Huyện Yên Thủy bảo tồn, phát huy vốn di sản văn hóa các dân tộc

Huyện Yên Thủy có trên 6,1 vạn dân, 7 dân tộc cùng sinh sống, trong đó, dân tộc Mường chiếm 69,22%, dân tộc Kinh chiếm 30%. Mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng, độc đáo, tạo nên nền văn hóa đa dạng, phong phú.

Các CLB phụ nữ huyện Yên Thủy giao lưu văn nghệ về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc.

Các CLB phụ nữ huyện Yên Thủy giao lưu văn nghệ về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc.

Đồng chí Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện cho biết: Cộng đồng có nhận thức, ý thức cao về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, cùng nhau lưu giữ những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình và truyền thống văn hóa chung. Thêm vào đó, một bộ phận lớn người dân có nguồn gốc nhiều đời định cư ở địa phương, kinh tế chủ yếu là nông, lâm nghiệp nên nét đẹp văn hóa các dân tộc không bị ảnh hưởng nhiều bởi các luồng văn hóa ngoại lai.

Những năm qua, công tác giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn được huyện xác định là nhiệm vụ thường xuyên, góp phần tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Huyện ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, chính sách về công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa (DSVH). Tăng cường truyền thông, quảng bá để các tầng lớp nhân dân hiểu biết về đường lối, chủ trương, chính sách dân tộc, tầm quan trọng và vị trí của việc bảo tồn, phát huy giá trị DSVH các dân tộc. Chú trọng khôi phục, gìn giữ và thúc đẩy sinh hoạt văn hóa cộng đồng, trò chơi dân gian. Quan tâm phát hiện, tôn vinh, đãi ngộ đối với các nghệ nhân, gia đình, cộng đồng có thành tích tiêu biểu trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị DSVH các dân tộc.

Với những giải pháp tích cực, vốn DSVH vật thể, phi vật thể trên địa bàn huyện Yên Thủy được khơi dậy, bảo tồn và phát huy. Huyện có 12 di tích và danh lam thắng cảnh đã được công nhận, trong đó có 9 di tích, danh lam cấp tỉnh, 3 di tích, danh lam cấp quốc gia. Từ năm 2018 đến nay, bằng các nguồn vốn khác nhau đã trùng tu, tôn tạo một số di tích như: chùa Hang, đình Thượng (xã Yên Trị), đình Phủ Vệ (xã Đoàn Kết). Dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử chùa Tác Đức (xã Lạc Thịnh) từ nguồn xã hội hóa đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 478/QĐ-UBND, ngày 15/3/2022.

Trong hoạt động bảo tồn DSVH phi vật thể, huyện đã đẩy mạnh kiểm kê, ghi danh, truyền dạy và phát huy DSVH, tôn vinh các nghệ nhân. Trên địa bàn có 115 đội văn nghệ xóm, bản; thành lập được CLB chiêng Mường xã Lạc Sỹ, xã Hữu Lợi; CLB hát chèo xã Ngọc Lương; CLB Mo Mường huyện Yên Thủy. Quan tâm truyền dạy, bảo lưu, trao truyền DSVH đã thành lập các CLB "Giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Mường” ở các xã Đa Phúc, Lạc Lương, Lạc Sỹ; cửa hàng "Trang phục áo dài - trang phục dân tộc 0 đồng” xã Lạc Thịnh. Trong huyện có 2 nghệ nhân Mo Mường được công nhận "Nghệ nhân ưu tú” lĩnh vực DSVH phi vật thể.

Bên cạnh đó, công tác bảo tồn vốn DSVH được gắn với phát huy thế mạnh du lịch địa phương. Trên địa bàn có đa dạng điểm đến du lịch tâm linh thu hút du khách thập phương như: chùa Hang (xã Yên Trị), chùa Tác Đức (xã Lạc Thịnh), danh thắng hang Nước - động Thiên Tôn (xã Ngọc Lương), đình Xàm (xã Phú Lai)... Thông qua bảo tồn, phát huy các DSVH đã tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, làm thay đổi diện mạo và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, KT-XH trên địa bàn.

Bùi Minh

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/16/173128/huyen-yen-thuy-bao-ton,-phat-huy-von-di-san-van-hoa-cac-dan-toc.htm