Huỳnh Thúc Kháng, chí sĩ yêu nước hết lòng vì dân tộc

Cụ Huỳnh Thúc Kháng sinh ngày 1/10/1876, tại làng Thạnh Bình, tổng Tiên Giang Thượng, huyện Hà Đông, phủ Thăng Bình (nay là thôn Thạnh Bình, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam). 13 tuổi đã biết làm văn, 16 tuổi đi thi hương, 29 tuổi đỗ tiến sĩ và nổi danh là một trong ba người hay chữ nhất ở Kinh đô Huế vào thời kỳ đó.

Cụ Huỳnh Thúc Kháng dũng cảm, kiên cường đấu tranh công khai với thực dân Pháp bằng nhiều hình thức, trong đó có báo Tiếng Dân. (Ảnh tư liệu)

Cụ Huỳnh Thúc Kháng dũng cảm, kiên cường đấu tranh công khai với thực dân Pháp bằng nhiều hình thức, trong đó có báo Tiếng Dân. (Ảnh tư liệu)

Học giỏi, đỗ cao, sớm nổi tiếng nhưng cụ Huỳnh Thúc Kháng không làm quan mà cùng những sĩ phu yêu nước đương thời như: Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Lương Văn Can khởi xướng phong trào Duy Tân, tích cực vận động, tuyên truyền tinh thần yêu nước, đấu tranh đòi chính quyền thực dân thực hiện những cải cách nhằm mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Do tham gia khởi xướng cuộc vận động Duy Tân ở Trung Kỳ, rồi phát triển thành một phong trào đấu tranh sôi nổi của quần chúng nhân dân, trong đó có phong trào chống thuế năm 1908, nên cụ Huỳnh Thúc Kháng bị thực dân Pháp bắt, đày đi Côn Đảo suốt 13 năm (1908-1921). Sau khi được trả tự do, cụ Huỳnh Thúc Kháng lại tích cực hoạt động đòi quyền lợi cho dân, cho nước.

Tháng 7-1926, cụ Huỳnh Thúc Kháng trúng cử Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ. Tuy nhiên, sau khi thấy Viện Dân biểu không thực sự đại diện cho tiếng nói và nguyện vọng của nhân dân nên cụ xin từ chức (năm 1928), tập trung vào sự nghiệp báo chí, văn chương. Năm 1927, cụ sáng lập báo Tiếng dân, làm chủ nhiệm đồng thời là chủ bút suốt 16 năm (1927-1943).

Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời cụ Huỳnh Thúc Kháng tham gia nội các Chính phủ Liên hiệp kháng chiến nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Năm 1946, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Pháp, cụ Huỳnh Thúc Kháng được cử làm quyền Chủ tịch Chính phủ, điều hành mọi hoạt động của chính quyền cách mạng, vừa tích cực xây dựng và củng cố tiềm lực của đất nước, vừa đấu tranh làm thất bại những âm mưu chống phá của các lực lượng phản động.

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ (năm 1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh cử cụ Huỳnh Thúc Kháng là Đặc phái viên của Chính phủ đi kinh lý miền Trung để giải thích đường lối kháng chiến, kêu gọi toàn dân ủng hộ Chính phủ, cách mạng.

Không chỉ là một chí sĩ yêu nước, nhà lãnh đạo tài năng, cụ Huỳnh Thúc Kháng còn là một nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà sử học, nhà giáo dục, là người tiên phong tuyên truyền, cổ động học chữ quốc ngữ. Thơ của cụ ngắn gọn, cô đọng và có sức khái quát cao, trong thơ tràn đầy nhiệt huyết và tinh thần yêu nước cháy bỏng mang đậm tính thời sự và chiến đấu. Nét đặc sắc trong thơ của Cụ là thể hiện không gian nghệ thuật hết sức tinh tế, nêu bật được tư tưởng, tình cảm và chí hướng của cụ cũng như diện mạo của đất nước và thời đại đầu thế kỷ XX.

Trong lĩnh vực báo chí, ngòi bút cụ Huỳnh đề cập đến nhiều vấn đề xã hội và tư tưởng. Cụ đã dùng báo chí làm công cụ để bênh vực cho quyền sống, quyền tự do của đồng bào mình, chĩa mũi nhọn đả kích vào chính quyền thực dân phong kiến đương thời. Đặc biệt hơn nữa, cụ Huỳnh còn có nhiều bài viết với những tư liệu, chứng cứ, quan điểm về chủ quyền lãnh thổ đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Các bài viết đó góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, thể hiện tấm lòng yêu nước của chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng.

Do tuổi cao, sức yếu và bệnh nặng, cụ Huỳnh Thúc Kháng qua đời tại tỉnh Quảng Ngãi ngày 21/4/1947. Với những cống hiến to lớn cho dân tộc, ngày 27/12/2012, Chủ tịch nước đã ký Quyết định truy tặng Huân chương Sao Vàng, phần thưởng cao quý nhất của Đảng, Nhà nước cho cụ Huỳnh Thúc Kháng.

Xuân Anh (B/s)

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/van-hoa/202408/huynh-thuc-khang-chi-si-yeu-nuoc-het-long-vi-dan-toc-4fb0030/