HV Nông nghiệp Việt Nam: Khoa Thủy sản đạt nhiều thành tích nghiên cứu khoa học

Khoa Thủy sản của HV Nông nghiệp Việt Nam hoàn thành nhiều đề tài nghiên cứu, xuất bản nhiều công trình khoa học, đạt được những giải thưởng cao về NCKH.

Sáng nay (14/5), Khoa Thủy sản, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội nghị khoa học công nghệ của cán bộ, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên năm 2025.

Tham dự Hội nghị có sự hiện diện của Trưởng khoa Khoa Thủy sản là Phó giáo sư Tiến sĩ Kim Văn Vạn, các phó trưởng khoa và đông đảo nghiên cứu sinh, học viên, sinh viên của khoa.

 Toàn cảnh Hội nghị khoa học công nghệ của Khoa Thủy sản, Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Toàn cảnh Hội nghị khoa học công nghệ của Khoa Thủy sản, Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Kim Văn Vạn - Trưởng khoa Khoa Thủy sản, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã chia sẻ: Năm 2024, với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao từ Ban Chủ nhiệm Khoa, cùng sự nỗ lực không ngừng của đội ngũ cán bộ trong công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học, Khoa Thủy sản đã gặt hái được nhiều thành công nổi bật.

Tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Khoa Thủy sản là một trong những đơn vị có nhiều đóng góp xuất sắc trong công tác đào tạo và chuyển giao công nghệ. Khoa hiện có hai nhóm nghiên cứu mạnh và đã có nhiều công trình nghiên cứu được xuất bản, đứng trong top đầu của học viện.

Theo đó, các hội nghị khoa học được khoa tổ chức nhằm mục đích tạo nguồn động lực, khuyến khích sinh viên, học viên tích cực tham gia và phát huy tiềm năng trong các hoạt động học tập và nghiên cứu.

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Kim Văn Vạn chia sẻ tại Hội nghị

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Kim Văn Vạn chia sẻ tại Hội nghị

Trong báo cáo về thành tích nghiên cứu khoa học của khoa Thủy sản trong năm 2024, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Nắng Thu - Phó Trưởng khoa Khoa Thủy sản cho biết: Năm học 2024 - 2025, khoa đã hoàn thành 8 đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên, tất cả đều đã được Hội đồng nghiệm thu. Bên cạnh đó, 27 nhóm sinh viên nghiên cứu khoa học của năm 2025 hiện đang trong quá trình phê duyệt.

Về nghiên cứu khoa học của cán bộ, trong năm 2024, khoa đã nghiệm thu 2 đề tài cấp học viện và 1 đề tài trọng điểm cấp học viện. Năm 2025, khoa tiếp tục thực hiện 3 đề tài cấp học viện, 6 đề tài cấp học viện được tài trợ bởi Việt - Bỉ, 1 đề tài trọng điểm cấp học viện và 7 đề tài trọng điểm cấp học viện cũng nhận tài trợ từ Việt - Bỉ.

Cùng với hoạt động nghiên cứu, đội ngũ giảng viên và cán bộ của khoa cũng đã tích cực tham gia các hội thảo quốc tế và trong nước về nhiều lĩnh vực liên quan đến ngành. Cụ thể, trong năm 2024, khoa đã tham gia các hội thảo quốc tế tại Pháp, Vienna (Áo), Morocco và Bogor (Indonesia). Đồng thời, giảng viên và cán bộ của khoa còn tham gia giảng dạy trong các khóa đào tạo và tập huấn quốc tế ngắn hạn.

Ngoài ra, sinh viên và học viên của khoa cũng có cơ hội giao lưu học thuật quốc tế, đặc biệt là tham gia chương trình trao đổi học viên cao học với Đại học Khoa học - Công nghệ Tây Nam (Trung Quốc) tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Nắng Thu báo cáo thành tích nghiên cứu khoa học của khoa Thủy sản

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Nắng Thu báo cáo thành tích nghiên cứu khoa học của khoa Thủy sản

Để hiện thực hóa kết quả nghiên cứu khoa học, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Nắng Thu chia sẻ rằng khoa đã xuất bản 14 bài báo trong nước và 7 bài báo quốc tế, đồng thời tham gia viết các sách giáo khoa và chuyên khảo quan trọng, bao gồm sách "Công nghệ 12" (bộ sách Cánh Diều), sách chuyên khảo "Công nghệ 12 - Lâm Nghiệp - Thủy sản" (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam), sách giáo trình "Di truyền và chọn giống thủy sản", và sách chuyên khảo "Đặc điểm sinh học và công nghệ nuôi cá Trắm đen (Mylopharyngodon piceus Richardson, 1846) ở Việt Nam".

Bên cạnh đó, 2 nhóm nghiên cứu mạnh của khoa, gồm nhóm "Dinh dưỡng thức ăn và Nuôi trồng thủy sản" và nhóm "Bệnh thủy sản" đã có những sản phẩm nghiên cứu vượt trội, đóng góp không nhỏ vào thành tựu chung của khoa. Các kết quả nghiên cứu khoa học của khoa cũng đã gặt hái nhiều thành công đáng khích lệ, như giành giải Nhất công trình nghiên cứu khoa học cấp Học viện, giải Ba Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Bộ (Vifotec), và sự tham gia của 4 nhóm sinh viên tại Hội nghị Khoa học trẻ toàn quốc. Đặc biệt, 2 nhóm sinh viên đã tham gia Cuộc thi Sinh viên Nghiên cứu Khoa học Eureka, và một nhóm đã lọt vào vòng chung kết.

Không chỉ vậy, Khoa còn tham gia vào nhiều đề tài nghiên cứu nổi bật, với các sản phẩm ứng dụng đạt hiệu quả cao trong sản xuất và đời sống, góp phần phục vụ tốt công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học của Học viện cũng như các địa phương. Trong năm qua, các cán bộ trẻ của đơn vị đã tích cực đề xuất và xây dựng các dự án, mô hình chuyển giao khoa học công nghệ cho các địa phương trên toàn quốc.

“Mặc dù đội ngũ cán bộ của Khoa còn mỏng, nhưng nhờ cơ sở vật chất thuận lợi và tinh thần nghiên cứu khoa học mạnh mẽ, khoa đã đạt được nhiều thành tựu ấn tượng. Các giảng viên, kỹ sư và sinh viên của khoa không chỉ tham gia các dự án nghiên cứu, mà còn tích cực tham gia các chương trình tư vấn khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân, đặc biệt là trong các dự án hợp tác quốc tế với Việt - Bỉ và các đề tài cấp Học viện Nông nghiệp Việt Nam”, cô Thu bày tỏ.

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Nắng Thu hướng dẫn sinh viên nghiên cứu. Ảnh: NTCC

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Nắng Thu hướng dẫn sinh viên nghiên cứu. Ảnh: NTCC

Tham dự hội nghị, em Nguyễn Thảo Anh - sinh viên khoa Thủy sản đã trình bày đề tài “Đánh giá khả năng ức chế vi khuẩn gây bệnh trên tôm thẻ chân trắng bằng dịch chiết cây chùm ngây để sản xuất chế phẩm phòng bệnh”.

Theo chia sẻ của Thảo Anh, tôm thẻ chân trắng hiện đang là một ngành sản xuất mũi nhọn, đối tượng nuôi chủ lực với giá trị xuất khẩu lớn ở Việt Nam. Tuy nhiên, nghề nuôi tôm thẻ chân trắng đang đối mặt với rất nhiều khó khăn về dịch bệnh phức tạp, chi phí liên quan đến phòng trị bệnh, gây nên thiệt hại kinh tế lớn đối với ngành nuôi tôm thẻ chân trắng nước ta.

Trên thực tế, để đảm bảo được sản lượng tôm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thì người nuôi sử dụng rất nhiều kháng sinh không chỉ để chữa mà còn để phòng bệnh do vi khuẩn vibrio gây ra.

“Việc sử dụng kháng sinh tràn lan, lạm dụng dẫn đến tình trạng kháng sinh trở lên nghiêm trọng và trở thành một trở ngại lớn trong nuôi tôm hiện nay. Để giải quyết vấn đề đó cần có những biện pháp vừa an toàn với môi trường, với vật nuôi, vừa bảo vệ được sức khỏe động vật thủy sản, vừa không tồn dư kháng sinh trong cơ thể động vật”, nữ sinh đặt vấn đề.

 Sinh viên Nguyễn Thảo Anh trình bày đề tài nhóm tại hội nghị

Sinh viên Nguyễn Thảo Anh trình bày đề tài nhóm tại hội nghị

Qua quá trình nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã phát hiện những giải pháp hạn chế việc dùng kháng sinh trong kiểm soát bệnh do Vibrio gây ra là sử dụng thảo dược và sản phẩm thảo dược.

Từ đó, nhóm nghiên cứu chùm ngây - một trong những loài cây hữu dụng bậc nhất thế giới, có tác dụng hạ sốt, kháng viêm, kháng khuẩn, chữa thấp khớp và được nghiên cứu để ứng dụng trong thú y và nhân y.

Trong nuôi trồng thủy sản, chùm ngây đã được chứng minh có tác dụng làm sạch nước ao nuôi, bột hạt chùm ngây có khả năng kháng lại V.cholerae phân lập từ tôm. Lá chùm ngây có thể có khả năng nâng cao miễn dịch và ức chế hầu hết các bệnh.

 Ảnh minh họa: NTCC

Ảnh minh họa: NTCC

Thảo Anh cho biết, dự án được nhóm nghiên cứu triển khai từ tháng 1 đến tháng 12/2024 , thu mẫu tại các vùng nuôi tôm tập trung ở Nam Định, Quảng Ninh, Nghệ An và thực hiện với bộ giải phẫu, hóa chất, tủ cấy, kính hiển vi, máy ly tâm…

Mục tiêu nghiên cứu sẽ thu mẫu tôm có biểu hiện bệnh hoại tử gan tụy ở Nam Định, phân trắng ở Quảng Ninh và phát sáng ban đêm tại Nghệ An.

Qua quá trình nghiên cứu, kết quả giám định cho thấy 09/09 chủng kết quả dương tính với 03 loài Vibrio; 3 chủng có khuẩn lạc trắng kem phân lập từ tôm bị phân trắng xuất hiện ở vị trí khoảng 337bp là V.alginolyticus; 3 chủng có khuẩn lạc tím hoa cà được phân lập từ tôm bị hoại tử gan tụy cấp có vạch band ở 360bp là V.parahaemolyticus và 3 chủng có khuẩn lạc tím nhạt phân lập từ mẫu tôm phát sáng ban đêm ở vị trí 390bp là V.harveyi.

 Các nhóm nghiên cứu nhận được sự đồng hành, hỗ trợ từ đội ngũ giảng viên trong khoa. Ảnh: NTCC

Các nhóm nghiên cứu nhận được sự đồng hành, hỗ trợ từ đội ngũ giảng viên trong khoa. Ảnh: NTCC

Trình bày Nghiên cứu bệnh do vi khuẩn Flavobacterium columnare gây ra trên cá chép, sinh viên Nguyễn Khánh Tùng đặt vấn đề về thực trạng nghề nuôi cá chép đang đối mặt với nhiều khó khăn, kèm theo đó là tình hình bệnh dịch ngày càng phức tạp.

Theo chia sẻ của nam sinh, F.columnare là tác nhân chính của bệnh trắng da, mòn đuôi, thối mang ở cá chép. Đây là một mầm bệnh mới nổi gây hậu quả kinh tế nghiêm trọng đối với cá chép nuôi. Trong khi đó, các nghiên cứu hay thông tin về bệnh do vi khuẩn gây ra trên cá chép tại Việt Nam còn nhiều hạn chế.

Từ đó, nhóm nghiên cứu đặt mục tiêu định danh được tác nhân gây bệnh từ các mẫu cá có biểu hiện nhiễm F.columnare. Xác định được các triệu chứng bệnh tính đặc trưng trên các nhiễm bệnh F.columnare nuôi tại một số tỉnh miền Bắc. Đồng thời xác định được mức độ độc lực của vi khuẩn, đánh giá được hiện trạng kháng kháng sinh của chủng vi khuẩn F.columnare.

 Sinh viên Nguyễn Khánh Tùng đặt vấn đề về thực trạng nghề nuôi cá chép tại Việt Nam hiện còn đối mặt nhiều khó khăn

Sinh viên Nguyễn Khánh Tùng đặt vấn đề về thực trạng nghề nuôi cá chép tại Việt Nam hiện còn đối mặt nhiều khó khăn

Đối với dự án này, nhóm triển khai 4 nội dung chính, bao gồm thu mẫu cá chép có biểu hiện nhiễm F.columnare tại 3 tỉnh miền Bắc, Việt Nam và kiểm tra lâm sàng, ghi nhận và tổng hợp biểu hiện bệnh.

Thứ hai, tiến hành nuôi cấy, phân lập và định danh vi khuẩn bằng sinh hóa và giám định PCR.

Tại hội nghị, sinh viên Nguyễn Khánh Tùng đã chia sẻ kết quả nghiên cứu mà nhóm đạt được. Theo đó, dự án đã định danh thành công 27 chủng vi khuẩn F.columnare phân lập từ cá chép bệnh bằng phương pháp hình thái, sinh hóa và giám định bằng kỹ thuật PCR. Theo đó, các nhiễm bệnh có biểu hiện đặc trưng là mang xơ trắng, hoại tử, xơ vây và bạc da. Các chủng phân lập được đều có khuẩn lạc vàng, dạng rễ đặc trưng, bám sâu vào mặt thạch, vi khuẩn gram âm, dạng sợi, di động.

Từ đó, nhóm kiến nghị cần thực hiện nghiên cứu mô bệnh học để đánh giá đặc điểm tổn thương vị thể trên cá nhiễm bệnh. Đồng thời nghiên cứu xác định loại kháng sinh có hiệu quả điều trị bệnh trong điều kiện mới.

 Nhóm nghiên cứu tiến hành thí nghiệm trên cá chép. Ảnh: NTCC

Nhóm nghiên cứu tiến hành thí nghiệm trên cá chép. Ảnh: NTCC

Tại hội nghị, các sinh viên tham dự sẽ có cơ hội đặt câu hỏi trực tiếp với giảng viên, nghiên cứu sinh, nhóm nghiên cứu. Qua đó tạo điều kiện để các em mở rộng kiến thức và thảo luận sâu về các vấn đề chuyên môn liên quan đến lĩnh vực mình đang theo đuổi. Việc đặt câu hỏi không chỉ giúp sinh viên làm rõ những thắc mắc, mà còn kích thích tư duy phản biện và khả năng tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề thực tế trong ngành Thủy sản. Từ đó, các em sẽ có thêm hiểu biết sâu rộng, từ lý thuyết đến thực tiễn, giúp nâng cao trình độ và sự tự tin trong quá trình học tập và nghiên cứu.

Thứ ba, tiến hành cảm nhiễm nhằm xác định khả năng gây bệnh của vi khuẩn F.columnare trên cá chép giống. Cuối cùng, thử nghiệm mức độ kháng/nhạt của chủng vi khuẩn phân lập và định danh được đối với một số loại kháng sinh thường sử dụng trong nuôi trồng thủy sản.

Đối với giảng viên, đây cũng là dịp để tiếp tục đồng hành cùng sinh viên trong quá trình học tập, nghiên cứu. Giảng viên sẽ không chỉ là người truyền đạt kiến thức mà còn là người hướng dẫn, hỗ trợ sinh viên triển khai các đề tài nghiên cứu mới, cũng như giúp sinh viên có cái nhìn rõ ràng hơn về hướng đi và phương pháp nghiên cứu. Đội ngũ giảng viên sẽ đưa ra những lời khuyên quý giá để sinh viên có thể giải quyết các vấn đề khó khăn gặp phải trong quá trình nghiên cứu, giúp các em vượt qua các rào cản và đạt được kết quả tốt nhất.

Ngành Nuôi trồng Thủy sản đã và đang trở thành một trong những lĩnh vực mũi nhọn trong nền kinh tế Việt Nam. Với sự phát triển nhanh chóng của ngành, nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao cũng ngày càng tăng.

Theo học ngành Nuôi trồng thủy sản tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, sinh viên được thực hành thực tập, rèn nghề tại các công ty có uy tín, được tham gia nghiên cứu khoa học với các giảng viên, chuyên gia giàu kinh nghiệm, được tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao và tình nguyện vì cộng đồng, tham gia trao đổi, học tập tại nước ngoài như Israel, Thái Lan, Trung Quốc…, có cơ hội nhận được học bổng tài năng, học bổng vượt khó với tổng giá trị lên đến 30 tỷ đồng/1 năm.

https://tuyensinh.vnua.edu.vn/nganh-nuoi-trong-thuy-san/

ĐÀO HIỀN

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/hv-nong-nghiep-viet-nam-khoa-thuy-san-dat-nhieu-thanh-tich-nghien-cuu-khoa-hoc-post251321.gd