Huyền sử Rú Cấm, khu rừng kỳ bí và truyền thuyết giải cứu Công chúa Huyền Trân

Hơn 700 năm trước, làng chài Nam Ô tại TP Đà Nẵng là một trong những địa điểm quan trọng trong hành trình giải cứu Công chúa Huyền Trân khỏi nghi lễ tuẫn táng của Chiêm Thành. Nơi đây không chỉ lưu dấu tích lịch sử mà còn sở hữu khu rừng thiêng Rú Cấm – nơi được truyền tụng có thần linh canh giữ, cấm kỵ mọi hành vi xâm phạm. Đến nay, khu rừng này vẫn là một vùng đất linh thiêng được người dân bảo vệ nghiêm ngặt.

Dấu tích cuộc giải cứu Công chúa Huyền Trân

Làng Nam Ô, thuộc phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng, không chỉ nổi tiếng với nghề làm nước mắm truyền thống mà còn là nơi lưu giữ nhiều dấu tích lịch sử quan trọng. Đặc biệt, nơi đây gắn liền với sự kiện lịch sử vào đầu thế kỷ XIV – cuộc giải cứu Công chúa Huyền Trân khỏi tục lệ tuẫn táng của Chiêm Thành.

 Dấu tích còn lại của Miếu vọng Huyền Trân.

Dấu tích còn lại của Miếu vọng Huyền Trân.

Theo dã sử làng Nam Ô, năm 1306, để đổi lấy hai châu Ô, Lý sáp nhập vào Đại Việt, vua Trần Anh Tông đã gả Công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm Thành là Chế Mân. Tuy nhiên, chỉ một năm sau, Chế Mân bạo bệnh qua đời. Theo tục lệ Chiêm Thành, hoàng hậu phải tuẫn táng theo vua. Lo sợ điều này, vua Trần Anh Tông đã cử Trần Khắc Chung cùng Đặng Văn vào Chiêm Thành viếng tang, đồng thời tổ chức giải cứu công chúa.

Bằng mưu kế khéo léo, đoàn quân Đại Việt đưa được Huyền Trân Công chúa xuống thuyền, xuôi dòng ra biển. Phát hiện sự việc, quân Chiêm Thành lập tức truy đuổi, dẫn đến nhiều cuộc giao tranh ác liệt.

Khi đến vùng biển Nam Ô, để bảo vệ công chúa, một viên tùy tướng cùng nhiều binh sĩ đã tình nguyện ở lại chặn đường quân Chiêm, giúp đoàn thuyền của công chúa kịp rút lui về Đại Việt. Viên tướng này đã anh dũng hy sinh và được dân làng tôn phong làm Tiền hiền của làng Nam Ô.

Ngày nay, tại chân núi Xuân Dương, người dân đã lập Miếu vọng Huyền Trân, không chỉ để tưởng nhớ công chúa mà còn ghi nhận sự hy sinh của những nghĩa sĩ đã ngã xuống trong trận chiến bảo vệ bà. Miếu vọng này vẫn là nơi linh thiêng, thu hút người dân và du khách đến dâng hương, cầu bình an.

Rú Cấm, khu rừng thiêng nhiều huyền bí

Nằm ngay bên bờ biển Nam Ô là Rú Cấm, khu rừng linh thiêng được người dân địa phương coi là “cấm địa”. Theo truyền thuyết, bất kỳ ai xâm phạm khu rừng, chặt phá cây cối hay làm điều bất kính đều gặp phải tai họa.

Không ai biết quy định này có từ bao giờ, nhưng qua nhiều thế hệ, người dân làng Nam Ô vẫn tuyệt đối tuân thủ. Khu rừng này còn có nhiều tên gọi khác nhau, phản ánh vẻ đẹp huyền bí của nó.

Một số người gọi đây là Núi Cu Đê, đặt theo dòng sông Cu Đê chảy qua khu vực. Một số khác gọi là Núi Hoa Ổ, nhưng sau này đổi thành Núi Hóa Ổ để tránh phạm húy Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Hoa, mẹ vua Thiệu Trị.

 Nhờ có hương ước nên làng Nam Ô vẫn bảo vệ được khu rừng cấm.

Nhờ có hương ước nên làng Nam Ô vẫn bảo vệ được khu rừng cấm.

Nhìn từ trên cao, khu rừng có hình dáng biến đổi theo từng góc độ: từ đèo Hải Vân nhìn xuống, nó giống như một con phượng hoàng tung cánh vươn ra biển, nên có người gọi đây là Hòn Phụng. Trong khi đó, các cụ cao niên trong làng lại gọi khu vực này là Mũi Hạc, vì dáng núi giống một con hạc đang vục mỏ xuống biển Đông.

Truyền thuyết kể rằng, Rú Cấm là nơi trú ngụ của thần linh và các vong hồn nghĩa sĩ đã hy sinh trong trận chiến năm xưa. Những đêm trăng sáng, nếu đứng từ xa nhìn vào, người ta có thể thấy những đốm sáng lập lòe giữa tán cây rậm rạp – một hiện tượng mà dân gian gọi là "lửa ma trơi", càng làm tăng thêm vẻ huyền bí của khu rừng.

Nhờ tín ngưỡng và quy định nghiêm ngặt, Rú Cấm vẫn giữ được hệ sinh thái nguyên vẹn, hiếm có ở các khu vực gần khu dân cư. Theo hương ước làng Nam Ô, gỗ trong rừng chỉ được dùng để sửa chữa đình miếu, tuyệt đối không khai thác cho mục đích cá nhân. Chính điều này giúp khu rừng tồn tại qua hàng trăm năm, giữ được những cây cổ thụ rợp bóng và hệ động thực vật phong phú.

Đặc biệt, nơi đây còn có một loài ve khổng lồ gọi là ve bầu, kích thước lớn gấp 2 – 3 lần ve thông thường. Theo ghi chép trong "Đại Nam nhất thống chí", thời Nguyễn, ve bầu được dùng để chế biến thành món ăn "chả thiền tử", một đặc sản tiến vua.

Không chỉ có khu rừng thiêng, Nam Ô còn sở hữu một sản vật quý – tảo tóc tiên (huyền tảo). Theo truyền thuyết, khi xưa, một ngư dân nghèo trong làng đã mơ thấy một bà tiên tóc đen huyền bay qua. Khi tỉnh dậy, ông phát hiện một loại rong biển đen bám vào ghềnh đá, ăn vào thấy ngon miệng. Từ đó, người dân gọi loại tảo này là tóc tiên, một nguồn thực phẩm quan trọng vào mùa giáp hạt.

 Rừng Nam Ô phía gần những ghềnh đá nhô ra biển.

Rừng Nam Ô phía gần những ghềnh đá nhô ra biển.

Ngày nay, dù cuộc sống có nhiều thay đổi, người dân Nam Ô vẫn duy trì truyền thống “ăn mứt” – nghề thu hoạch tảo tóc tiên. Mỗi đêm, khi thủy triều xuống, họ lại ra ghềnh đá thu hoạch thứ sản vật quý giá này. Nghề “ăn mứt” tuy vất vả, hiểm nguy nhưng vẫn được lưu giữ qua nhiều thế hệ, trở thành một nét văn hóa đặc trưng của làng biển Nam Ô.

Đến nay, làng Nam Ô không chỉ là một địa danh giàu truyền thống, mà còn là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc. Rú Cấm, với sự linh thiêng và những câu chuyện kỳ bí, vẫn sừng sững giữa đất trời, chứng kiến bao đổi thay của thời cuộc. Nhờ lòng tin và sự gìn giữ của người dân, khu rừng thiêng này vẫn là một biểu tượng bất diệt, che chở cho ngôi làng nhỏ bé bên bờ biển Đông.

Xuân Nha

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/doi-song-xa-hoi/huyen-su-ru-cam-khu-rung-ky-bi-va-truyen-thuyet-giai-cuu-cong-chua-huyen-tran-172234.html