chữ "tâm" đặt lên hàng đầu, Công ty TNHH Nấm dược liệu ADENCO đã đầu tư máy móc, lắp đặt phòng làm giống, nuôi cấy và khu đóng gói. Trong phòng nuôi, luôn duy trì độ ẩm từ 70% - 85% bằng hệ thống phun sương; nhiệt độ từ 18 - 20 độ C và bảo đảm phòng nuôi ở trạng thái vô trùng để nấm không nhiễm bệnh. Đồng thời, đầu tư hệ thống máy sấy thăng hoa giúp giữ lại tối đa hàm lượng dưỡng chất, nguyên sợi, màu sắc và hương thơm đặc trưng. Nhờ đó, sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo của doanh nghiệp có màu vàng cam đậm, đẹp, sợi nấm to, đều từ trên xuống dưới, hàm lượng hoạt chất hóa sinh cao nhất.
Sản phẩm được sản xuất theo quy trình sạch khép kín nên chất lượng, hàm lượng dược tính cao, an toàn với người tiêu dùng. Sản phẩm mang thương hiệu ADENCO được kiểm nghiệm chất lượng tại Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế; có mã vạch, mã truy xuất nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Bên cạnh đó, Công ty còn chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa, đầu tư mẫu mã, bao bì nhãn mác. Sản phẩm đông trùng hạ thảo của Công ty đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Các sản phẩm Đông trùng hạ thảo khô, ngâm mật ong Đông trùng hạ thảo, rượu Đông trùng hạ thảo đưa ra thị trường đã được người tiêu dùng đón nhận, thị trường tiêu thụ hiện đã mở rộng hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước. Đặc biệt sản phẩm Đông Trùng hạ thảo sấy thăng hoa của ADENCO cũng đang là 1 trong 8 sản phẩm được đề nghị tham gia bình chọn cấp khu vực và các cấp quốc gia.
Nâng cao chất lượng
Theo kế hoạch năm 2023, huyện Lạng Giang có 3 sản phẩm mới tham gia đánh giá, phân hạng OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Hiện nay, các địa phương có sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng đang tập trung hoàn thiện thủ tục hồ sơ, quảng bá, giới thiệu và nâng cao chất lượng sản phẩm. Đợt này, toàn huyện có 2 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng gồm: Mật ong Yên Mỹ của HTX nông nghiệp Yên Mỹ; Mỳ gạo Hương Lạc của HTX nông nghiệp Hương Lạc. Đây đều là những sản phẩm tiêu biểu, được các chủ thể chú trọng nâng cao chất lượng, phát triển đa dạng; các thủ tục pháp lý như chứng nhận đủ điều kiện an toàn sản phẩm, hồ sơ công bố chất lượng, phiếu phân tích chỉ tiêu chất lượng, hệ thống bao bì, tem nhãn đầy đủ...
Ngoài 3 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng mới, huyện Lạng Giang còn có thêm 5 sản phẩm đã đánh giá, phân hạng lại và 1 sản phẩm nâng hạng sao. Để nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, huyện luôn quan tâm, tạo điều kiện, hướng dẫn các chủ thể sản phẩm OCOP lập phương án và tổ chức phát triển sản xuất kinh doanh đảm bảo đạt hiệu quả; mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; nâng cao chất lượng sản phẩm đầu ra, cải tiến nhãn mác, mẫu mã, bao bì. Hỗ trợ kinh phí xây dựng gian hàng quảng bá, giới thiệu sản phẩm chủ lực, đặc sản, sản phẩm OCOP tại các hội chợ, hội nghị, nhằm giới thiệu sản phẩm rộng rãi đến người tiêu dùng.
Đặc biệt, Lạng Giang tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, hỗ trợ các tập thể, cá nhân giới thiệu, quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng của địa phương và sản phẩn đạt tiêu chuẩn OCOP đến tay người tiêu dùng gắn với phát triển du lịch trên địa bàn. Qua đó, không chỉ khẳng định được lợi thế các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương, mà còn góp phần thay đổi tập quán sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.
Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Lan Hương phó Chủ tịch UBND huyện Lạng Giang cho biết: Chương trình OCOP đã góp phần chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng quy mô gắn với chuỗi giá trị, do đó, chất lượng sản phẩm được nâng cao, được thị trường chấp nhận, tạo thu nhập ổn định cho người dân trên địa bàn. Thời gian tới huyện tiếp tục duy trì các sản phẩm OCOP đã được công nhận; nâng hạng và định hướng phát triển các sản phẩm chủ lực, có thế mạnh tham gia Chương trình OCOP; tổ chức đánh giá, xếp hạng và đề nghị cấp tỉnh đánh giá xếp hạng sản phẩm cấp huyện; thực hiện tốt các hoạt động tuyên truyền, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ; thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững./.